Quy định chế độ làm việc của giáo viên: Cơ hội và thách thức

GD&TĐ - Thông tư 05 sẽ là thách thức cho các nhà trường, nhưng nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện có hệ thống tạo ra cải thiện về chất lượng GD...

Cô và trò Trường THCS Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) trong hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Đình Tuệ
Cô và trò Trường THCS Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) trong hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Đình Tuệ

Từ ngày 22/4, Thông tư 05/2025/TT-BGDĐT (Thông tư 05) của Bộ GD&ĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên giảng dạy tại cơ sở giáo dục phổ thông, dự bị đại học có hiệu lực. Thông tư quy định mỗi giáo viên không kiêm nhiệm quá 2 nhiệm vụ. Điều này giúp các nhà trường có căn cứ rõ ràng để sắp xếp, bố trí công việc.

Giáo viên được phát huy năng lực

Trường Tiểu học Bình Lợi (Bình Chánh, TPHCM) có 41 cán bộ, giáo viên. Trong những năm qua, ngoài nhiệm vụ chuyên môn, nhiều thầy cô được ban giám hiệu nhà trường phân công kiêm nhiệm một số công việc khác, có thể là: Thanh tra nhân dân, thư ký hội đồng, tổ trưởng chuyên môn, chủ tịch công đoàn…

Ông Lại Văn Tâm - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Lợi chia sẻ, do số lượng giáo viên được tuyển đủ theo quy định nên việc phân công nhiệm vụ đảm bảo mọi giáo viên có cơ hội tham gia và đóng góp vào hoạt động của nhà trường. Tất nhiên, mỗi nhiệm vụ kiêm nhiệm đòi hỏi những kỹ năng, phẩm chất và kinh nghiệm khác nhau, do đó, nhà trường luôn xem xét kỹ lưỡng trước khi phân công.

“Thời gian qua, nhà trường thường phân công giáo viên kiêm nhiệm 1 nhiệm vụ. Bởi nếu thầy cô đảm nhận quá nhiều công việc không chỉ gây áp lực mà có thể làm giảm hiệu suất giảng dạy, thậm chí ảnh hưởng đến động lực làm việc. Trong khi những giáo viên ít nhiệm vụ hơn có thể cảm thấy bị động, không có cơ hội thể hiện năng lực.

Ngoài ra, nếu kiêm nhiều nhiệm vụ, giáo viên cũng chỉ được hưởng phụ trội 1 chức danh cao nhất. Do đó, nhà trường không phân công thầy cô nào thực hiện từ 2 nhiệm vụ trở lên. Điều này tạo sự công bằng trong tập thể. Khi nhiệm vụ được phân bổ hợp lý, thầy cô có thể tập trung vào chuyên môn giảng dạy, nâng cao chất lượng bài giảng mà không bị áp lực bởi quá nhiều công việc ngoài chuyên môn”, ông Tâm cho hay.

Từ thực tế Trường THPT Mỹ Tho (Nam Định), Hiệu trưởng Hà Văn Hải cho rằng, khi không phải “cáng” thêm quá nhiều việc, giáo viên có thể chuyên sâu vào nhiệm vụ của mình, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả công việc.

quy-dinh-che-do-lam-viec-cua-giao-vien-1.jpg
Giờ học của cô trò Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Đúng người, đúng việc

Trường THCS Châu Khê nằm ở vùng khó khăn của huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An với hầu hết học sinh dân tộc thiểu số. Hiện, trường vẫn duy trì 2 điểm lẻ tại bản Xát và Khe Bu, cách xa trường chính hơn 20km đường đèo dốc. Chính vì vậy, dù được ưu tiên biên chế hơn vùng thuận lợi, thì việc bố trí, sắp xếp giáo viên của trường có khó khăn nhất định.

Theo ông Nguyễn Bảo Ngọc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Khê, tỷ lệ giáo viên của trường hiện tại hơn 1,4 giáo viên/lớp, cao hơn định mức chung của tỉnh Nghệ An là 1,39 giáo viên/lớp nhưng thấp hơn so với yêu cầu của Bộ GD&ĐT là 1,5 giáo viên/lớp. Nhà trường phải bố trí giáo viên dạy tăng tiết và kiêm nhiệm một số nhiệm vụ để bù vào số giáo viên còn thiếu. Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm kiêm tổ trưởng hoặc tổ phó chuyên môn, thư ký hội đồng, chủ tịch công đoàn…

Tuy nhiên, việc sắp xếp từ trước tới nay không quá 2 nhiệm vụ kiêm nhiệm/giáo viên. Vì vậy, khi Thông tư 05 ra đời thay thế Thông tư 28 trước đó, nhà trường không gặp xáo trộn trong sắp xếp nhân sự.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Khê cũng cho hay, Thông tư 05 quy định rõ ràng hơn về công tác kiêm nhiệm, chế độ quyền lợi tương ứng của giáo viên. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung thiếu giáo viên toàn tỉnh, các thầy cô của trường nhiều năm nay vẫn dạy tăng tiết, phụ đạo miễn phí với tinh thần vì học sinh thân yêu. Qua đó chia sẻ khó khăn với nhà trường, đảm bảo chất lượng dạy học theo kế hoạch.

Về phía nhà trường cũng sắp xếp nhân sự hợp lý, phù hợp đặc thù chuyên môn từng người. Nếu giáo viên dạy học ở điểm lẻ thì chỉ kiêm chủ nhiệm lớp để có thời gian tập trung chuyên môn, hỗ trợ học sinh tăng cường tiếng Việt và các kỹ năng khác. Còn giáo viên bộ môn như: Tin học, Tiếng Anh… có đặc thù phải di chuyển để dạy học ở cả trường chính và điểm lẻ thì không giao kiêm nhiệm. Những giáo viên ở điểm chính, nếu có năng lực ở nhiều lĩnh vực thì kiêm nhiệm 1 - 2 vai trò.

Nằm cách xa trung tâm, ông Chu Quang Hùng - Hiệu trưởng Trường THCS Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) nêu quan điểm, với quy định mới này, các trường, đặc biệt trường quy mô nhỏ và ở địa bàn nông thôn cần sắp xếp lại nhân sự và phân công nhiệm vụ hợp lý.

Nhà trường sẽ rà soát toàn bộ danh sách nhiệm vụ đang phân công cho giáo viên, bao gồm tổ trưởng chuyên môn, chủ nhiệm lớp, phụ trách công tác đoàn đội, thư viện, thiết bị, công nghệ thông tin, giáo viên Tổng phụ trách, các ban chỉ đạo, các câu lạc bộ. Sau đó phân loại nhiệm vụ gồm: Nhiệm vụ chính thức theo quy định, nhiệm vụ kiêm nhiệm ngoài giảng dạy, nhiệm vụ đột xuất hoặc theo mùa vụ.

Ông Hùng lưu ý thêm, việc sắp xếp sao cho mỗi giáo viên không đảm nhiệm quá 2 nhiệm vụ kiêm nhiệm. Trường hợp cần giao thêm, phải có văn bản ghi rõ nhiệm vụ đột xuất hay thời vụ. Phân quyền và trao quyền cho một số giáo viên trẻ, năng động hoặc có năng lực chuyên môn tốt để san sẻ nhiệm vụ. Xây dựng kế hoạch luân chuyển, xoay vòng nhiệm vụ theo năm học để giáo viên không bị quá tải kéo dài.

quy-dinh-che-do-lam-viec-cua-giao-vien4.jpg
Ảnh minh họa INT.

Để thông tư phát huy hiệu quả

Theo ông Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Tho (Nam Định), Thông tư 05 một mặt tạo cơ hội để giáo viên phát huy năng lực, mặt khác về phía nhà trường sẽ gặp thách thức nhất định. Cụ thể, có nguy cơ dẫn đến tình trạng thiếu hụt người phụ trách một số nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng đến hoàn thành các mục tiêu giáo dục.

Từ thực tế đơn vị, giải pháp mà lãnh đạo Trường THPT Mỹ Tho đưa ra là tiến hành đánh giá năng lực và sở thích từng giáo viên để phân công nhiệm vụ phù hợp nhất. Dựa trên số lượng nhân sự có sẵn, nhà trường lập kế hoạch phân công cụ thể, đảm bảo mọi nhiệm vụ có người đảm nhận, không để thiếu hụt.

Ngoài ra, các trường cần thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên nắm rõ tính chất công việc, từ đó cải thiện hiệu quả làm việc trong từng nhiệm vụ. Dù chỉ đảm nhận 2 nhiệm vụ cũng cần khuyến khích thầy cô phối hợp và làm việc theo nhóm để chia sẻ ý tưởng, tài nguyên.

Tại Trường THCS Hà Huy Tập (TP Vinh, Nghệ An), trước khi có Thông tư 05, nhà trường đã giao kiêm nhiệm không quá 2 nhiệm vụ/giáo viên. Điều này đảm bảo chất lượng hiệu quả công việc, phù hợp năng lực, sức khỏe giáo viên.

Tuy nhiên, chia sẻ của Hiệu trưởng Hà Lê Hòa Bình, trường gặp một số khó khăn khi thực hiện Thông tư 05 liên quan đến giao biên chế và tài chính. Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập tính toán, tổng số tiết thực dạy của nhà trường theo thời khóa biểu 1 năm học là 1.548 tiết/82 giáo viên. Khi chia tỷ lệ vừa đủ 19 tiết/tuần/giáo viên cấp THCS.

Còn lại hơn 200 tiết kiêm nhiệm bao gồm chủ nhiệm, công đoàn, thư ký hội đồng, thanh tra nhân dân, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, tư vấn tâm lý… thì không có nhân lực để thực hiện. Chưa kể đến các tiết bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh chưa đạt năng lực yêu cầu lâu nay vẫn do giáo viên tự nguyện thực hiện, tăng cường.

Trước thực tế này, những năm qua, nhà trường bố trí kiêm nhiệm, quy đổi tiết thực dạy và tính chế độ thừa giờ cho giáo viên nếu làm việc vượt số tiết quy định. Thù lao thừa giờ được trả theo quy chế chi tiêu nội bộ của trường, được thống nhất trong hội nghị cán bộ, viên chức, người lao động đầu năm học. Nếu giáo viên đồng ý với chủ trương này của trường thì dạy tăng tiết, tạo sự minh bạch, công khai, thống nhất.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập cũng thẳng thắn nhìn nhận, số tiền chi trả cho giáo viên dạy tăng tiết không thể đảm bảo bằng 150% lương. Vướng mắc ở chỗ, nhà trường được giao đủ biên chế (với định mức 19 tiết/tuần/giáo viên) nên khi giáo viên kiêm nhiệm dạy quá số tiết, nhà trường cũng không thể đề xuất kho bạc cấp ngân sách trả lương thừa giờ, vì kho bạc chỉ thanh toán lương theo đúng biên chế đã giao cho trường.

Để giải quyết chế độ thừa giờ cho giáo viên, nhà trường phải sử dụng từ nguồn chi thường xuyên. Bên cạnh đó, dù giáo viên dạy tăng tiết, nhưng theo quy định không được quá 200 giờ/năm. Số tiết còn thiếu, nhà trường hợp đồng thêm giáo viên để đảm bảo yêu cầu dạy học. Thời điểm hiện tại, trường hợp đồng 5 giáo viên các môn Tin học, Âm nhạc, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử, Địa lý… và lấy từ tiết kiệm chi thường xuyên và trích lại học phí để trả lương.

Theo Hiệu trưởng Trường THCS Hà Huy Tập, nếu không giải được nút thắt này, việc thực hiện Thông tư 05 tiếp tục có những vướng mắc, khó khăn trong thực tế. Vì thế, hoặc là các trường cần được giao đủ định biên theo tỷ lệ giáo viên của Bộ GD&ĐT, hoặc địa phương cấp bù ngân sách trả lương thừa giờ cho giáo viên. Qua đó đảm bảo quyền lợi nhà giáo cũng như các hoạt động giáo dục toàn diện của nhà trường được vận hành hiệu quả, thuận lợi.

“Thông tư 05 sẽ là thách thức cho các nhà trường, nhưng nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng và thực hiện có hệ thống tạo ra cải thiện về chất lượng giáo dục cũng như làm tăng sự hài lòng của giáo viên trong công việc. Vì vậy, cần linh hoạt và sáng tạo trong phân công và tổ chức công việc để tối ưu hóa hiệu quả làm việc của giáo viên”, ông Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Tho (Nam Định) chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều loại nồi, chảo trên thị trường không chỉ khó sử dụng mà còn độc hại. (Ảnh: ITN).

5 loại nồi, chảo không nên mua

GD&TĐ - Nhiều loại nồi, chảo trên thị trường không chỉ khó sử dụng mà còn độc hại. Vì vậy, chúng ta phải hết sức chú ý khi lựa chọn.