Chùm Thông tư trên thay thế các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập do Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015.
Điểm mới quan trọng của chùm Thông tư này là bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, trình độ ngoại ngữ thứ 2 với giáo viên dạy ngoại ngữ, chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng. Yêu cầu về năng lực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), sử dụng ngoại ngữ được đưa vào tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ để phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của giáo viên các hạng.
Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ - điều cả triệu giáo viên mong đợi bấy lâu đã thành hiện thực.
Trong suốt thời gian qua, trên cương vị người đứng đầu ngành Giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nỗ lực, quyết liệt để giảm áp lực cho giáo viên. Việc xóa bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ là một trong những kết quả rõ ràng của nỗ lực ấy. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn, nếu bỏ yêu cầu về ngoại ngữ, tin học, liệu có đi ngược lại với xu thế phát triển hiện nay, vì bỏ đi tức là “hạ thấp yêu cầu”.
Từ quy định trong các Thông tư mới sẽ thấy lo lắng này không có cơ sở, bởi yêu cầu trình độ ngoại ngữ, tin học của giáo viên được điều chỉnh từ tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng sang tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Cụ thể, các yêu cầu về ngoại ngữ không còn quy định “cứng” là phải bảo đảm bậc 1 hay bậc 2, 3 như trước đây mà chuyển thành “có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao”. Yêu cầu về trình độ tin học không còn là đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT cơ bản mà “có khả năng ứng dụng CNTT trong thực hiện các nhiệm vụ” của giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp.
Điều này không có nghĩa là yêu cầu về ngoại ngữ, tin học của giáo viên bị xem nhẹ hoặc hạ thấp, mà được nghiên cứu, điều chỉnh hợp lý để bảo đảm yêu cầu các năng lực này hiệu quả, thực chất hơn. Cùng điều chỉnh quy định về trình độ ngoại ngữ trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo đưa yêu cầu về trình độ ngoại ngữ vào chương trình đào tạo theo khung trình độ quốc gia và chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm.
Lần điều chỉnh, sửa đổi này, các dự thảo Thông tư được giáo viên, đại biểu, cử tri và nhân dân góp ý và đã được Bộ GD&ĐT tiếp thu nghiêm túc, cầu thị. Cùng với những nghiên cứu, khảo sát một cách đầy đủ, khoa học, Bộ GD&ĐT đã từng bước điều chỉnh, sửa đổi hệ thống chính sách để vừa đáp ứng yêu cầu mới, vừa tạo cơ hội và động lực cho đội ngũ được phát triển thực sự. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ luôn chỉ đạo các đơn vị tham mưu làm sao ban hành những chính sách kịp thời hỗ trợ cho đội ngũ về vật chất hoặc giảm áp lực cho giáo viên.
Chính vì vậy, những quy định “mềm hóa” về trình độ ngoại ngữ, tin học trong các Thông tư mới ban hành vừa tháo gỡ nút thắt cho câu chuyện mua bán văn bằng chứng chỉ và chạy đua theo thành tích, thiếu thực chất lâu nay; đồng thời hỗ trợ tối đa cho giáo viên trong việc học thật, năng lực thật, phù hợp với yêu cầu của công việc và điều kiện của vùng, miền, từng trường. Với giáo viên ngoại ngữ, nỗi lo về “ngoại ngữ 2” không còn làm khó giáo viên nữa, để dành thời gian và tâm huyết cho thầy cô nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu mới.