Kết quả đổi mới quản trị nhà trường

GD&TĐ - Đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch là một trong những nội dung được chú trọng thực hiện trong năm học 2022-2023.

Kết quả đổi mới quản trị nhà trường

Theo đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo và tăng cường các hoạt động để thúc đẩy các cơ sở giáo dục thực hiện đổi mới quản trị nhà trường trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Nhằm tăng cường ứng dụng CNTT để đổi mới quản trị nhà trường, căn cứ Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023”, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Nâng cao năng lực quản trị điều hành và tổ chức chuyển đổi số trong dạy học trong cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông”.

Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện Bộ GD&ĐT đang triển khai thực hiện các bước theo quy định.

Đồng thời, để nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT đã ban hành, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch nghiên cứu, xây dựng tài liệu, bộ công cụ tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục về kỷ luật tích cực gắn với quản trị trường học, xây dựng môi trường giáo dục, hướng tới trường học an toàn và hạnh phúc.

Kế hoạch khảo sát, biên soạn, in ấn, cấp phát tài liệu và tổ chức tập huấn “Nâng cao năng lực quản trị nhà trường cho cán bộ quản lý các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, phổ thông có học sinh bán trú, đáp ứng yêu cầu đổi mới theo chương trình GDPT 2018” cũng được ban hành.

Về phía các sở GD&ĐT đã tăng cường tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho đổi mới quản trị nhà trường; phối hợp với các công ty cung cấp dịch vụ triển khai hệ thống phần mềm quản trị nhà trường, quản lý hồ sơ điện tử của giáo viên và học sinh; tích hợp dữ liệu của các cơ sở giáo dục với cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục; triển khai chữ ký điện tử tại các cơ sở giáo dục.

Các nhà trường chú trọng đổi mới quản lý, quản trị trường học (việc tổ chức quản lý đã chuyển dần sang quản trị nhà trường) theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non, phổ thông.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động giáo dục của nhà trường; đảm bảo tính dân chủ, công khai, thống nhất giữa các tổ chức trong nhà trường; phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Việc khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học trong nhà trường hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

Bên cạnh các kết quả đạt được, nhận thức của một số cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới quản trị nhà trường, chưa chủ động chuyển hướng từ quản lý sang quản trị nhà trường; chưa phát huy được vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nhà trường. Nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ đổi mới quản trị nhà trường còn hạn chế.

Quản trị nhà trường là quá trình xây dựng các định hướng, quy định, kế hoạch hoạt động trong nhà trường; tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục học sinh thông qua huy động, sử dụng các nguồn lực, giám sát, đánh giá trên cơ sở tự chủ, có trách nhiệm giải trình để phát triển nhà trường theo sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu giáo dục của nhà trường.

Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.