Những năm qua, ngành GD&ĐT TP Bắc Giang trở thành “điểm sáng”, khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, xây dựng nền giáo dục hiện đại, linh hoạt, lấy người học làm trung tâm.
Giáo dục mũi nhọn là trụ cột quan trọng
Để trở thành lá cờ đầu tiên phong trong chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dạy và học, ông Đỗ Văn Quý, Trưởng phòng GD&ĐT TP Bắc Giang, cho hay việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng hệ sinh thái giáo dục hiện đại, linh hoạt, lấy học sinh làm trung tâm rất quan trọng.
Giai đoạn 2019-2025, TP Bắc Giang giữ vững vị trí dẫn đầu toàn tỉnh Bắc Giang trong các kỳ thi học sinh giỏi (HSG) và nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT). Với tổng số 452 giải HSG cấp tỉnh, chiếm gần 24% tổng số giải toàn tỉnh, thành phố trở thành “cái nôi” nuôi dưỡng tài năng trẻ. Học sinh thành phố liên tiếp đạt nhiều thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế, trong đó có 4 giải Vật lý châu Á - Thái Bình Dương (Vàng 2, Bạc 1, Đồng 1) và 5 giải quốc tế năm học 2023-2024. Các giải quốc gia hằng năm chiếm từ 50% trở lên so với toàn tỉnh, phản ánh chất lượng bồi dưỡng học sinh mũi nhọn ngày càng chuyên sâu và bài bản. Hằng năm, thành phố ban hành các nghị quyết, kế hoạch và đề án cụ thể nhằm phát hiện, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu và đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học trong nhà trường.

Phong trào nghiên cứu KHKT tại cấp THCS có nhiều chuyển biến tích cực với 15 giải cấp tỉnh trong 5 năm liên tiếp, trong đó tỷ lệ giải Nhất và Nhì chiếm gần 60%. Thành phố cũng đã có 4 đề tài được lựa chọn tham gia cấp quốc gia, 2 đề tài đoạt giải Ba. Những con số biết nói ấy là minh chứng rõ nét cho định hướng đúng đắn, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên và chiến lược phát triển đồng bộ của Phòng GD&ĐT TP Bắc Giang trong việc xây dựng môi trường học thuật chất lượng cao, đổi mới sáng tạo.
“Cuộc thi KHKT cấp thành phố không chỉ là sân chơi học thuật, mà còn trở thành bệ phóng cho các sản phẩm nghiên cứu chất lượng cao, góp phần nâng cao năng lực khoa học, tư duy sáng tạo và kỹ năng công dân toàn cầu cho học sinh”, ông Đỗ Văn Quý, Trưởng phòng GD&ĐT TP Bắc Giang, nói.
Giáo dục STEM - Khơi nguồn sáng tạo
Một trong những điểm nhấn quan trọng là việc triển khai hiệu quả giáo dục STEM/STEAM từ bậc mầm non đến THCS. Các hoạt động “chơi mà học” ở cấp mầm non, các dự án học tập tích hợp, mô hình sáng tạo tại cấp tiểu học, và các dự án liên môn mang tính ứng dụng cao tại cấp THCS đã giúp học sinh phát triển toàn diện năng lực tư duy logic, sáng tạo, kỹ năng hợp tác và khả năng giải quyết vấn đề.
Hiệu quả không chỉ đo bằng kết quả thi cử mà còn thể hiện ở năng lực trải nghiệm, đổi mới tư duy giảng dạy của giáo viên và sự thích ứng của học sinh trong môi trường giáo dục mở, thực tiễn và linh hoạt. “Qua từng năm tháng, các em học sinh được rèn luyện, trui rèn kỹ năng hợp tác, tư duy phản biện, sáng tạo và giao tiếp. Đồng thời, các thầy cô cũng chuyển biến về tư duy quản lý, đổi mới phương pháp giảng dạy, năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm”, ông Quý nêu.

Ngành GD&ĐT TP Bắc Giang không chỉ chú trọng phát triển trí tuệ mà còn đầu tư toàn diện cho thể chất và nghệ thuật. Hệ thống sân chơi, bãi tập, sân cỏ nhân tạo đạt chuẩn, cùng các môn thể thao thế mạnh như bóng rổ, điền kinh, cầu lông, bơi lội đã phát hiện và nuôi dưỡng năng khiếu thể thao học sinh. Các cuộc thi năng khiếu, hùng biện, văn nghệ, tin học trẻ được tổ chức sôi nổi, tạo nên môi trường học tập giàu cảm hứng, nơi học sinh được phát triển hài hòa cả về đức, trí, thể, mỹ.
Với Chương trình GDPT 2018, Phòng GD&ĐT TP Bắc Giang đã chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch bồi dưỡng học sinh tiến bộ chậm một cách toàn diện, từ việc chỉ đạo khảo sát, phân loại học sinh, đến việc tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tại từng nhà trường. Quy trình khảo sát được thực hiện chặt chẽ qua ba bước: Đánh giá năng lực ban đầu; phân nhóm học sinh; hồ sơ cá nhân hóa.
Tiên phong chuyển đổi số
Mô hình sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học (SHCM theo NCBH) tại cấp tiểu học được triển khai sâu rộng, kết nối với chuyên gia trong và ngoài nước. Điều này không chỉ mở rộng không gian học tập mà còn lan tỏa phương pháp giảng dạy hiện đại, đưa các ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), vào thực tiễn dạy học.

Giai đoạn 2020 - 2025, ngành GD&ĐT TP Bắc Giang trở thành đơn vị tiên phong toàn tỉnh trong chuyển đổi số giáo dục - một trong những trụ cột chiến lược xây dựng nền giáo dục hiện đại, hội nhập và bền vững. Phòng xác định xây dựng kế hoạch tổng thể về chuyển đổi số, gắn liền với cải cách hành chính và nâng cao chất lượng giáo dục.
Thành phố là địa phương đầu tiên thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ quản lý giáo dục, từ kế hoạch giảng dạy, học bạ, sổ điểm đến sổ chủ nhiệm. Năm học 2022 - 2023, tất cả các trường học đã vận hành nền tảng quản lý điện tử thay thế hoàn toàn cho sổ sách giấy, góp phần giảm mạnh thủ tục hành chính, tăng tính minh bạch và chính xác.
Đơn cử năm 2024, phần mềm AI và Big Data (dữ liệu lớn) được triển khai trong quản lý, giảng dạy và đánh giá. Theo đó, 100% cán bộ, giáo viên được bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ, thiết kế bài giảng số, vận hành lớp học thông minh, khai thác hệ sinh thái học liệu mở. Mô hình “trường học số”, “lớp học thông minh” được đầu tư mạnh mẽ về thiết bị và nền tảng, từ bảng tương tác, hệ thống camera lớp học, đường truyền internet tốc độ cao đến nền tảng quản lý học tập (LMS). Đặc biệt, 100% trường học triển khai giáo dục kỹ năng số, công dân số, dạy Tin học từ lớp 1, tổ chức các câu lạc bộ Robotics, lập trình, thiết kế phần mềm, xây dựng kỹ năng sử dụng công nghệ an toàn và hiệu quả.
“Hiện tại, 100% giáo viên bước đầu làm chủ các công cụ công cụ tích hợp AI trong giảng dạy, 100% học sinh tiếp cận nền tảng học tập thông minh và hệ thống luyện tập cá nhân hóa theo năng lực, sở thích. Việc số hóa toàn diện đã giúp giảm 30-40% khối lượng công việc thủ công, nâng cao tốc độ xử lý thông tin, ra quyết định nhanh chóng và hiệu quả hơn”, Trưởng phòng GD&ĐT TP Bắc Giang chia sẻ.

Theo ông Quý, thành tựu của ngành Giáo dục GD&ĐT TP Bắc Giang xuất phát từ tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên tận tâm, học sinh nỗ lực và sự đồng hành chặt chẽ của phụ huynh.
“Từ mỗi chính sách đến từng giờ dạy học đều được triển khai với tinh thần trách nhiệm, trí tuệ và khát vọng cống hiến. Ngành GD&ĐT TP Bắc Giang không chỉ là niềm tự hào về chất lượng và thành tích, mà còn là hình mẫu cho một hệ thống giáo dục tiên tiến, nhân văn, lấy học sinh làm trung tâm, công nghệ làm nền tảng, đổi mới làm động lực - sẵn sàng hội nhập và vươn tầm trong kỷ nguyên số”, ông Đỗ Văn Quý nhấn mạnh.
Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang đang chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tỉnh Bắc Ninh phấn đấu nộp hồ sơ về sắp xếp đơn vị hành chính hai địa phương này về Bộ Nội vụ trước ngày 1/5/2025. Theo dự thảo đề án sắp xếp hai tỉnh, tỉnh mới dự kiến tên là Bắc Ninh và trung tâm chính trị - hành chính đặt tại Bắc Giang. Theo đề án, thành phố Bắc Giang là trung tâm hành chính, văn hóa lâu dài.
Bắc Giang là trung tâm văn hóa, nơi giao thoa giữa văn hóa Kinh Bắc (khu vực Bắc Ninh và Việt Yên, Hiệp Hòa - Bắc Giang) và văn hóa các dân tộc ít người (Tày, Nùng các vùng Yên Thế, Lạng Giang, Lục Ngạn, Sơn Động của Bắc Giang). Trong đó có nhiều địa danh nổi tiếng như chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Tây Yên Tử…