"Lò" đào tạo chính khách cho nước Nhật

"Lò" đào tạo chính khách cho nước Nhật

(GD&TĐ) - Matsushita được coi là ông tổ của phương thức kinh doanh kiểu Nhật Bản hiện đại. Ngày nay, Học viện Quản lý và Điều hành Matshushita do ông sáng lập đang nhắm đến mục tiêu mở ra một con đường mới cho những chính trị gia tương lai của Đất nước Mặt Trời Mọc.

Nhà tỷ phú đi lên từ hai bàn tay trắng

Sinh năm 1894 trong một gia đình nông dân có 7 anh chị em, lên 9 tuổi, ông đã phải làm việc để kiếm sống và nuôi gia đình bằng nghề bán than. Năm 23 tuổi, chỉ với 97 yên trong tay, nhưng Masushita vẫn quyết tâm xin thôi làm cho công ty Osaka để đứng ra mở cửa hàng chuyên bán đồ điện. Năm 1931, phạm vi hoạt động và ảnh hưởng của Mashushita đã vang dội cả nước Nhật với 200 loại sản phẩm điện, từ dụng cụ nối điện, nhiệt điện, đến máy thu thanh, pin... Năm 1938, công ty Mashushita chế tạo thành công mô hình máy thu hình. Với “Sứ mệnh chân chính là sản xuất những vật dụng có chất lượng cao và phổ biến rộng cho nhân dân Nhật Bản và toàn thế giới” và phương châm “Xây dựng sản nghiệp là yêu nước”, Masushita đã từng bước khẳng định vị trí của mình trên thương trường. Năm 1941, công ty của Masushita thành một doanh nghiệp lớn với hơn 10.000 công nhân.

Nhà tỷ phú Matsushita Konosuke, người sáng lập Học viện.
Nhà tỷ phú Matsushita Konosuke, người sáng lập Học viện.

Tuy nhiên, sau Chiến tranh Thế giới Thứ II, khi Nhật đầu hàng, mọi cơ sở sản xuất, hàng hóa, tiền vốn của ông bị mất trắng. Bắt tay vào khôi phục sự nghiệp khi công ty Matsushita chỉ còn lại cái tên và những mảnh đất hoang tàn. Mặc dù vậy, dưới sự lèo lái tài ba của Matsushita, tập đoàn Matsushita Electric Industrial Co đã không ngừng phát triển, được đổi tên thành hãng Panasonic Corporation và trở thành công ty điện tử lớn nhất Nhật Bản. Năm Matsushita 90 tuổi, công ty Panasonic Corporation của ông đã xếp hạng 19 trong số 100 tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới.

Sáng lập “lò đào tạo chính khách”

Được coi là ông tổ của phương thức kinh doanh kiểu Nhật Bản hiện đại, vào năm 1980 ông đứng ra thành lập trường tư thục kinh tế chính trị mang tên Học viện Quản lý và Điều hành Matshushita. Chính sách tuyển chọn các học viên của Học viện Matshushita ngặt nghèo. Có rất ít ứng cử viên vượt qua được những vòng tuyển chọn rất khắt khe để được nhận vào theo học tại “lò đào tạo chính khách” này. Đến nay, Học viện Matshushita mới chỉ cho “ra lò” khoảng 200 người. Bù lại, khi theo học tại đây, các học viên được chuẩn bị đặc biệt tốt để theo đuổi sự nghiệp chính trị sau này. Những bí quyết trong quá trình xây dựng và lèo lái tập đoàn Panasonic Corporation đi đến thành công được Matshushita truyền lại cho các học viên, các nhà chính trị ưu tú trong tương lai. 
 

học viên trong giờ học.
Học viên trong giờ học.

Những bí quyết ấy, theo Matsushita, không gì khác ngoài sự làm việc quên mình kết hợp với việc áp dụng nhiều chính sách quản lý linh hoạt, khai thác được những thế mạnh truyền thống của người Nhật. Đối với công nhân, ông xác định “tuyệt đối không giảm bớt công nhân và tiền lương của họ”, đối với sản phẩm thì “tuyệt đối không hạ giá bán”. Còn đối với bản thân, Masushita xác định “bất luận trong hoàn cảnh nào cũng không để mất đi lòng tự tin”.

Chính sách quản lý của Matsushita luôn xoay quanh chữ “nhân” để phát huy sức mạnh nội bộ, đoàn kết, gắn bó với công việc. “Trong công ty của chúng tôi, mọi người đều là chỉ huy”, ông nói. Quả thật, ngay trong thời kỳ chiến tranh gian khổ, khắc nghiệt nhưng Masushita không hề sa thải một công nhân nào. “Mời một người làm việc trong lúc khó khăn, rồi lại sa thải người ta lúc thịnh vượng, là điều không thể chấp nhận được”, ông cho biết.

Chính sách quản lý vì con người của Matsushita còn được thể hiện đối với khách hàng. Năm 1951 là năm mở đầu cho sự nghiệp xây dựng lại công ty Mashushita sau Chiến tranh Thế giới Thứ II, ông sang Mỹ và châu Âu để khảo sát thị truờng. Lúc đó, hàng hóa sản xuất và xuất khẩu từ Nhật đều có nguy cơ bị tẩy chay do làn sóng căm ghét Phát xít Nhật vẫn còn đang mạnh trên thế giới. Trước tình hình này, ông chủ trương liên kết với hãng Phillips của Hà Lan. Mặt khác, Masushita tập trung nghiên cứu để cải tiến hàng hóa của công ty sao cho tốt nhất, đẹp nhất và người tiêu dùng dễ sử dụng nhất. Ông cho rằng: “Sản phẩm được chấp nhận và hoan nghênh hay không là do những gì chúng ta cung ứng cho nhu cầu của đời sống, thỏa mãn được yêu cầu của mọi người”.

một học viên nước ngoài theo học tại Học viện Matshushita trong giờ dọn dẹp vệ sinh buổi sang.
một học viên nước ngoài theo học tại Học viện Matshushita trong giờ dọn dẹp vệ sinh buổi sang.

Học viện 30 năm tuổi và chương trình “Thay đổi nước Nhật”

Sau 30 năm hoạt động, đến nay Học viện Matshushita đã trở thành một trong các trường được xếp hạng cao nhất tại Nhật, cùng với các đại học Tokyo và Keio. “Trường học của những nhà chiến lược” này là sự lựa chọn hàng đầu cho những chính trị gia tương lai của nước Nhật. Đến nay, trong số 200 người tốt nghiệp Học viện, đã có 38 người được bầu vào nghị viện Nhật Bản. Những cựu học viên khác thì trở thành lãnh đạo, quản lý tại các tỉnh, thành phố lớn của Nhật. Trong chính phủ Nhật Bản hiện nay, có 2 bộ trưởng xuất thân là học sinh trường này. Theo Quốc vụ khanh phụ trách ngoại giao trong chính phủ Nhật, ông Koichi Takemasa, một cựu học viên thuộc các khóa đầu của Học viện Matshushita, các cựu học viên của học viện có quan hệ chặt chẽ với nhau và tạo nên một giới tinh hoa trong nền chính trị Nhật Bản.

Trong bối cảnh kinh tế-xã hội ở Nhật đang lâm vào trì trệ, chính trường Nhật Bản cũng bộc lộ những nhược điểm khá rõ khi mà, chỉ trong vòng 4 năm gần đây, ở Nhật đã có đến 5 thủ tướng thay nhau mất chức, Học viện Matshushita đã đưa ra chương trình “Thay đổi nước Nhật”. Đây là chương trình nhằm giúp học viên “hiểu được truyền thống và văn hóa để gia nhập vào nền chính trị và làm thay đổi nước Nhật”.

Tuy vất vả, nhưng đã có đến 200 ứng cử viên xin tham gia quá trình dự tuyển rất gắt gao để có 5, 6 người được chọn theo học trong khóa học mới năm nay của Học viện Matshushita. Một trong những học viên vừa trúng tuyển, là một bác sĩ, cho biết, sau khi kết thúc chương trình đào tạo, anh muốn sẽ có thể có thêm những kiến thức cần thiết để thay đổi hệ thống y tế Nhật Bản.

Trong chương trình đào tạo, các học viên của học viện sẽ trải qua một quá trình học tập, rèn luyện hết sức gian khổ. Hằng ngày, các học viên phải dậy từ sáu giờ sáng, dọn dẹp vệ sinh, và chạy ba cây số. Họ còn phải học môn đấu kiếm cổ truyền Nhật Bản, bất kể trời nóng bức. Buổi chiều các học viên phải làm việc trên ruộng lúa. Học viên cũng phải trải qua những thử thách như làm việc trên tàu đánh cá vào ban đêm, chạy bộ 100 km trong vòng 24 giờ… để rèn sức chịu đựng. Các học viên học cả nghệ thuật trà đạo và tập thiền. Chương trình học tập cũng bao gồm các tranh luận và các môn học khác, nhằm đào tạo ra các nhà chính trị ưu tú mới “theo kiểu Nhật” tại nước này.

Vũ Anh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ