Nhẹ nhàng, sâu lắng, truyện ngắn với một nhan đề rất thơ “Sóng bắt đầu từ gió…” của Phạm Ngọc Lanh đọng lại trong tâm trí tôi ấn tượng đậm sâu, từ đó bừng ngộ những bài học ý nghĩa.
Giờ học cuộc đời
Lương duyên của con người trong cõi nhân gian ngẫm cũng lạ, nhiều khi gặp một lần rồi mang nợ, ghi ơn suốt cả cuộc đời. Trong ngày hạnh phúc, Thùy, cô giáo vừa mới “đóng góp chút nho nhỏ” (giáo viên dạy Văn giỏi cấp tỉnh, có học sinh giải Nhất văn tỉnh, có học sinh góp mặt trong đội tuyển Văn thi và đoạt giải 3 quốc gia) vào bề dày thành tích dạy giỏi, học giỏi của trường học nơi mình công tác xin được tỏ lòng biết ơn với cô giáo Thanh Vân, người đã làm thay đổi cuộc đời, thay đổi ước mơ và giúp ước mơ của cô học trò chuyên Toán trở thành cô giáo dạy Văn giỏi giang được mến mộ, quý yêu.
Tiếng là cô giáo dạy Văn cấp 3, song cô Thanh Vân chỉ dạy Thùy vẻn vẹn một tiết học duy nhất. Thế nhưng, chỉ một là đủ, giờ học cuộc đời đó không chỉ nối duyên cho Thùy đến với công việc hiện tại, mang vinh quang về cho cá nhân và tập thể mà còn gián tiếp se duyên vợ chồng với anh bạn Duy (giờ là đồng nghiệp, giáo viên dạy Toán) cùng lớp ngày nào.
Vậy đấy, hạnh phúc đôi khi được tạo dựng trong cả quá trình, cũng có khi đơm hoa, kết trái từ một khoảnh khắc ngỡ chỉ vụt qua, chẳng bao giờ ta nghĩ tới. Tiết thi giáo viên giỏi cấp tỉnh của cô giáo Thanh Vân trở thành giờ học thắp lửa, truyền lửa soi tỏ tâm hồn, định hướng tương lai, “thỏi nam châm cực mạnh” hút cô giáo Thùy của hiện tại sẵn sàng từ biệt Toán học, sang với làng Văn. Thật tuyệt! Học một tiết, nhớ cả đời, đúng là xưa nay hiếm.
Bừng ngộ tâm hồn
Suy cho cùng, sứ mệnh của nghề dạy học không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà còn thắp sáng tâm hồn. Bởi thế, giờ học của cô Thanh Vân “có tuổi rồi sao bài giảng của cô trẻ đến thế”, tôi nghĩ không chỉ mở ra cho Thùy đến với đam mê, mà còn bừng ngộ nhận thức, tình cảm với không ít người đang theo nghiệp trồng người.
“Một gánh sách hay, không bằng một người thầy giỏi”, đích thực là chân lí muôn đời. Song, để có những giờ học mà hình ảnh người thầy, bài dạy lung linh đẹp mãi, chắc chắn thầy cô cần không ngừng tự học và sáng tạo. Tấm gương “Một đời dạy để mọi người nghĩ đến là yêu, là trọng” như cô Thanh Vân rất đáng để những ai đó ngày ngày làm bạn với bục giảng soi tỏ và răn mình. Giữa bộn bề cuộc sống áo cơm, làm Thầy mong giữ tròn khí tiết. Rất khó song cần làm và nhất định phải làm mới mong giữ được đạo làm Thầy. Mượn chuyện người, răn ta, nhắn gửi đời, câu chuyện quả thật rất ý nghĩa.
Lắng sâu ân nghĩa
Câu chuyện về cô giáo không dạy năm nào, đến giờ chắc cũng không biết trò là ai nhưng có khả năng truyền lửa mang đến cho người đọc sự tò mò, thích thú. “Sóng bắt đầu từ gió”, tình yêu thắp lửa tình yêu, song hơn hết vẫn là sự lắng sâu ân nghĩa. Lời thầy Hiệu trưởng của Thủy trong truyện: “Thế thì chính tôi và cả nhà trường cũng phải cảm ơn cô giáo Thanh Vân. Nhờ cô mà hội đồng ta có thêm một cô giáo dạy giỏi, Tổ Văn có thêm một cô giáo dạy giỏi” rất đáng để suy ngẫm. Biết ơn người chăn cây hái quả là quan trọng, nhớ ơn người gieo hạt cũng nên làm.
Người đọc có chút ngậm ngùi, xúc động khi nghe lời tâm sự về điều Thùy còn áy náy khi chưa có “lễ lạt tạ ơn” với cô giáo đã khai sáng cuộc đời, chắp mối tơ duyên cho mình: “Từ ngày ấy, em chưa một lần gặp cô, thậm chí thư cho cô. Cô nghỉ hưu về thanh thản sống ở quê. Năm nào bọn em tụ hội cũng nhắc tới cô. Năm nay, nhân họp mặt kỉ niệm 25 năm ngày tốt nghiệp cấp ba, chúng em sẽ mời cô. Cô sẽ chẳng biết đứa nào, có thể quên giờ dạy ấy nhưng chúng em đứa nào cũng nhớ tới cô, như nhớ các thầy cô đã dạy chúng em trong 3 năm học”. Nghiệp làm thầy, âm thầm, cho đi không mong nhận lại. Cho dù chưa một lần gặp lại, chưa “lễ lạt tạ ơn”, Thùy vẫn là người học trò ân nghĩa nặng sâu.
Quả ngọt, không quên ơn người gieo mầm. Tình cảm kính yêu, lòng biết ơn của cô giáo Thùy hôm nay với cô Thanh Vân ngày xưa vượt xa giá trị vật chất, đó là món quà tinh thần quý giá mà những người theo đuổi nghiệp phấn trắng bảng đen ao ước, chờ mong. Đó là được sống trong niềm thương nối nhớ của học trò. “Uống nước nhớ nguồn”, “sóng bắt đầu từ gió”, cuộc đời hạnh phúc hơn khi người ta biết sống trước sau, ân nghĩa vẹn tròn.
Nghệ thuật truyện ngắn
Văn chương đôi khi cũng thật lạ, xóa nhòa khoảng cách, kết nối tâm hồn để đồng cảm sẻ chia. Đọc truyện của Phạm Ngọc Lanh, tôi nhận được một tấm lòng đẹp với những câu chuyện viết về nghề dạy học. Từ truyện “Con gà trống” với bài học giáo dục sâu sắc, đến “Sóng bắt đầu từ gió…” ấn tượng nhất vẫn là cách kể tự nhiên, văn xuôi mà rất thơ, rưng rưng cảm xúc.
Cách dẫn chuyện linh hoạt, không theo quy luật thời gian, chuyện hiện tại, chuyện quá khứ, tất cả đan xen, từ đó hiện lên bức tranh đời chân thực, cảm động. Dõi theo diễn tiến truyện, người ta “thần tượng” cô Thanh Vân “nghệ sĩ dạy học”, mến tài cô Thủy giỏi giang mà từ tốn, khiêm nhường, sống có nghĩa có tình. Cách chọn tình huống, một tiết học ngắn làm đổi thay một đời người tạo nên sự bất ngờ, thích thú với đọc giả, làm phát sáng vẻ đẹp các nhân vật, bộc lộ ý nghĩa sâu xa.
Đọc một câu truyện hay, giống như được thưởng thức một món ngon, đọng lại trong ta khoái cảm ngân nga trong lòng. Rất lí thú khi tình cờ đọc được câu chuyện ý nghĩa “Sóng bắt đầu từ gió…” của Phạm Ngọc Lanh. Câu chuyện khép lại, chiều sâu ý nghĩa, những bài học giá trị vẫn còn vang mãi, từ đó hướng nhân gian tìm lẽ sống đẹp, hữu ích âm thầm dâng mật ngọt cho đời.