Bài học từ một truyện ngắn

GD&TĐ - Giáo dục một người có nhân cách và trí tuệ là một quá trình gian nan.

Truyện ngắn “Con gà trống” được in trên số 213 Báo GD&TĐ ra ngày 6/9/2021.
Truyện ngắn “Con gà trống” được in trên số 213 Báo GD&TĐ ra ngày 6/9/2021.

Ở đó, gia đình là nền móng, nhà trường, xã hội và khả năng tự rèn luyện của bản thân mang tính quyết định. Song, cây muốn vững gốc phải bền, những bài học từ ông bà, cha mẹ trong gia đình sẽ nâng bước cháu con trên muôn nẻo đường cuộc sống. Tác giả Phạm Ngọc Lanh, với truyện ngắn “Con gà trống”, in trên Báo GD&TĐ số ra ngày 6/9/2021 đã nhắn gửi bài học giáo dục quý giá, rất đáng để suy ngẫm.

Câu chuyện giản dị

Điều quan trọng bậc nhất trong nghệ thuật truyện ngắn là người viết chọn được tình thế xảy chuyện. Từ tình thế đó, cốt truyện được triển khai, nhân vật được khắc họa và tư tưởng chủ đề sáng tỏ. Trong truyện “Con gà trống”, Phạm Ngọc Lanh bắt đầu bằng một sự kiện vui, Thanh Hoài, đứa cháu đầu tiên của ông bà cán bộ Nhà nước đã nghỉ hưu thi đỗ trung học phổ thông, mà lại trúng tuyển trường danh giá nhất tỉnh, trường chuyên.

Từ sự kiện đó, ông bà “ấn hành” bữa “triệu tập” mừng thành quả của cháu. Cơm nước xong, cả nhà quây quần chúc mừng, tặng quà nhân vật trung tâm trong niềm hân hoan của  lũ trẻ. Quà tặng nào là chiếc xe đạp của bố mẹ, bộ sách lớp chuyên của cô chú, nhưng bất ngờ nhất là chiếc đồng hồ của ông bà với ý nguyện “cháu thực hiện được lịch học, lịch làm việc nhà, cả việc chơi và biết quý thời gian”.

Đặc biệt hơn, từ chuyện chiếc đồng hồ, người viết chuyển sang câu chuyện thứ hai rưng rưng cảm xúc. Chuyện cô bé Duyên hay cũng chính là chuyện của người bà gần 60 năm về trước. Vẫn là khoảnh khắc như hôm nay, Duyên thi đỗ lớp 10 trường tỉnh, được ông nội tặng cho một con gà trống với lời căn dặn yêu thương: “Đỗ lớp 10 là vui, nhưng việc học còn gian khổ lắm. Nhà đi tỉnh mười cây, đi bộ, vẫn còn đói, chưa bằng chúng bạn. Đỗ rồi phải học. Học cho ra học. Đừng sóng cả mà ngã tay chèo. Đừng nghĩ thế này là oai lắm mà vênh vang”.

Mượn chuyện xưa, nói chuyện nay, người viết khéo chọn một bằng chứng sống để nhắn gửi, giáo dục không chỉ là Thanh Hoài, mà cả thế hệ sau những bài học quý giá: Trân trọng thời gian, kiên trì, vượt khó, luôn kiên định vững vàng, và nhất là không được tự cao, tự đại trước thành tích mình đạt được. Đọc truyện, người ta sẽ mãi không quên những người cháu giỏi giang, ngoan hiền; những người ông, người bà đức độ yêu thương, chăm lo giáo dục cháu con điều hay lẽ phải.

Bài học sâu sắc

“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”, từ ngàn xưa ông cha đã đúc kết thành chân lí. Nhiều khi, sự yêu thương, nuông chiều quá mức của ông bà, cha mẹ dẫn đến những đứa trẻ hư, khó bảo, hỗn xược, cốc láo, thậm chí trở thành những kẻ bỏ đi trong xã hội. Vài năm trước, một phụ huynh có con thi đỗ vào lớp 10 chia sẻ:

“Khổ lắm thầy ạ! Bố thợ xây, mẹ chạy chợ, thu nhập chẳng bao nhiêu, đủ thứ phải chi tiêu. Thế mà, lên được lớp Mười cái, nó làm tình làm tội, phải mua xe máy điện mới đi học, mà nhà cách trường có bốn cây số, động viên mãi nó không chịu, cuối cùng vay bố nó ứng nửa năm tiền công thợ mua cho chiếc xe...”.

Sự việc nếu khép lại ở đó thì bình thường, chỉ buồn sau khi được thỏa nguyện cho bằng bạn bằng bè, cậu học trò chểnh mảng việc học, đến lớp thì vào muộn, nhiều hôm cúp tiết đi chơi, tối lang thang quán game, cuối cùng học hành sa sút, bỏ dở giữa chừng. Kì vọng của mẹ cha vỡ tan như bong bóng xà phòng. Rõ là dã tràng xe cát, ngậm đắng nuốt cay.

Vậy đó, gốc của giáo dục là tình thương, song thương theo cách “muốn gì được đó” thì hỏng. Trở lại với truyện “Con gà trống” với lối kết cấu truyện lồng truyện, người viết gửi gắm những thông điệp giá trị. Câu chuyện mang đến cho người đọc không gian ấm ấp của gia đình, ở đấy có trên có dưới, sự kính trọng, yêu thương.

Từ câu chuyện Thanh Hoài đỗ trường danh giá nhất tỉnh, đến câu chuyện của bà nội em gần 60 năm về trước, người ta ngẫm về những bài học giáo dục ý nghĩa: Gương sáng của người lớn rất cần để người sau soi mình. Bởi thế, trong gia đình, ông bà, bố mẹ sẽ phải làm gương cho con cái. Cha hiền sinh con thảo, muôn đời vẫn vậy. Chỉ tiếc ngày nay, không ít gia đình, cha mẹ chưa làm tốt được điều đó. Thành thử, nghĩa nhân đảo lộn, luân lí xói mòn.

Trong hai câu chuyện tác giả kể, dường như chuyện hiện tại mang âm hưởng vui, còn chuyện cô Duyên mấy mươi năm về trước lại lắng sâu cảm xúc. Cái ngày xửa ngày xưa còn nhiều vất vả, thương cháu, mở mày mở mặt về cháu, ông nội của Duyên trao món quà độc nhất vô nhị, con gà trống báo thức mỗi ngày. Ai nấy ngỡ ngàng, Duyên xúc động nghẹn ngào.

Vượt lên cái khó, cái khổ cô gái chăm ngoan nỗ lực học hành, vươn lên, thành đạt và giờ đây là người bà mẫu mực yêu cháu, yêu con. Tôi tin, cô cháu Thanh Hoài sẽ bước tiếp con đường ngày xưa của bà, gắng học nên người. Bài học giáo dục ý nghĩa đôi khi không cần hàn lâm, sách vở, giáo điều, những câu chuyện giản dị rất đời sẽ soi sáng tâm hồn, hướng đến nhân gian đến những điều tốt đẹp. Giáo dục trong gia đình cần lấy yêu thương làm gốc, song yêu thương vẫn đặt trong phép tắc, kỉ cương. Cách giáo dục đó sẽ tạo nền vững chắc cho con trẻ khi bước vào cuộc sống, từ đó sẽ tạo nên những công dân có ích cho xã hội. Quá khứ soi tỏ hiện tại, truyền thống gia đình tạo nền tảng vững chắc cho một xã hội văn minh.

Câu chuyện nhỏ mà hàm ẩn những bài học bổ ích. Bài học tác giả Phạm Ngọc Lanh nhắn gửi trong câu chuyện, chắc hẳn không chỉ dành cho con trẻ, mà còn cả phần những bậc làm cha làm mẹ. Cách kể chuyện dung dị, đoạn dí dỏm vui vui, đoạn rưng rưng cảm xúc của tác giả mang đến cho người đọc ấn tượng khó quên. Mùa thu đã về, trống trường đã điểm, câu chuyện nhẹ nhàng, xúc động của Phạm Ngọc Lanh chắc hẳn sẽ gõ cửa những trái tim, bồi đắp tâm hồn con người, nhắn gửi bài học bổ ích cho hôm nay và cả mai sau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.