Thông thường, trong các sự kiện lớn như ra mắt sản phẩm, triển lãm, hòa nhạc…ban tổ chức thường trang bị Wi-Fi miễn phí để mọi người có thể truy cập Internet dễ dàng.
Tuy nhiên, việc có quá nhiều người truy cập đồng thời làm cho bộ định tuyến không dây quá tải, hậu quả là kết nối Internet rất chậm, thậm chí không thể kết nối.
Cách phổ biến nhất để hạn chế là sử dụng hệ thống MIMO (Multi-Input Multi-Output) nhằm "phân chia" và "trì hoãn" tín hiệu thu vào và phát ra. Để dễ hình dung, thay vì "đi thẳng", dữ liệu lại đi "vòng vèo" hoặc được "phân làn" (như trên đường cao tốc) thông qua bộ định tuyến nhằm giãn cách chúng, từ đó hạn chế tình trạng bị tắc nghẽn.
Tuy nhiên, hệ thống này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu với lượng người dùng cực lớn, ví dụ Wi-Fi phủ sóng thành phố. Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm Khoa học máy tính của Đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology) đã nghiên cứu và cho ra đời MegaMIMO 2.0.
Về cơ bản, đây là hệ thống cho phép kết nối các bộ định tuyến không dây với nhau một cách liền mạch, các tín hiệu Wi-Fi vào ra một cách tuần tự, không cùng lúc gửi qua một tần số, giảm tỷ lệ nhiễu sóng… từ đó tăng tốc độ Wi-Fi, tối đa lên nhiều lần.
"MegaMIMO 2.0 là hệ thống MIMO cho phép kết hợp và điều phối hoạt động của các điểm truy cập mạng, như bộ định tuyến không dây. Nó sẽ giúp tín hiệu thu/phát không gửi qua một tần số cùng lúc, vốn là nguyên nhân làm tắc nghẽn mạng, mà sẽ làm điều đó tuần tự", đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.
Để chứng minh, các nhà khoa học đã tiến hành thử nghiệm bằng 4 máy phát Wi-Fi độc lập, và máy thu nằm trong cùng khu vực. Khi kết nối chúng theo cách thông thường, tốc độ mạng khá chậm. Nhưng nếu kết hợp 4 máy thu phát này và áp dụng MegaMIMO 2.0, băng thông dữ liệu tăng với hệ số 3,6.
"Trong điều kiện tốt hơn, MegaMIMO 2.0 có thể tăng tốc độ Wi-Fi lên gấp 10 lần", đại diện nhóm nhấn mạnh.
Theo BGR, các nhà khoa học MIT đang tiếp tục nghiên cứu về công nghệ mới này, trước khi thương mại hóa nó trong tương lai gần.