“Chưa bao giờ các tác giả Thụy Sĩ trẻ, đặc biệt là phụ nữ, lại viết được những tác phẩm chất lượng như vậy!”. Đó là kết luận của nhà văn Thụy Sĩ Peter Bichsel vừa rút ra sau khi trở về từ Liên hoan Những ngày văn học ở Solothurn, nơi ông tham gia với tư cách khách mời danh dự.
Nhận xét của vị trưởng lão nền văn học Thụy Sĩ Peter Bichsel không phải là tình cờ, và nhìn chung nó phản ánh hiện thực khách quan. Nhưng vì sao bỗng nhiên xuất hiện cả một thế hệ tác giả trẻ tài năng như vậy? Và Trường viết văn Thụy Sĩ mới được thành lập chưa lâu tại thành phố Biel đóng vai trò gì ở đây?
Khởi đầu cho môi trường Pháp ngữ
Trường viết văn là trường đại học duy nhất của Liên bang Thụy Sĩ giới thiệu chương trình đào tạo với tên gọi “Viết văn”. Trường sử dụng hai ngôn ngữ: Ở đây sinh viên tiếp thu kỹ năng văn học bằng tiếng Đức và tiếng Pháp. Trong khi đó, ở Mỹ sinh viên có thể ghi tên vào học các chương trình “sáng tác văn học” tại bất cứ trường đại học nào; ở Anh, người học được lựa chọn ít ra 162 chương trình đào tạo “viết văn” với cơ hội nhận bằng cử nhân.
Ở Đức, Áo và Thụy Sĩ, số chương trình thực sự nghiêm túc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ở các nước thuộc cộng đồng Pháp ngữ, các chương trình đào tạo nhà văn tương lai nói chung cách đây không lâu vẫn còn thiếu. Như vậy, Trường viết văn Thụy Sĩ ở Biel được thành lập 10 năm nay đã trở thành cơ hội thực sự đầu tiên ở châu Âu đối với các sinh viên nói tiếng Pháp học nghề viết văn. Trước đó cơ hội ấy chỉ được thực hiện ở Québec.
Chúng tôi đang có mặt tại một lớp học. Sinh viên được giao bài tập: Sáng tác một truyện ngắn trong 5 phút với chủ đề như sau: “Đây là câu chuyện mà tôi không muốn kể cho bạn, khi tôi còn là bạn gái của bạn”. Tác giả của những dòng này là nữ văn sĩ, nhạc sĩ, biên kịch và đạo diễn điện ảnh Mỹ Miranda July, đây là đoạn trích từ một truyện ngắn của bà, nhưng sinh viên hiện chưa biết điều đó. Họ viết rất chăm chú, nhưng không căng thẳng. Giảng viên, PGS Regina Dürig gõ nhẹ bút chì vào một chiếc chuông, báo hiệu 5 phút làm bài sắp hết.
Sau đó học viên lần lượt đọc bài làm của mình và cả lớp cùng góp ý.
Con em của các dân tộc khác nhau
Thành phần xuất thân của sinh viên Trường viết văn rất khác
nhau. Chỉ có ba người lần đầu tiên vào học ở đây, tiểu sử những người khác đã được ghi dấu nhiều sự kiện và kinh nghiệm khác nhau.
Trong số các nhà văn tương lai thậm chí có một kỹ sư sinh thái học. Và không phải tất cả đều xuất thân từ gia đình trí thức, bố mẹ nhiều sinh viên không có trình độ đại học. Cũng cần phải lưu ý rằng ở Thụy Sĩ quyết định trở thành nhà văn không phải là một sự lựa chọn bảo đảm thu nhập ổn định.
Theo Hiệu trưởng Marie Caffari , việc cạnh tranh vào Trường viết văn rất khốc liệt: Tỷ lệ chọi là 1/100, kết quả là mỗi năm chỉ có 15 người may mắn trở thành sinh viên Trường viết văn. Năm 2006, khi mới bắt đầu hoạt động, trong số sinh viên của Trường viết văn chỉ có hai người là dân Thụy Sĩ nói tiếng Pháp.
Từ đó đến nay, số lượng đơn xin nhập học của các thí sinh từ các bang miền Tây Thụy Sĩ cũng như của Pháp và Bỉ tăng lên đáng kể. Hiện nay, tỷ lệ sinh viên Pháp ngữ ở trường chiếm 30%. Marie Caffari rất phấn khởi, nhưng đồng thời bà cũng nhấn mạnh rằng việc tập trung vào tiếng Pháp và tiếng Đức không còn phù hợp với thực tế nữa. “Chúng ta đang sống trong một xã hội đa ngôn ngữ, một số người định hướng vào văn học Anglo-Saxon, và điều đó, đương nhiên, có ảnh hưởng tới quá trình hình thành phong cách viết văn riêng của họ. Với nhiều người tiếng Đức và tiếng Pháp không phải là tiếng mẹ đẻ. Tư tưởng giáo dục bằng hai ngôn ngữ rõ ràng trở nên ít triển vọng hơn”.
Xin lưu ý rằng việc học tập tại Trường viết văn nói chung rất khác với chương trình đại học thông thường. Trọng tâm của nó không phải là bài giảng và seminar, mà là các dự án riêng, trình diễn, đọc tác phẩm và bài viết. Ngoài ra, trong suốt cả ba năm học, mỗi sinh viên được phân công một thầy hướng dẫn riêng của mình, hơn nữa, không phải trò chọn thầy, mà ngược lại. Mặt khác, vào cuối năm thứ nhất, sinh viên được phép thay thầy hướng dẫn để có điều kiện quan sát bản thân và tác phẩm của mình từ một phía khác.
Không phải ai cũng viết tiểu thuyết
Đến nay có 110 người đã tốt nghiệp Trường viết văn với văn bằng cử nhân “Sáng tác văn học”. Trong số đó có những tác giả khá nổi tiếng như Arno Camenisch, Michelle Steinbeck và Dorothee Elmiger.
Tuy nhiên, không phải tất cả sinh viên tốt nghiệp các khoa viết văn trên thế giới đều dành cuộc đời mình cho việc viết tiểu thuyết, hơn nữa, không phải tất cả các tiểu thuyết gia đều có thể sống bằng lao động viết văn. Vậy tình hình cụ thể của sinh viên tốt nghiệp Trường viết văn ở Biel ra sao?
Theo bà Marie Caffari: “Về nguyên tắc, sau khi tay nghề ít nhiều được nâng lên và hình thành được phong cách của mình, họ sẽ có cơ hội tự khẳng định trong giới văn học, hơn nữa, họ hiểu rõ sự phát triển của mình và tạo được các mối quan hệ thích hợp trong văn học”. Dù sao đi nữa, theo bà, “nhà văn đã và đang là một loại cán bộ đặc biệt, không có gì bảo đảm rằng anh ta nhận được một công việc thường xuyên nào đó”.
Làm nhiều nghề khác nhau
Thực ra, tương lai của các sinh viên viết văn rất khác nhau. Một số người sống bằng tira và đọc các tác phẩm trước công chúng (hiện nay ở Thụy Sĩ, hình thức giao tiếp này của nhà văn với độc giả rất phổ biến). Số khác làm nghề dẫn chương trình nghệ thuật, còn một số người thậm chí nghĩ ra những nghề riêng. Ví dụ, nữ văn sĩ Julia Weber làm nghề viết thuê theo đơn đặt hàng. Bà đến mang theo máy tính cá nhân, ghi chép lại tất cả những gì xảy ra, sau đó chỉnh sửa thành một tác phẩm văn học theo sự lựa chọn của người đặt hàng. Đề tài không quan trọng, có thể đó là một buổi sinh nhật hay liên hoan khiêu vũ.