Tuy nhiên, ông cũng là một họa sĩ và nhà thiên văn học xuất sắc, tạo ra hàng nghìn bức tranh tuyệt đẹp, mô tả vũ trụ, được xem là chính xác nhất thời bấy giờ. Vậy nên, Trouvelot vẫn được tôn vinh, mặc dù sự sai lầm về sinh thái của ông khiến lịch sử khó bỏ qua.
Từ nghiên cứu côn trùng
Étienne Léopold Trouvelot sinh năm 1827 tại vùng Aisne, miền Bắc Pháp. Ít có thông tin về cuộc sống thời trẻ của ông, nhưng dường như ông đã tham gia hoạt động cho nền Cộng hòa và bị ghi vào sổ đen sau khi Louis-Napoléon Bonaparte nắm quyền vào năm 1851.
Để tránh bị bắt, Trouvelot đã trốn sang Hoa Kỳ cùng gia đình và cuối cùng định cư tại Medford, Massachusetts, kiếm sống bằng các hoạt động nghệ thuật và khoa học trước khi chuyển sang nghiên cứu côn trùng học.
Trouvelot bắt đầu nuôi tằm, một hoạt động được thừa kế từ quê hương, nơi sản xuất lụa nổi tiếng lâu đời. Đến năm 1865, ông tuyên bố nuôi một triệu con nhộng trên 2ha rừng sau nhà.
Tuy nhiên, những con sâu này dễ bị bệnh, nên Trouvelot quyết định thử nghiệm với những con sâu bướm xốp khỏe mạnh hơn, còn gọi là Lymantria dispar, một loài côn trùng bản địa châu Âu ăn lá cây.
Vào khoảng năm 1867, Trouvelot đã mang về nhà một số ấu trùng sâu bướm xốp và bắt đầu nuôi chúng trong rừng. Vào một đêm mưa bão, một cơn gió mạnh đã làm rách lưới nơi giữ hàng nghìn mẫu vật, khiến những con sâu lông thoát ra và bắt đầu sinh sôi nảy nở trong tự nhiên.
Sau đó, Trouvelot thấy sợi tơ do sâu bướm xốp sản xuất ra không có giá trị nên ông mất hết hứng thú với côn trùng học.

Đến thiên văn học
Năm 1870, ông rời trang trại và chuyển đến Cambridge, Massachusetts, cách đó vài dặm về phía Nam. Vào tháng 10 năm đó, một cơn bão mặt trời mạnh khiến các cực quang xuất hiện ở vĩ độ thấp bất thường.
Bị thu hút bởi hiện tượng hiếm hoi này, Trouvelot đã sử dụng kỹ năng in đá, tạo ra những bức tranh tuyệt đẹp về bầu trời đêm Massachusetts được chiếu sáng bởi những vệt ánh sáng xanh và xanh lá.
Tài năng nghệ thuật và khoa học của Trouvelot nhanh chóng thu hút sự chú ý của Giám đốc Đài quan sát Harvard (HCO) và ông được mời tham gia tổ chức này. Trong thời gian ở Cambridge, ông đã tạo ra hàng trăm bức vẽ chi tiết về các đối tượng thiên thể, sử dụng kính viễn vọng 15 inch (38,1cm) của HCO, cũng như một kính viễn vọng nhỏ hơn 6 inch (15,24cm) mà ông giữ ở nhà.
Nhận ra chuyên môn của Trouvelot như một người quan sát, các nhà sản xuất kính viễn vọng nổi tiếng Alvan Clark & Sons đã cho ông tiếp cận kính viễn vọng khúc xạ 26 inch (66,04cm) mà họ đang xây dựng tại xưởng Cambridgeport cho Đài quan sát Leander McCormick thuộc Đại học Virginia.
Năm 1875, ông được mời đến Đài quan sát Hải quân Hoa Kỳ (USNO) ở Washington, D.C., làm việc trong một năm với kính viễn vọng khúc xạ lớn nhất thế giới vào thời điểm đó. Danh tiếng của ông càng được củng cố khi ông tham gia vào nhiệm vụ chính thức của USNO để ghi lại hiện tượng nhật thực toàn phần năm 1878.
Trouvelot có mối quan tâm đặc biệt đến các hiện tượng mặt trời và là một trong những người đầu tiên nghiên cứu “các đốm bị che khuất”. Nghiên cứu của ông về chủ đề này đã được công bố trong Biên bản của Học viện Nghệ thuật và Khoa học Hoa Kỳ, đánh dấu một đóng góp quan trọng cho lĩnh vực này. Ngoài ra, ông cũng đã công bố 50 bài báo khoa học và một tài liệu học thuật ghi lại các quan sát của mình.
Trong suốt cuộc đời, Trouvelot đã tạo ra khoảng 7.000 bức tranh thiên văn chất lượng cao. 15 tác phẩm màu tốt nhất của ông đã được trưng bày tại triển lãm của Đài quan sát Hải quân Hoa Kỳ năm 1876. Sẵn sàng chia sẻ công việc của mình với một đối tượng rộng hơn, ông đã in và xuất bản các bức tranh này vào năm 1881.
Những bức tranh thiên văn kỳ diệu của Trouvelot, được tạo ra một thập niên trước khi nhiếp ảnh màu ra đời, được coi là những mô tả chính xác nhất về Hệ Mặt trời vào thời điểm đó. Tuy nhiên, ngay cả khi ông hoàn thiện tay nghề, công việc của ông đã phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ những tiến bộ trong nhiếp ảnh thiên văn. Mặc dù vậy, Trouvelot vẫn hoài nghi về khả năng của nhiếp ảnh thiên văn trong việc nắm bắt các chi tiết tinh tế của thiên thể.
Năm 1882, Trouvelot trở lại Pháp và được Học viện Khoa học Pháp trao Giải thưởng Valz về Thiên văn học. Ông tiếp tục quan sát Hệ Mặt trời qua Đài quan sát Meudon ở Paris. Ông qua đời năm 1895 ở Meudon, hoàn toàn không biết gì về thảm họa sinh thái mà cuộc thử nghiệm sâu bướm xốp của mình đã gây ra cho Bắc Mỹ. Khi chính quyền Massachusetts hoàn toàn nhận thức được quy mô của cuộc xâm lấn tai hại do côn trùng này gây ra, Trouvelot đã ra đi từ lâu.
Sâu bướm xốp là một loài sâu bản địa của các rừng ôn đới ở Tây Âu. Chúng rất phàm ăn và có thể làm hỏng hoàn toàn lá cây, cuối cùng giết chết cả cây. Ngày nay, chúng tấn công hàng nghìn km vuông rừng ở phía Đông Bắc Hoa Kỳ, gây hại cho hơn 300 loài cây và bụi khác nhau. Chỉ trong nửa thế kỷ qua, sâu bướm xốp đã tàn phá trên phạm vi rộng, trải dài từ bờ biển Đại Tây Dương đến trung tâm Wisconsin.