Trung Quốc 'đau đầu' vì thất nghiệp kỷ lục

GD&TĐ - Tỷ lệ thanh niên Trung Quốc thất nghiệp đang gia tăng với 21% người từ 16 - 24 tuổi không có việc làm, tính đến cuối tháng 6.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Dữ liệu mới đây của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho thấy, GDP quý II của nước này tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn so với quý I (4,5%) nhưng thấp hơn so với con số dự báo của các nhà kinh tế (7,3%), theo Reuters. Chỉ số giá tiêu dùng, theo dõi lạm phát, trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, một số con số đang gây thất vọng với các nhà dự báo kinh tế thế giới. Tăng trưởng doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đã chậm lại còn 3,1% trong tháng 6, giảm từ mức 12,7% hồi tháng 6. Chỉ số xuất khẩu, một trong những động lực kinh tế của Trung Quốc, đã giảm 8,3% so với tháng 6 trong khi xuất khẩu giảm 2,6%.

Đáng chú ý, tỷ lệ thanh niên Trung Quốc thất nghiệp đang gia tăng với 21% người từ 16 - 24 tuổi không có việc làm, tính đến cuối tháng 6. Nhiều chuyên gia cảnh báo làn sóng sinh viên các trường đại học cố tình “ở lại” trường bằng cách thi trượt, chậm làm luận văn... để không phải tốt nghiệp vào thời điểm hiện nay.

Trong nhiều thập kỷ, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã kéo theo trình độ học vấn tăng lên, quy mô gia đình thu hẹp lại và sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế có phần ảm đạm như hiện nay, những cải tiến đó có dấu hiệu tụt dốc. Tác động đầu tiên và rõ ràng nhất là tình trạng thất nghiệp của thanh niên.

Kể từ giữa năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, hàng trăm nghìn vị trí việc làm trong lĩnh vực công nghệ đã bị loại bỏ. Việc cắt giảm đang mon men tiến đến các lĩnh vực khác như tài chính, dịch vụ. Người trẻ tuổi có nguy cơ bị sa thải cao hơn hoặc tìm được việc làm thấp hơn vì họ có ít kinh nghiệm hơn.

Tuy nhiên, sinh viên và phụ huynh Trung Quốc khó có thể chấp nhận thực tế kinh tế mới này vì họ đã phải hy sinh rất nhiều cho hệ thống giáo dục đại học, vốn nổi tiếng cạnh tranh khốc liệt. Cũng vì lý do này, phương án khuyến khích sinh viên mới tốt nghiệp trở về các vùng nông thôn và làm công việc tay chân là không khả thi.

Đối với một quốc gia có thu nhập trung bình, nơi phát triển kinh tế gắn liền với sự phát triển của các thành phố, quá trình nông thôn hóa có thể coi là một sự thụt lùi. Không những không giúp tăng lương, nó còn tiếp tục thúc đẩy văn hóa cạnh tranh giáo dục đại học, thậm chí là cao học, để thế hệ tương lai có bằng cấp cao hơn, tìm được công việc được trả lương cao hơn.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp không chỉ gây ra bởi các tín hiệu kinh tế ảm đạm mà sẽ tác động ngược trở lại vào nền kinh tế. Là một phần quan trọng trong xã hội, nhóm dân số trẻ chi rất nhiều tiền cho các hoạt động như giải trí, giáo dục, thuê nhà, giao thông, thông tin liên lạc... từ đó, đóng góp cho sự tăng trưởng của các ngành như dịch vụ, nhập khẩu, bất động sản.

Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, người trẻ có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn là chi tiêu mua sắm nên những ngành trên không tìm thấy sự tăng trưởng cần thiết. Bằng chứng là doanh số bất động sản giảm 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái trong số liệu của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc.

Trung Quốc đã dỡ bỏ chính sách “không Covid” vào tháng 12/2022 và được kỳ vọng trở thành động lực phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy kỳ vọng trên sẽ không thể xảy ra vào thời điểm này. Với đà này, năm 2023 có thể trở thành một năm đáng quên với thanh niên nói riêng và người dân Trung Quốc nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ