Nhận diện nguy cơ động đất mạnh và sóng thần

GD&TĐ - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức bài giảng 'Động đất, sóng thần: Nguy cơ và cách ứng phó, kinh nghiệm dành cho Việt Nam'.

Các nhà khoa học tại sự kiện bài giảng đại chúng về nguy cơ động đất, sóng thần.
Các nhà khoa học tại sự kiện bài giảng đại chúng về nguy cơ động đất, sóng thần.

Nguy cơ

TS Nguyễn Hồng Phương, Viện Vật lý địa cầu cho biết, trong những năm gần đây, Việt Nam liên tục xuất hiện động đất ở mức độ trung bình, độ lớn từ 5 - 6 và chiều hướng tăng dần về tần suất.

Trên lãnh thổ Việt Nam, rung động nền mạnh nhất quan sát thấy tại khu vực Tây Bắc, tập trung trên hai vùng nguồn Điện Biên - Lai Châu và Sơn La. Ngoài hai vùng chấn động mạnh nhất nêu trên, trên lãnh thổ Việt Nam còn quan sát thấy một loạt các vùng nguồn có rung động nền mạnh gồm: Sông Hồng - Sông Chảy, Rào Nậy, Sông Cả - Khe Bố và Trà Bồng.

Các tâm chấn động đất thường tập trung trên những đới hẹp và kéo dài gọi là các vành đai động đất hay vành đai núi lửa. Ba vành đai động đất lớn nhất hành tinh là vành đai Thái Bình Dương, vành đại Địa Trung Hải - Hymalaya và kéo dài theo dải núi ngầm từ Bắc Băng Dương qua Đại Tây Dương về phía Nam.

“Một trận động đất mạnh cấp 6 - 7 tương ứng với 15.000 tấn thuốc nổ và tương đương với 1 quả bom nguyên tử ở Hirosima (Nhật Bản). Động đất có độ lớn từ 7 - 8 độ tương đương với 475.000 tấn thuốc nổ, bằng 37 quả bom nguyên tử”, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho hay.

Việt Nam không nằm trên vành đai núi lửa của thế giới nên không có khả năng xảy ra động đất mang tính chất hủy diệt. Nhưng trên lãnh thổ Việt Nam có nhiều hệ thống đứt gãy, có phát sinh động đất tương đối mạnh.

Về nguy cơ sóng thần ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho biết, mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy sóng thần đã từng gây thiệt hại cho cộng đồng cư dân ven biển miền Trung Việt Nam trong quá khứ, song tất cả những bằng chứng này chưa bao giờ được công bố công khai nên chúng vẫn chỉ được coi như là những giả thuyết cần chứng minh.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho biết, các tham số nguy hiểm sóng thần cho phép đưa ra một số nhận định như sau:

Dải ven biển miền Nam Việt Nam có độ nguy hiểm sóng thần thấp nhất. Độ cao sóng thần tại trạm Cà Mau chỉ đạt 0,2 m, trong khi thời gian lan truyền tới trạm lại dài nhất, tới hơn 10 tiếng;

Dải ven biển phía Bắc có độ nguy hiểm sóng thần trung bình. Độ cao sóng thần tại các trạm Hải Phòng và Nam Định chỉ đạt tới độ cao lần lượt bằng 3,5 và 3,7m, trong khi thời gian lan truyền sóng tới các trạm này lại khá dài, lần lượt bằng 8 giờ 35 phút và 9 giờ 45 phút. Cho tới trạm Nghệ An thuộc khu vực bắc miền Trung, sóng thần cao nhất cũng chỉ đạt tới biên độ 6,2 m và lan truyền trong vòng 7 giờ 40 phút.

Biên độ sóng thần cao nhất tập trung trên dải ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ của Việt Nam, kéo dài từ tỉnh Quảng Bình đến tận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Biên độ sóng cao nhất đạt tới 18m tại khu vực ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Tuy nhiên xét về thời gian lan truyền, các thành phố có khả năng bị sóng thần tấn công sớm nhất lại là Tuy Hòa (2 giờ 20 phút), Quy Nhơn (2 giờ 25 phút), Ninh Thuận (2 giờ 35 phút) và Nha Trang (2 giờ 40 phút).

nhan-dien-nguy-co-dong-dat-manh-va-song-than-1.jpg

Ứng phó

TS Bùi Thị Nhung - Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu, Viện KH&CN Việt Nam chia sẻ, hiện chưa thể dự báo được khi nào xảy ra động đất. Trên thế giới, kể cả ở các nước phát triển đã đầu tư lớn vào công tác này nhưng vẫn không thể dự báo được động đất. Do vậy, dự báo về xác suất trong khoảng thời gian xảy ra động đất đem lại hiệu quả cao hơn.

Vì vậy, việc trang bị kiến thức về động đất và chuẩn bị sẵn sàng các kỹ năng ứng phó là chìa khóa cho sự an toàn của con người, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra.

Năm 2021, sau một loạt các trận động đất xảy ra (Mộc Châu, Cao Bằng…), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã kịp thời cho thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu xây dựng, thiết kế các tài liệu và tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng tránh động đất cho cộng đồng”. Mục tiêu của nhiệm vụ là bước đầu xây dựng một số tài liệu tuyên truyền các kiến thức về động đất, kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra nhưng chủ yếu cho khu vực thành thị.

TS Nhung đề xuất, cần sớm có thêm các tài liệu tuyên truyền phù hợp với những vùng sâu, vùng xa, miền núi, đáp ứng tình hình thực tế.

Tiếp tục làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục, phổ cập kiến thức cho người dân, rèn luyện kỹ năng cho các lực lượng: diễn tập, lồng ghép, tích hợp kiến thức, kỹ năng ứng phó động đất, đưa vào chương trình giáo dục, các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm trong các cơ sở giáo dục.

ThS Đinh Quốc Văn, Phó trưởng phòng Quan sát động đất, Viện Vật lý địa cầu cho biết, việc cung cấp chính xác, đầy đủ, nhanh chóng thông tin động đất, sóng thần có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam nhằm giúp cơ quan Trung ương, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương lập kế hoạch ứng phó (sơ tán, tìm kiếm, cứu nạn,…), ổn định đời sống người dân trong vùng có nguy cơ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ