Trân trọng truyền thống

GD&TĐ - Việc Thừa Thiên - Huế thí điểm đưa nữ công gia chánh thành một nội dung giáo dục trong nhà trường đang được dư luận quan tâm.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sự ủng hộ khá hào hứng cho thấy giáo dục truyền thống, kỹ năng sống thực sự có chỗ đứng vững chắc.

Đầu tiên, sự quan tâm của dư luận đặt nhiều vào tên gọi “nữ công gia chánh”, với băn khoăn phải chăng đây chỉ là nội dung dành cho giới nữ. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ đã giải tỏa điều này khi cho biết đây chỉ là thuật ngữ để bao quát các kỹ năng sống. Do đó, đối tượng của môn học không hạn chế bởi giới tính. Ngoài học nấu ăn với phong cách ẩm thực Huế, HS còn được dạy văn hóa ứng xử; tác phong của con người Huế từ tiếng dạ, thưa; đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp... Được chọn thí điểm là Trường THPT Hai Bà Trưng - trước là Trường nữ sinh Đồng Khánh - với lịch sử lâu đời chỉ sau THPT chuyên Quốc học. Nhiều nghệ nhân xứ Huế đã xuất phát từ ngôi trường nổi tiếng này.

Ngành Giáo dục Thừa Thiên - Huế đang có những bước triển khai nghiêm túc và bài bản để một lần nữa môn “Nữ công gia chánh” được “sống lại” trong nhà trường. Nói như vậy, bởi theo thông tin Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế Nguyễn Tân cung cấp, môn “Nữ công gia chánh” trước đây vốn được dạy trong trường nữ sinh ở Huế. Nhưng sau nhiều lần đổi mới giáo dục, hệ thống trường nữ sinh không còn và môn học này ít được chú trọng ở bậc phổ thông. Nay, nhiều yếu tố dẫn đến nên và cần đưa môn học này quay trở lại. Trong đó có yêu cầu từ Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị với quan điểm xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Bối cảnh đổi mới giáo dục cũng trân trọng, chú trọng giáo dục truyền thống, kỹ năng sống. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dành đến 20% cho nội dung giáo dục địa phương; giúp HS hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng điều đã học góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.

Việc đưa nội dung giáo dục đặc thù thấm đẫm nét văn hóa địa phương vào nhà trường không phải lạ. Tại Hà Nội, từ năm học 2010 - 2011 bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho HS Hà Nội” được đưa vào giảng dạy. Nhiều năm nay, Phú Thọ đưa hát Xoan vào trường học. Trong khi đó, HS Thái Bình được học về nghệ thuật chèo; HS Bắc Ninh học dân ca quan họ… Giáo dục di sản có thể nói là nội dung giáo dục đặc sắc được ngành Giáo dục ở cả 63 địa phương quan tâm nhiều năm nay. 

Quay lại việc đưa “Nữ công gia chánh” trở lại nhà trường. Môn học đậm chất Huế này không chỉ giúp gìn giữ, phát huy tinh hoa văn hóa ẩm thực, văn hóa ứng xử, tác phong xứ Huế, mà còn kết hợp giáo dục kỹ năng sống, giúp HS có được các kỹ năng cơ bản nhất, tự chăm sóc bản thân; đồng thời định hướng nghề nghiệp. Điều này vô cùng quan trọng.

Chuyên gia giáo dục Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) từng nhấn mạnh các năng lực công dân thế kỷ 21; trong đó có nhóm năng lực phục vụ cuộc sống và sự nghiệp, quản lý sức khỏe, giúp cá nhân thích ứng một cách linh hoạt với những điều kiện cuộc sống và công việc luôn luôn biến đổi. Môn học “Nữ công gia chánh” cần được hoan nghênh nếu nó thực sự góp phần giúp HS hình thành năng lực phục vụ cuộc sống và quản lý sức khỏe của bản thân, nhất trong bối cảnh phải làm việc di động toàn cầu. Chưa kể, việc nội trợ ở một số quốc gia được coi trọng và xem là một nghề. 

Trong công cuộc đổi mới giáo dục, có lẽ không cần quá để tâm tranh luận việc dạy cái gì mà nên tập trung bàn dạy như thế nào, truyền tải những giá trị, phẩm chất năng lực gì cho HS. Thật tốt nếu dạy nữ công gia chánh mà qua đó giáo dục HS về tình yêu lao động, sự tôn trọng yêu thương với những người âm thầm làm việc “nội trợ”, hay về nét văn hóa truyền thống dân tộc thể hiện qua những món ăn. Đó chính là giáo dục giá trị, giáo dục tình yêu gia đình, quê hương đất nước. Với ý nghĩa này, không chỉ Huế, các nhà trường trên cả nước đều có thể đưa “nữ công gia chánh” vào giảng dạy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ