Sinh viên thất nghiệp, 'quả bom' hẹn giờ tại Ấn Độ

GD&TĐ - Hoạt động kinh doanh đang bùng nổ trong ngành giáo dục trị giá 117 tỷ USD của Ấn Độ.

Sự bùng nổ trong kinh doanh giáo dục ở Ấn Độ gây ra nhiều phức tạp, đặc biệt ở thành phố Bhopal.
Sự bùng nổ trong kinh doanh giáo dục ở Ấn Độ gây ra nhiều phức tạp, đặc biệt ở thành phố Bhopal.

Tuy nhiên, hàng nghìn thanh niên Ấn Độ vẫn thất nghiệp do hạn chế hoặc không có kỹ năng. Điều đó góp phần làm suy yếu nền kinh tế vào thời điểm tăng trưởng then chốt.

50% sinh viên sẽ thất nghiệp

Theo Ngân hàng Thế giới, thất nghiệp là một quả bom hẹn giờ vì gần 1/3 thanh niên của Ấn Độ không làm việc, học tập hoặc đào tạo. Một số đang bị lôi kéo vào tội ác và bạo lực. Năm ngoái, những thanh niên tức giận đối mặt với triển vọng việc làm ảm đạm đã chặn giao thông đường sắt và đường cao tốc, thậm chí đốt cháy một số đoàn tàu.

Mong muốn thăng tiến, một số thanh niên Ấn Độ sẵn sàng chi trả để học hai hoặc ba tấm bằng với hy vọng cuối cùng sẽ kiếm được việc làm. Họ bị thu hút bởi các trường cao đẳng mọc lên bên trong những tòa nhà nhỏ. Những ngôi trường này cũng đưa ra lời quảng cáo đầy hứa hẹn về vị trí công việc sau khi người học tốt nghiệp.

Đó là một nghịch lý kỳ lạ khi các học viện công nghệ và quản lý hàng đầu của Ấn Độ đã đào tạo ra những giám đốc kinh doanh toàn cầu như Sundar Pichai của Alphabet và Satya Nadella của Microsoft.

Ngược lại, có hàng nghìn trường cao đẳng tư thục nhỏ không có lớp học chính quy. Những tổ chức giáo dục này tuyển chọn giáo viên ít được đào tạo, sử dụng chương trình giảng dạy lỗi thời. Đồng thời, không cung cấp kinh nghiệm thực tế hoặc vị trí công việc cho người học.

Trên thế giới, sinh viên đang ngày càng cân nhắc lợi ích của bằng cấp so với chi phí. Giáo dục đại học thường gây tranh cãi trên toàn cầu, kể cả ở Mỹ - nơi các tổ chức vì lợi nhuận phải đối mặt với cuộc điều tra của chính phủ. Tuy nhiên, sự phức tạp của giáo dục đang được thể hiện sâu sắc ở Ấn Độ.

Là quốc gia có dân số đông nhất thế giới, Chính phủ Ấn Độ thường xuyên nêu bật những lợi ích của việc có nhiều người trẻ tuổi hơn bất kỳ quốc gia nào khác.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của công ty đánh giá tài năng Wheebox, một nửa số sinh viên tốt nghiệp ở Ấn Độ không có việc làm trong tương lai do các vấn đề hệ thống giáo dục.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng vì chất lượng giáo dục. Điều đó khiến tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao (hơn 7%), dù Ấn Độ là nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới.

Giáo dục cũng đang trở thành một vấn đề lớn đối với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, khi ông cố gắng thu hút các nhà sản xuất và đầu tư Trung Quốc. Thủ tướng Modi tuyên bố sẽ tạo ra hàng triệu việc làm thông qua các bài phát biểu trong chiến dịch tranh cử. Vấn đề này có thể sẽ được tranh luận sôi nổi trước cuộc bầu cử quốc gia vào năm 2024.

Yeshwinder Patial - Giám đốc nhân sự của MG Motor Ấn Độ - cho biết: “Chúng tôi phải đối mặt với thách thức trong việc tuyển dụng. Các kỹ năng cụ thể cần thiết cho ngành hiện không dễ dàng tìm thấy ở sinh viên sau tốt nghiệp”.

Tình trạng phức tạp của sự bùng nổ giáo dục tại nước này đang được thể hiện ở các thành phố như Bhopal - một đô thị nhộn nhịp với khoảng 2,6 triệu dân thuộc bang Madhya Pradesh miền Trung Ấn Độ.

Những biển quảng cáo rầm rộ về các trường đại học tư thục hứa hẹn bằng cấp và việc làm cho những người trẻ tuổi có mặt khắp nơi. Những lời hứa như thế này thật khó để cưỡng lại đối với hàng triệu thanh niên đang mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn trong bối cảnh việc làm ảm đạm của Ấn Độ.

Bằng cấp cao hơn từng chỉ dành cho những người giàu có. Song, hiện, những người trẻ tuổi từ các gia đình có thu nhập trung bình và thấp cũng có thể chạm tay tới những tấm bằng này.

Hy vọng “đổi đời” nhờ bằng cấp

Tanmay Mandal đã nộp 4.000 USD để lấy bằng cử nhân kỹ thuật dân dụng nhưng không hề được đào tạo về xây dựng từ giáo viên.

Tanmay Mandal đã nộp 4.000 USD để lấy bằng cử nhân kỹ thuật dân dụng nhưng không hề được đào tạo về xây dựng từ giáo viên.

Các sinh viên đưa ra một loạt lý do để đầu tư vào giáo dục nhiều hơn, từ việc cố gắng nâng cao địa vị xã hội để cải thiện triển vọng hôn nhân, cho đến việc nộp đơn xin việc của chính phủ - nơi yêu cầu ứng viên phải có bằng cấp.

Một cư dân Bhopal - Tanmay Mandal (25 tuổi), đã nộp 4.000 USD để lấy bằng cử nhân kỹ thuật dân dụng. Anh tin rằng, bằng cấp là con đường dẫn đến một công việc tốt và cuộc sống chất lượng hơn.

Mandal không nản lòng trước những khoản phí cao đối với gia đình - nơi có thu nhập hằng tháng chỉ 420 USD. Mặc dù cái giá phải trả không nhỏ, song, Mandal nói rằng, anh hầu như không học được gì về xây dựng từ những giáo viên dường như không được đào tạo đầy đủ. Thậm chí, anh không thể trả lời các câu hỏi kỹ thuật trong những cuộc phỏng vấn xin việc. Tới nay, Mandal đã thất nghiệp ba năm.

“Tôi ước mình đã học ở một trường đại học tốt hơn. Nhiều người bạn của tôi cũng rơi vào tình trạng thất nghiệp”, Mandal nói. Song, tới nay, Mandal vẫn chưa bỏ cuộc. Mặc dù không thấy bằng cấp của mình hữu ích, nhưng Mandal muốn tránh xấu hổ khi thất nghiệp. Vì vậy, anh đã đăng ký học thạc sĩ tại một tổ chức tư nhân khác. Bởi, anh tin rằng, nhiều bằng cấp hơn có thể nâng cao địa vị xã hội.

Trung tâm của Bhopal là một thị trường nhộn nhịp với các học viện đào tạo về dịch vụ dân sự, kỹ thuật và quản lý. Các sinh viên cho biết đã đăng ký những khóa học này để nâng cao kỹ năng và tăng cơ hội nghề nghiệp, sau khi bằng cấp thông thường không giúp họ có được công việc như mong muốn.

Một trong những cơ sở giáo dục của Bhopal đã được chú ý đặc biệt trong những năm gần đây vì liên quan đến một vụ kiện được đưa lên tòa án cao nhất của Ấn Độ.

Vào năm 2019, Tòa án Tối cao đã cấm Trung tâm Nghiên cứu và Bệnh viện Đại học Y tế RKDF có trụ sở tại Bhopal tiếp nhận sinh viên mới trong hai năm. Bởi, tổ chức giáo dục này bị cáo buộc sử dụng bệnh nhân giả để đáp ứng các yêu cầu của trường đại học y tế.

Ban đầu, trường lập luận rằng, các bệnh nhân là thật. Song, nhà trường sau đó đã gửi lời xin lỗi khi hội đồng điều tra phát hiện, những bệnh nhân không thực sự gặp vấn đề sức khỏe. “Chúng tôi đã nhận thấy xu hướng đáng lo ngại của một số trường đại học y tế trong việc đưa ra các giảng viên và bệnh nhân giả để xin phép nhận sinh viên”, tòa án cho biết trong phán quyết.

Vào tháng 5/2022, cảnh sát ở thành phố phía Nam Hyderabad đã bắt giữ Phó Hiệu trưởng của Trường Đại học Sarvepalli Radhakrishnan, thuộc Tập đoàn RKDF, cũng như người tiền nhiệm, vì cáo buộc liên quan đến cấp bằng giả. Tuy nhiên, nhiều sinh viên vẫn theo học tại một số cơ sở của RKDF ở Bhopal.

Trên trang web của mình, những ngôi trường này cho biết họ cung cấp nền giáo dục chất lượng thông qua giảng dạy và truyền đạt các kỹ năng thực tế. Đồng thời, nỗ lực cung cấp cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất vững chắc.

Ở những nơi khác tại Bhopal là sự tồn tại của một trường đại học hoạt động bên ngoài tòa nhà dân cư nhỏ. Một trong những sinh viên đã học ở đó cho biết, rất dễ dàng để được nhập học và nhận được bằng cấp mà không cần tham gia lớp.

Nhiều tổ chức giáo dục trên danh nghĩa

Trường Đại học RKDF ở Bhopal.

Trường Đại học RKDF ở Bhopal.

Theo India Brand Equity Foundation - một quỹ tín thác của chính phủ, ngành giáo dục Ấn Độ được dự đoán đạt 225 tỷ USD vào năm 2025, từ 117 tỷ USD trong năm 2020. Con số đó vẫn nhỏ hơn nhiều so với ngành giáo dục Mỹ - nơi chi tiêu được ước tính lên tới hơn 1 nghìn tỷ USD.

Tại Ấn Độ, chi tiêu công cho giáo dục trì trệ ở mức khoảng 2,9% GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6% đặt ra trong chính sách giáo dục mới của chính phủ. Các vấn đề tại các trường cao đẳng lan rộng khắp đất nước. Trong đó, một loạt tổ chức ở các bang khác nhau bị chính quyền giám sát. Ở một số vùng của Ấn Độ, sinh viên đã tuyệt thực để phản đối việc thiếu giáo viên và cơ sở vật chất tại các học viện.

Vào tháng 1, các cáo buộc đã được đệ trình chống lại Trường Đại học Manav Bharti có trụ sở tại Himachal Pradesh và những người quảng bá cho trường này vì bán bằng cấp giả. Anil Swarup - cựu Thư ký phụ trách giáo dục trường học, ước tính năm 2018 rằng, trong số 16.000 trường đại học cấp bằng cử nhân cho giáo viên, một số lượng lớn chỉ tồn tại trên danh nghĩa.

Anil Sadgopal - cựu Trưởng khoa giáo dục tại Trường Đại học Delhi và là cựu thành viên của Ban Cố vấn Trung ương về Giáo dục - cho biết: “Đến nay, việc gọi những bằng cấp như vậy là vô giá trị sẽ là một cách nói quá. Khi hàng triệu thanh niên thất nghiệp mỗi năm, toàn bộ xã hội trở nên bất ổn”.

Tình trạng này là một thách thức đối với doanh nghiệp lớn. Một nghiên cứu của công ty nhân sự SHL cho thấy, chỉ 3,8% kỹ sư có các kỹ năng cần thiết để được tuyển dụng vào công việc liên quan đến phần mềm tại những công ty khởi nghiệp.

Mohandas Pai - cựu Giám đốc tài chính của Infosys Ltd., thành viên hội đồng quản trị và đồng sáng lập của công ty cổ phần tư nhân Aarin Capital - cho biết: “Kinh nghiệm của mọi người trong ngành công nghệ thông tin là sinh viên tốt nghiệp cần được đào tạo. Họ chưa sẵn sàng cho công việc, mà cần được đào tạo”.

Giám đốc Yeshwinder Patial của MG Motor cho biết, mặc dù các công ty đang tìm cách tuyển dụng ở lĩnh vực như sản xuất xe điện, trí tuệ nhân tạo và giao diện người - máy, nhưng những trường đại học nhỏ của Ấn Độ vẫn dạy chương trình lỗi thời như kiến thức cơ bản về động cơ đốt trong.

Ấn Độ có các cơ quan quản lý và hội đồng chuyên môn để điều chỉnh cơ sở giáo dục. Chính phủ đã công bố kế hoạch thành lập một cơ quan duy nhất sẽ thay thế tất cả các cơ quan quản lý hiện có. Song, điều đó vẫn đang ở giai đoạn lập kế hoạch.

Chính quyền Thủ tướng Modi cũng đang cố gắng giải quyết những bất cập, cam kết cải thiện chất lượng của các cơ sở giáo dục. Đồng thời, bắt đầu quá trình cho phép các trường đại học nước ngoài hàng đầu thành lập cơ sở và cấp bằng trong nước.

Trong khi đó, kế hoạch tìm kiếm việc làm cho thế hệ sinh viên hiện nay vẫn là một thách thức. Pankaj Tiwari (28 tuổi) cho biết đã trả 100.000 rupee để lấy bằng thạc sĩ về truyền thông kỹ thuật số vì muốn có một công việc và địa vị cao hơn trong xã hội.

Đó là một khoản chi lớn đối với gia đình anh, khi thu nhập hằng năm của họ là 400.000 rupee. Mặc dù, trường đại học đã hứa hẹn vị trí việc làm, nhưng không có công ty nào xuất hiện và anh vẫn thất nghiệp bốn năm sau đó.

“Nếu được đào tạo và có một số kỹ năng ở trường đại học, tình hình của tôi có lẽ đã khác. Bây giờ, tôi cảm thấy mình đã lãng phí thời gian. Tôi chỉ sở hữu các chứng chỉ trên giấy, nhưng không có tác dụng”, Tiwari nói.

Theo Japan Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.