Truyện ngắn 'giao thừa': Sau đêm sẽ là ngày

GD&TĐ - Đọc câu chuyện rất đời “Giao thừa” của Nguyễn Ngọc Tư, người ta cảm thương, nhói đau rồi lại mỉm cười cùng nhân vật chính...

Truyện ngắn “Giao thừa” của Nguyễn Ngọc Tư.
Truyện ngắn “Giao thừa” của Nguyễn Ngọc Tư.

Sau đêm tối, bình minh sẽ tỏa sáng, cay đắng đi qua hạnh phúc sẽ hồi sinh. Đêm đông, cái se lạnh của tiết trời làm se sắt lòng người, đọc câu chuyện rất đời “Giao thừa” của Nguyễn Ngọc Tư, người ta cảm thương, nhói đau rồi lại mỉm cười cùng nhân vật chính của truyện: Đậm, cô gái “lầm lỡ tới mức phải bỏ nhà đi” sau bao nước mắt đã tìm được nụ cười.

Nhà văn của những giải thưởng

Văn đàn dân tộc hai mươi năm đầu thế kỉ XXI, có lẽ Nguyễn Ngọc Tư là cây bút nữ nổi danh bậc nhất. Tên tuổi của nhà văn quê ở Đầm Dơi - Cà Mau đã vươn xa khỏi miền Tây mênh mông sông nước, chiếm trọn trái tim của bạn đọc khắp chốn muôn nơi, cả trong nước và ngoài nước.

Hơn hai mươi năm theo đuổi nghiệp cầm bút, chị xuất bản gần ba chục đầu sách, đủ các thể loại: Truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết, thậm chí cả địa hạt thơ ca. Chừng ấy sáng tác, đủ để người đời mến phục sức sáng tạo bền bỉ, dồi dào tựa như mạch nguồn chảy mãi không thôi. Sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư, mỗi thể loại mang một vẻ đẹp riêng, song đậm nét nhất, phải kể đến truyện ngắn.

Những tập truyện “Ngọn đèn không tắt”, “Nước chảy mây trôi”, “Giao thừa”, và đặc biệt là “Cánh đồng bất tận” đã lấy được cảm tình của độc giả với một lối kể riêng, dung dị, chân thành, mà để thương để nhớ. Ẩn sau câu chuyện đời thường về những người nông dân bình dị quê mùa là cái nhìn thấu hiểu cảm thương của người viết. Hiện thực cuộc sống, con người Nam Bộ chân chất, thiệt thà nghĩa tình nặng sâu cứ thế hiển hiện lên trong trang văn của người con đất Mũi Cà Mau.

Văn học Việt Nam đương đại, có lẽ Nguyễn Ngọc Tư là cây bút được vinh danh với nhiều giải thưởng quý giá (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam; Giải thưởng Văn học Liberaturpreis 2018 do Hiệp hội quảng bá văn học châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh ở Đức bình chọn...). Song phần thưởng giá trị nhất với chị là sự đón nhận mến yêu của công chúng bạn đọc khắp chốn muôn nơi, người ta say mê văn Nguyễn Ngọc Tư, tìm đọc để hiểu người, thương đời và thanh lọc tâm hồn mình.

Lỡ lầm tủi cực

Không phải ngẫu nhiên, truyện ngắn “Giao thừa” được nữ văn sĩ lựa chọn, đặt tên cả tập truyện xuất bản năm 2003 của chị. Ngay từ những câu mở đầu tác phẩm, nhà văn đã nhen lên trong lòng người đọc cái háo hức, chờ mong khi Tết đến xuân về: “Đã thấy mấy vạt hoa vàng lòe xòe, đã thấy những trái dưa hấu bóng mẫy thẫm xanh chất tầng tầng trên chợ. Thế là Tết thật rồi. Tết cứ làm người ta nao lên nôn nóng ngóng chờ, rồi lại nuối tiếc cho tuổi xuân qua. Chợ Tết chạy dọc theo các vỉa hè quanh ngã năm, bán toàn dưa với hoa”.

Cái tài của người viết là chỉ cần vẻn vẹn bốn câu văn, sáu mươi ba chữ mà vẫn khơi gợi được cái không khí của những ngày cuối năm, Tết đến xuân về, từ tín hiệu của cảnh vật, đến tiếng thầm reo chở đầy nỗi niềm của con người, sau chút hân hoan là sự ngậm ngùi “nuối tiếc tuổi xuân đi qua”. Văn của chị Tư trong cái vui mà phảng phất nỗi buồn. Mà buồn cũng phải, lần theo trang viết, khám phá phiên chợ Tết “toàn dưa với hoa”, người đọc sẽ thấu hiểu, cảm thương cho Đậm, cô gái bán dưa đã từng lầm lỡ, một mình chống chọi, nuốt đắng ngậm cay trong cái nhìn ghẻ lạnh của nhân gian.

Nhà văn Nguyễn NgọcTư.

Nhà văn Nguyễn NgọcTư.

Văn chương là phận người gửi vào câu chữ, Nguyễn Ngọc Tư đã kể lại trong câu chuyện của chị một cảnh ngộ tủi cực, đáng thương. Cái khổ của Đậm, cô gái “29 tuổi, hơi đen, trên khuôn mặt lam lũ còn sót lại chút duyên ngầm”, nhân vật chính của truyện được bao quát ở nhiều góc nhìn. Tuổi trẻ lầm lỡ, có con phải bỏ nhà đi, ba buồn rồi chết, má mới rước về.

“Cô thấy mình giống như cỏ ven đường, người ta đi qua đạp, đi lại đạp vẫn ngoi lên sống, sống cỗi cằn. Những mùa lam lũ. Những mùa cực nhọc. Một mình chống chọi”. Câu văn kể có vẻ tỉnh bơ, mà đọc lên vẫn nhoi nhói trong lòng. Bốn câu, mấy mươi chữ nói đủ cái tủi, cái buồn của cô gái trót mang tiếng “hư đâm đầu vô làm gì”.

Với Đậm, ranh giới kiếm tìm hạnh phúc mong manh mà đâu dễ vượt qua, điều tiếng về cái thời “đam mê bồng bột” vẫn còn đeo đẳng, mặc cảm với cô và cả định kiến của người đời đẩy cô gái duyên ngầm vào nghịch cảnh: Khát khao và tủi hổ. Ước ao nép đầu vào mảng ngực ráp nắng của người đàn ông yêu thương cho quên nỗi cô độc, lầm lũi tưởng gần mà hóa xa, tưởng dễ mà vẫn khó.

Thành ra, cái khổ của Đậm không chỉ là sự nhọc nhằn trong cuộc sống mưu sinh lam lũ, tội nghiệp xót xa hơn vẫn là ám ảnh về một thời đã qua, ranh giới giữa chấp nhận và vươn lên. Câu chuyện về Đậm, cũng là cảnh ngộ của những con người không may lầm lỡ gian nan trên hành trình làm lại cuộc đời. Cần lắm sự cảm thông, những trái tim yêu thương để gieo mầm hạnh phúc, cứu rỗi những phận người trong lỡ lầm, tủi cực, đắng cay.

Hạnh phúc hồi sinh

Bắc cực giá băng nhưng không đáng sợ bằng lòng người khi băng giá, đọc truyện “Giao thừa”, người ta thương Đậm và mỉm cười cùng cô gái mới hai mươi chín xuân xanh. Sau bao tủi hổ, cay cực, bàn tay đã nắm lấy bàn tay, hạnh phúc đã neo đậu xua tan tháng ngày khóc nghẹn. Lời thì thào của già Chín bán bông lúc ra về với Quí xe lam, tôi nghĩ nó như một cái mở nút thắt sợi dây trói vô hình, tiếp lửa niềm tin cho hạnh phúc lứa đôi: “Ê cậu nhỏ, tôi nói cậu nghe, ông bà mình có câu: Ra đường thấy cánh hoa rơi. Hai tay nâng lấy, cũ người mới ta. Mạnh dạn lên, cậu thương con gái người ta mà cà lơ phất phơ thấy rầu quá. Cháu Đậm, thấy vậy mà như trái dưa, xanh vỏ đỏ lòng”.

Lời nói chân thành của ông lão “lặn lội trên đời” mang đến cho người đọc biết bao cảm mến về một tấm lòng thành. Kết cục, sau câu nói chân tình ấy, Quí tốt bụng, thương người, vượt qua sự ái ngại, nói lời yêu trong khoảnh khắc Giao thừa thiêng liêng: “Năm tới, tôi trồng cúc đi bán với Đậm nghen”. “Đậm muốn cười, rất muốn cười mà sao nghẹn lại”.

Tình yêu gieo mầm hạnh phúc, con đường của Đậm từ nay sẽ không đơn độc lẻ loi, bàn tay lạnh giá của cô sẽ ấm áp yêu thương. Câu chuyện buồn khép lại, hạnh phúc mở ra trong khoảnh khắc xuân sang. Giao thừa qua lâu, song Tết vẫn sẽ còn, đó là Tết của lòng người đi qua cay đắng sẽ ngọt ngào hạnh phúc. Hạnh phúc được dệt nên bằng tình thương, tình yêu và đặc biệt là sự cảm thông nên nhất định sẽ vững bền. Câu chuyện về một cuộc đời tủi cực bởi thế mà lấp lánh niềm vui, sự ấm áp yêu thương, trang văn khép lại song tình người lan tỏa.

Ân tình, tài năng người cầm bút

Văn chương là câu chuyện của tấm lòng, ẩn trong trang viết là ân tình nặng sâu của người nghệ sĩ. Truyện của Nguyễn Ngọc Tư buồn mà nồng ấm tình người. Viết về cô gái bán dưa một mình tủi cực; anh chạy xe lam tốt bụng, chân thành; ông Chín bán bông đậm sâu tình nghĩa, nhà văn gửi trọn một tấm lòng yêu thương, trân trọng.

Và hình như, người viết đã phát hiện được những hạt ngọc quý giá trong tâm hồn con người bươn chải mưu sinh nhọc nhằn vất vả. Đó là bản tính lương thiện, sự chan hòa tình nghĩa, đặc biệt, tủi cực đắng cay vẫn luôn khao khát vươn lên kiếm tìm hạnh phúc. Câu chuyện khép lại bằng cái kết cổ tích, sau niềm xót thương là nụ cười viên mãn. Trang văn rất đời, mà cũng rất tình của nhà văn xứ miệt vườn Nam Bộ luôn trong nỗi nhớ niềm thương với rất nhiều người.

“Giao thừa” là một truyện ngắn hay, in đậm phong cách truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Ngôn ngữ truyện mang đậm màu sắc Nam Bộ, những lời ăn, tiếng nói của người dân miền Tây sông nước được sử dụng một cách đắc địa. Cách dẫn truyện tự nhiên, tạo sự lôi cuốn, người đọc như được hòa vào dòng chảy cảm xúc, diễn biến câu chuyện. Giọng văn “điềm đạm mà thấu đáo”, tính cách nhân vật được khắc họa sắc nét:

Đậm cơ cực, thương má, thương con, lầm lũi chống chọi, luôn khát khao hạnh phúc; Quí hiền lành, tốt bụng rất mực chân tình. Già Chín bán bông thiệt thà, chân chất mãi để thương để nhớ. Văn là đời, văn cũng là người, đọc truyện hiểu đời và cũng hiểu người hơn. Nhân vật trong truyện mang cốt cách vẻ đẹp của người dân miền Tây sông nước.

Xuân của đất trời, và xuân của lòng người, xuân về mang theo biết bao điều kì diệu. Đêm cuối năm, đọc “Giao thừa”, tôi chợt ngẫm về những điều lí thú: Sau nước mắt sẽ là nụ cười, khổ tận cam lai. Có điều, con người cần có niềm tin, sự khát khao để tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc cho cuộc đời mình. Đặc biệt, giữa cay đắng nhói đau, niềm vui vẫn nhen lên nếu có ánh sáng của tình người. Bởi thế, cuộc đời sẽ đẹp biết bao khi người ta mang yêu thương để lan tỏa yêu thương.

Viết văn là một quá trình sáng tạo, Nguyễn Ngọc Tư đã từng tâm sự: “Giải thưởng nào cũng là của ngày hôm qua. Ngày mai tôi là một kẻ tay trắng, nếu không viết thứ gì mới”. Hai mươi năm kể từ khi xuất bản tập truyện đầu tay “Ngọn đèn không tắt” (2000), Nguyễn Ngọc Tư vẫn miệt mài sáng tác, mỗi ngày dõi theo Facebook của chị người ta vẫn đọc được nhiều điều mới mẻ. Gần ba mươi tập sách với đủ thể loại đã xuất bản của chị là kết quả đẹp của quá trình sáng tạo bền bỉ. Giữa ngày đông lạnh, đọc truyện của Nguyễn Ngọc Tư, người ta trân quý tài năng, mến phục tấm lòng của một cây bút đa tài.

“Giao thừa”, truyện ngắn hay, giá trị gợi mở những chiều sâu ý nghĩa. Người ta “nhân vô thập toàn”, đâu phải ai cũng tránh được những vấp ngã, sai lầm. Chừng nào người đối với người bằng niềm thấu cảm ấm áp yêu thương, tủi cực sẽ tan đi và hạnh phúc sẽ hồi sinh. Bởi thế, câu chuyện được viết cách đây tròn 20 năm vẫn vẹn nguyên giá trị, đọng lại những cảm xúc khó quên trong tâm trí bạn đọc mỗi khi Tết đến xuân về.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.