Hào hứng đón nhận
Mới đây, Trường THPT Nguyễn Du đã tổ chức chương trình văn hóa kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du. Chương trình được nhà trường chuẩn bị rất công phu, bài bản với phần lễ và phần hội.
Ở phần lễ có sự phối hợp của CLB Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam Bộ được diễn ra vô cùng trang nghiêm, long trọng, mở đầu bằng nghi thức dâng hương để tưởng nhớ đến Đại thi hào Nguyễn Du - vị danh nhân văn hóa thế giới mà trường vinh dự được mang tên. Sau nghi thức dâng hương, học sinh của nhà trường cùng các đại biểu theo dõi tiết mục ca trù về cuộc đời sự nghiệp của đại thi hào Nguyễn Du và trích đoạn cải lương về tác phẩm làm nên tên tuổi của ông - Truyện Kiều.
Các tiết mục ngoài sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ thuộc CLB Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam Bộ còn có sự tham gia của học sinh khi vào vai các nhân vật như Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Kim Trọng…. Thông qua hoạt động này, nhà trường cũng đã lồng ghép khéo léo để giới thiệu nghệ thuật ca trù đến với học sinh.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, từ nhiều năm qua, nhà trường rất chú trọng việc giáo dục văn hóa truyền thống cho học trò thông qua nhiều chuyên đề ngoại khóa. Đây là một mảng không thể thiếu để giáo dục toàn diện học sinh và là chủ trương của toàn ngành.
Nhà trường đã chuẩn bị rất chu đáo, nhằm tri ân, tưởng nhớ đến vị danh nhân văn hóa dân tộc và thế giới mà trường vinh dự mang tên, qua đó, giáo dục cho học sinh nét văn hóa dân tộc, về tình người thể hiện qua cốt cách, tác phẩm trường tồn mà ông để lại, từ đó khơi gợi cho các em lòng tự hào để thêm nỗ lực, cố gắng học tập, rèn luyện.
Ngoài phần lễ, học sinh của trường rất hào hứng khi tham gia phần hội với màn hóa trang thành các nhân vật đã xuất hiện trong Truyện Kiều như Thuý Kiều, Thuý Vân, Kim Trọng, Từ Hải, Mã Giám Sinh, Hoạn Thư, Thúc Sinh… Phần hóa trang có sự tham gia của 200 học sinh đại diện cho 3 khối. Mỗi một bộ trang phục, màn hóa trang là cảm nhận riêng của các em về các nhân vật từ trong Truyện Kiều bước ra ngoài đời.
Để hóa trang nhân vật trong Truyện Kiều, các em phải đọc kĩ trích đoạn và tìm hiểu bối cảnh của thời đại đó để tìm trang phục phù hợp, trang điểm cho ưa nhìn, thể hiện thần thái để ghi điểm với ban giám khảo.
Đặc biệt, nhà trường tổ chức thi Rung Chuông Vàng với sự tham gia của đại diện các lớp với 20 câu hỏi về cuộc đời, sự nghiệp, các tác phẩm của Nguyễn Du. Nhiều hoạt động khác như gian ẩm thực của từng lớp với các món ăn ba miền… cũng được nhà trường tổ chức trong dịp này.
Em Thảo Nguyên, học sinh khối 11 chia sẻ, chương trình kỷ niệm vô cùng ý nghĩa với em và các bạn. “Chúng em cảm thấy tự hào vì được học dưới mái trường mang tên một đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới, để từ đó càng cố gắng, nỗ lực học tập tốt để xứng đáng là học sinh của Trường Nguyễn Du.
Đa dạng hình thức giáo dục
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1), ngôi trường nằm trong tốp đầu của khối THPT tại TPHCM về bề dày thành tích, luôn có nhiều hoạt động lồng ghép giáo dục truyền thống nhà trường, giáo dục học sinh qua tên gọi của trường với các hoạt động ngoại khóa.
Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường đã lồng ghép sân khấu hóa cải lương với trích đoạn "Khí tiết Bùi Thị Xuân", đặc biệt trong cuốn sổ tay về nội quy, quy định của trường có phần tóm tắt tiểu sử của nữ tướng Bùi Thị Xuân để học sinh hiểu rõ. Trong năm học này, tổ Sử của trường đang xây dựng kế hoạch lồng ghép giáo dục lịch sử, giáo dục truyền thống qua chuyên đề về nữ tướng Bùi Thị Xuân, về những đóng góp của bà với quê hương đất nước. Trước đó, trường cũng đã có chuyên đề về nguồn đến thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, Bình Định - quê hương của nữ tướng Bùi Thị Xuân.
Tương tự, tại Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức), nhà trường cũng rất chú trọng giáo dục truyền thống, lịch sử cho học sinh qua tên gọi của trường. Chuyên đề Hào khí Nguyễn Hữu Huân là một trong những hoạt động ý nghĩa đã được trường triển khai. Chuyên đề được trường phối hợp cùng CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ phối hợp tổ chức nhằm mục đích giáo dục truyền thống yêu nước, lý tưởng sống của thanh niên xưa và nay, giúp các em học sinh hiểu được ý nghĩa, bài học sâu sắc của hào khí Nguyễn Hữu Huân - anh hùng dân tộc mà trường vinh dự được mang tên. Nhà trường cũng khéo léo lồng ghép qua các trích đoạn cải lương để giáo dục âm nhạc truyền thống cho học sinh.
Nhiều trường học khác tại TPHCM như THCS Trần Văn Ơn (Quận 1), THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 3)… đều có những chuyên đề rất ý nghĩa gắn với tên ngôi trường của mình để giáo dục truyền thống cho học sinh. Những chuyến đi về nguồn để trao tặng mái ấm tình nghĩa cho gia đình khó khăn trên quê hương của anh hùng Trần Văn Ơn tại tỉnh Bến Tre, hay phong trào học tập “học giỏi như bác học Lê Quý Đôn”… là những ví dụ tiêu biểu.