Dạy trẻ biết nhận lỗi, không đổ thừa

GD&TĐ - Trong hành trình trưởng thành của con trẻ, việc mắc sai lầm là điều không thể tránh khỏi. Việc dạy trẻ tự nhận lỗi, không đổ thừa cho người khác sẽ ảnh hưởng đến nhận thức đúng và sai của trẻ sau này.

Khi thấy con đổ lỗi, cha mẹ cần đồng hành giúp con hình thành kỹ năng nhận trách nhiệm. Ảnh: Hoàng Toàn.
Khi thấy con đổ lỗi, cha mẹ cần đồng hành giúp con hình thành kỹ năng nhận trách nhiệm. Ảnh: Hoàng Toàn.

Mặc dù vậy, việc cư xử và hình thành cho trẻ thói quen chịu trách nhiệm không phải điều dễ dàng.

Tấm gương phản chiếu

Theo TS Nguyễn Hạnh Liên, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội), đối với nhiều trẻ nhỏ, đổ lỗi là cách để tránh bị la mắng hoặc bị phạt khi biết mình có hành động sai.

Trẻ em, đặc biệt là những trẻ nhạy cảm hoặc dễ bị tổn thương, thường cảm thấy bất an khi đối mặt với tình trạng bị chỉ trích từ cha mẹ, thầy cô và cả bạn bè. Khi gặp phải những tình huống khó khăn, trẻ có thể chọn cách đổ lỗi để bảo vệ bản thân khỏi cảm giác bị tổn thương. Nói cách khác, nỗi lo sợ bị tổn thương và việc thiếu cảm giác an toàn chính là gốc rễ sâu xa của vấn đề. Lúc này, trẻ sẽ kích hoạt cơ chế phòng vệ tự nhiên. Từ đây, chúng ta có thể thấy rõ những nguyên nhân cụ thể dẫn đến việc trẻ thường xuyên đổ lỗi.

Ở góc nhìn của phụ huynh, chị Trần Tú Quyên (35 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) đồng tình rằng, thông thường, các bé đổ lỗi là để trốn tội. Bởi trẻ biết, khi mắc lỗi sẽ bị bố mẹ mắng, vì vậy, chúng bắt đầu suy nghĩ và tìm đủ lí do để “đùn đẩy” trách nhiệm cho một yếu tố khác. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, chị Quyên nhận định, nhiều đứa trẻ có thể đã hình thành thói quen đổ lỗi từ chính những hành động, lời nói vô ý của người lớn.

“Khi con tôi hơn 3 tuổi, bé đã có hành vi đổ lỗi rất vô thức. Điển hình, có lần con tôi bị cô giáo phạt vì cắn bạn. Về nhà, tôi hỏi con lý do con có hành động chưa đúng mực như vậy, ngay lập tức con phản ứng lại là ‘do bạn đánh con trước’, ‘do bạn cứ trêu con’. Hay khi tôi bắt con phải dọn dẹp đồ chơi do thấy phòng đã quá bừa bộn, con ngay lập tức đổ thừa rằng tại bạn hàng xóm sang chơi rồi bày ra chứ không phải do con. Nhìn chung, khi bị nhắc nhở, như một phản xạ tự nhiên, con đều tìm cách gán lỗi lầm cho một người khác”, chị Quyên cho biết.

Dần dần khi quan sát và suy ngẫm, chị Quyên phát hiện ra việc đổ lỗi của trẻ xuất phát từ chính hành động của người lớn. Trước đây khi con còn nhỏ, mỗi lần bé té, hay cái gì làm bé đau là người lớn lại hô “đánh cái bàn này, hư này, làm cho em ngã này”, hay “đánh cái cửa nhé, làm cho em cộc đầu này”. Song khi đó chị Quyên cũng không nghĩ nhiều.

Đỉnh điểm là một lần, khi cả nhà sang hàng xóm chơi, con trai chị có vẻ rất thích một chiếc ô tô mô hình của cậu bé hàng xóm. Bé nằng nặc đòi chơi và muốn đem chiếc ô tô về nhà, nhưng cậu bé kia không đồng ý. Con trai chị Quyên liền tức giận đập mạnh chiếc mô hình xuống sàn nhà, mếu máo, khóc và mách với bà nội rằng con làm như vậy là do bạn không cho con mượn đồ. Bất ngờ là bà nội lại đồng tình với cháu, quay sang phàn nàn rằng cậu bé hàng xóm thật ích kỷ, không biết chia sẻ đồ chơi với bạn bè.

“Việc làm này của người lớn sẽ khiến con không nhận thức được vấn đề nằm ở chính bản thân, mà đem trách nhiệm đổ cho người khác. Mặc dù vô cùng tức giận nhưng tôi vẫn cố gắng giữ bình tĩnh, phân tích cho con hiểu trong tình huống này, con nên nói với bạn rằng con thấy món đồ chơi rất đẹp, bạn có thể cho con mượn chơi một chút được không. Nếu bạn đồng ý thì cả hai sẽ cùng nhau chơi. Còn nếu bạn không đồng ý thì con sẽ không chơi vì món đồ là của bạn, bố mẹ bạn mua cho bạn. Nó cũng giống như gói bim bim này là mẹ mua cho con, con có thể quyết định chia sẻ cho bạn ăn cùng hoặc con giữ và ăn một mình. Vì vậy, việc con đập phá món đồ là hành động sai.

Tôi nghĩ điều quan trọng là thay vì quát mắng khiến trẻ sợ hãi thì hãy ngồi xuống phân tích cho con hiểu. Điều này nhằm mục đích khi đối mặt với lỗi lầm, trẻ có thể dũng cảm nhận lỗi. Đồng thời tạo niềm tin và trao cơ hội cho trẻ, tin tưởng rằng nhất định con sẽ không lặp lại hành động này vào những lần sau. Ngay tối đó, tôi cũng đã có buổi nói chuyện với gia đình về cách giáo dục con. Nếu ngay cả những bậc phụ huynh cũng không có được quan điểm giáo dục đúng đắn thì sau này khi lớn lên, thói quen chối bỏ trách nhiệm sẽ đi theo con suốt cuộc đời”, chị Tú Quyên phân tích.

Theo các chuyên gia, từ 3 - 6 tuổi là giai đoạn trẻ bắt đầu phát triển và hình thành tư duy. Trẻ em thường học hỏi và bắt chước hành vi từ những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ. Nếu trẻ lớn lên trong một môi trường mà việc đổ lỗi thường xuyên xảy ra, được chấp nhận, hoặc thậm chí khuyến khích, trẻ sẽ dễ hình thành thói quen này. Ví dụ, nếu trẻ thấy người lớn thường đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc người khác khi gặp khó khăn, trẻ sẽ có xu hướng làm theo. Hoặc trẻ chứng kiến một bạn của mình đổ lỗi thành công, trẻ sẽ nhanh chóng lĩnh hội kinh nghiệm ấy.

Vậy nên, trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, cha mẹ hãy có những cách hành xử đúng đắn, không nên có những hành vi đổ thừa cho nhau. Đặc biệt, tuyệt đối không dung túng, hùa theo đổ lỗi cho người khác khi con có hành động chưa chuẩn mực. Phụ huynh là những người thân và gần nhất với trẻ, nếu cha mẹ có hành vi không đúng, trẻ sẽ học hỏi theo ngay. Vì vậy, khi cần thiết, cha mẹ cần làm gương trong việc nhận lỗi. Nếu cha mẹ mắc lỗi hoặc quên làm một việc nào đó, có thể thừa nhận lỗi trước mặt trẻ và cho trẻ thấy rằng không ai hoàn hảo, nhưng việc nhận lỗi là điều quan trọng.

xay-dung-moi-truong-tich-cuc-3.jpg
Cha mẹ nên có sự thấu hiểu và kiên nhẫn, áp dụng các phương pháp giáo dục tích cực. Ảnh: Hoàng Toàn.

Hình thành kỹ năng nhận trách nhiệm

Theo TS Nguyễn Hạnh Liên, hành vi đổ lỗi là một thói quen có thể thay đổi được và cha mẹ chính là những người quan trọng nhất trong hành trình đồng hành cùng con học cách chịu trách nhiệm. Cha mẹ nên có sự thấu hiểu và kiên nhẫn, áp dụng các phương pháp giáo dục tích cực và tạo môi trường thuận lợi giúp con cảm thấy an toàn, từ đó con từng bước thay đổi nhận thức và hành vi khó chấp nhận của của bản thân.

Như đã phân tích, việc đổ lỗi là bởi trẻ sợ hãi bị la mắng hoặc bị phạt sau khi làm sai. Vì vậy, thay vì phản ứng thái quá, la mắng hoặc trách phạt nặng nề khi trẻ mắc lỗi khiến trẻ sợ hãi, ngại thừa nhận lỗi trong tương lai, thì cha mẹ nên giữ thái độ bình tĩnh. Cần giải thích cho trẻ hiểu về hậu quả của hành động và cùng trẻ thảo luận cách khắc phục. Điều này giúp trẻ thấy rằng việc nhận lỗi không làm cho lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương, tránh được hậu quả nghiêm trọng, và trẻ dễ dàng thừa nhận thay vì đổ lỗi.

Ví dụ, nếu trẻ làm vỡ một món đồ, thay vì quát mắng hay trừng phạt, cha mẹ có thể nói: “Con làm vỡ chiếc bình hoa của mẹ rồi. Vậy chúng ta hãy cùng nghĩ cách giải quyết nhé! Trước hết con hãy lấy giúp mẹ cái chổi để mẹ dọn dẹp những mảnh vỡ. Mẹ biết việc này không phải con cố ý nên lần sau con phải cẩn thận và chú ý quan sát nhé”. Hay khi trẻ mải chơi quên làm bài tập, bố mẹ có thể nhắc nhở con rằng “đã muộn rồi và con chưa làm bài tập, việc này có thể khiến con bị cô giáo phạt vào ngày mai. Vì vậy, con hãy đi ngủ và sáng mai mẹ sẽ gọi con dậy sớm hơn để làm bài nhé”.

Một trong những cách căn bản để giúp trẻ từ bỏ thói quen đổ lỗi là giải thích cho trẻ hiểu và dần dần hình thành ý thức về trách nhiệm cá nhân. Cha mẹ có thể bắt đầu bằng những câu chuyện ngắn hoặc ví dụ thực tế về việc nhận trách nhiệm, giải thích và minh họa bằng những ví dụ thực tiễn gần gũi để trẻ hiểu và an tâm rằng không chỉ trẻ mà ai cũng có lúc mắc sai lầm. Vì vậy, việc thừa nhận lỗi lầm không có gì đáng xấu hổ, ngược lại đây là một hành động đúng đắn và cần thiết. Khi trẻ hiểu được điều này, chúng sẽ dễ dàng chấp nhận và thực hành.

Ngoài ra, một lý do khác khiến trẻ đổ lỗi là vì trẻ chưa biết cách tự xử lý khi gặp vấn đề khó khăn. Vì vậy, các bậc phụ huynh có thể dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề bằng cách hướng dẫn trẻ nhận diện vấn đề, suy nghĩ về các lựa chọn có thể, và chọn giải pháp phù hợp nhất.

Đơn giản nhất là khi trẻ gặp một vấn đề như không mở được hộp đồ chơi, cha mẹ có thể hướng dẫn trẻ nghĩ về những cách khác nhau để giải quyết. Chẳng hạn như phân tích cấu tạo của chiếc hộp, đưa ra các phương án, phân tích tính khả thi của mỗi phương án và sau cùng là khuyến khích trẻ tự chọn giải pháp. Khi trẻ thấy mình có khả năng xử lý vấn đề, trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn và tránh được việc đổ lỗi cho người khác.

Nhìn chung, khi nhận thấy con có thói quen đổ lỗi, điều quan trọng nhất là cha mẹ cần giữ thái độ bình tĩnh, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa và đồng hành để giúp con hình thành kỹ năng nhận trách nhiệm. Qua đó, con trẻ sẽ dần học được cách điều chỉnh thái độ và hành vi của mình.

Mặc dù vậy, cách tốt nhất vẫn là phòng ngừa ngay từ đầu để thói quen đổ lỗi không có cơ hội hình thành. Điều này đòi hỏi cha mẹ phải tạo dựng một môi trường nuôi dạy trẻ tích cực, giúp con cảm nhận được sự an toàn. Bên cạnh đó, trẻ cần được hướng dẫn để hiểu rõ giá trị của trách nhiệm cá nhân. Một nền tảng giáo dục gia đình vững chắc và an toàn sẽ giúp con trưởng thành một cách tự nhiên và lành mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ