Phát triển từ hoạt tính chống viêm
Nhóm tác giả gồm: Nguyễn Thanh Tố Nhi, Phan Huyền Trang - Khoa Dược, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; Nguyễn Minh Thái - Khoa Dược, Trường Đại học Y dược TPHCM; Hoàng Đức Thuận - Khoa Dược, Trường Đại học Lạc Hồng và Nguyễn Thành Triết - Khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TPHCM đã nghiên cứu khảo sát khả năng kháng vi khuẩn gây mụn của tinh dầu Ngải năm ông Curcuma involucrata (King ex Baker).
Theo TS Nguyễn Thành Triết, khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hệ thực vật, trong đó có chi Curcuma thuộc họ Zingiberaceace. Từ lâu, chi Curcuma đã được ứng dụng trong đời sống với nhiều mục đích như làm thuốc chữa bệnh, gia vị, thuốc nhuộm,...
Có 23/27 loài thuộc chi Curcuma được sử dụng làm thuốc tại Việt Nam: Nghệ trắng trị tê thấp, làm lành vết thương, trị ho gà; nghệ lá hẹp giúp phục hồi sức khỏe cho người ốm; nghệ đen chữa đầy hơi, ăn không tiêu; nghệ rễ vàng chữa các bệnh liên quan đến gan, bệnh đường tiết niệu; nghệ Nam Bộ và nghệ vàng dùng chữa bệnh đau dạ dày hay nghệ rừng chữa đau bụng kinh theo kinh nghiệm dân gian.
Nghiên cứu trên Curcuma aromatica và Curcuma zedoaria cho thấy hai loài này có hiệu quả trên các tác nhân gây mụn (Staphylococcus aureus, Staphylococcus epidermidis, Propionibacterium acnes). Mặt khác, một loài rất đặc trưng trong chi này là cây Ngải năm ông có hoạt tính chống viêm, chống ung thư và hạ sốt.
Ngải năm ông cao 40-50 cm. Thân rễ dạng củ, đường kính 1 cm, bên trong màu vàng nâu, mùi thơm nồng, rễ màu trắng, lá có cuống lá dài 10-17 cm, phiến màu xanh lục, hình trứng thuôn dài hoặc hình mác đầu nhọn, cụm hoa mọc bên.
Dịch chiết ethanol của cây được xác định có 17 hợp chất, ba hợp chất chiếm nhiều nhất là benzyl benzoat (22,71%); etan, isothiocyanate (17,28%); và 2-phenanthrenol; 16 chất khác; các hợp chất chiếm 48,84% của dịch chiết.
Trong Đông y, loài cây này được cho là có thể điều trị các chứng rối loạn viêm nhiễm và sốt. Nhóm nghiên cứu tiến hành trên cây Ngải năm ông ở dạng chiết tinh dầu, với đối tượng là các tác nhân gây mụn, nhằm mục tiêu góp phần làm phong phú thêm tác dụng sinh học của Curcuma involucrata, tìm ra các dạng chiết phù hợp của loài thực vật này, dạng bào chế thích hợp cho sản phẩm chăm sóc da mặt, ức chế sự phát triển của các tác nhân gây bệnh ngoài da phổ biến.
Dược liệu sau khi được thu hái được rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, để khô tự nhiên ở nhiệt độ phòng. Tinh dầu được chiết bằng phương pháp chưng cất lôi cuốn hơi nước trong thời gian khoảng 3 giờ và ở nhiệt độ khoảng 60 độ C. Sau khi kết thúc quá trình chưng cất, thu tinh dầu vào máy và ly tâm loại bỏ nước, thu được tinh dầu nguyên chất, bảo quản trong tủ lạnh 2 - 8 độ C.
Hoạt tính kháng tác nhân gây mụn
Kết quả phân tích thành phần hóa học của tinh dầu bằng phương pháp GC-MS cho thấy sự hiện diện của ít nhất 30 hợp chất, trong đó có hai hợp chất chính là isoterpinolen (29,65%) và β-ocimen (11,60%).
Terpinolen và các đồng phân là các monoterpen có nhiều trong tinh dầu các loại thảo mộc, làm giảm viêm và chống oxy hóa in vitro. Đây là chất chống tăng sinh mạnh đối với các tế bào khối u não và có thể có tiềm năng như một chất chống ung thư. Các loại thực vật có chứa terpinolen, β-ocimen đều có hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm tốt như nấm Gypsophila bicolor ảnh hưởng trên vi khuẩn Gram âm và Gram dương.
Tinh dầu thân rễ Ngải năm ông có tác dụng kháng khuẩn mạnh trên cả 3 chủng vi sinh vật và hoạt tính kháng tốt nhất trên MSSA với đường kính ức chế là 25,33 ± 0,58 mm.
“Vì chưa thấy nghiên cứu tinh dầu thân rễ Ngải năm ông trên tác nhân gây mụn, do đó chúng tôi so sánh kết quả của đề tài với các loài khác trong cùng chi Curcuma. Đề tài nghiên cứu cùng dạng chiết là tinh dầu và phương pháp đĩa giấy khuếch tán cho thấy tinh dầu thuộc chi Curcuma thể hiện hoạt tính kháng mạnh trên tác nhân gây mụn”, TS Nguyễn Thành Triết cho biết.
Kết quả, tinh dầu thân rễ Ngải năm ông của đề tài thử nghiệm phát huy tốt hiệu quả loại bỏ các loại vi khuẩn gây mụn. Tinh dầu là những hợp chất kháng khuẩn có khả năng thể hiện hoạt tính ở pha hơi.
Do nghiên cứu này tạo tiền đề phát triển đa dạng nhiều dạng sản phẩm có chứa tinh dầu ở pha hơi tác động lên da bị mụn, điển hình như dạng xịt, dạng xông, dạng bôi,... nên nhóm đã thử nghiệm khả năng kháng khuẩn phần bay hơi của tinh dầu bằng phương pháp đĩa ba ngăn.
Tinh dầu thân rễ Ngải năm ông thể hiện hoạt tính kháng khuẩn ở phương pháp tiếp xúc trực tiếp tốt hơn ở dạng hơi xịt. Điều này có thể giải thích trong thành phần tinh dầu, các hợp chất phenol có trọng lượng tương đối lớn hơn và khả năng bay hơi sẽ thấp hơn các cấu tử có cấu trúc nhỏ như các monoterpen hay sesquiterpen. Do đó, khi sử dụng phương pháp khuyếch tán ở pha hơi, các thành phần này không phát huy được tác dụng mạnh.
Kết thúc nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã chiết xuất thành công, xác định sơ bộ thành phần hóa học và xác định được nồng độ ức chế tối thiểu MIC và nồng độ diệt khuẩn tối thiểu MBC của tinh dầu thân rễ Ngải năm ông trên 3 chủng vi khuẩn gây mụn MSSA, MRSA và P. acnes.
Tinh dầu thân rễ Ngải năm ông có tác dụng ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn gây mụn cao. Tinh dầu thể hiện hoạt tính kháng tác nhân gây mụn ở pha rắn tốt hơn pha hơi. Từ đó, đề tài kiến nghị việc tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, phân lập ra hợp chất có tác dụng trị mụn, nghiên cứu bào chế ra sản phẩm cho tác dụng trị mụn hiệu quả.