Thiên đường đóng băng

GD&TĐ - Du lịch có thể không còn là chìa khóa giúp phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh châu Á bị tác động bởi khủng hoảng năng lượng và lạm phát.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trước năm 2020, quốc đảo Palau, nằm phía Tây Thái Bình Dương, đón trung bình 118 nghìn du khách mỗi năm, đưa du lịch trở thành ngành đóng góp chính cho nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, theo thống kê mới đây từ Bộ Tài chính Palau, ít hơn 10 nghìn du khách đến nước này năm 2022.

Câu chuyện của Palau cũng là tình hình chung trên khắp châu Á – Thái Bình Dương, nơi các quốc gia đang vật lộn xoay chuyển tình trạng du lịch giảm do dịch Covid-19 gây nên. Lượng khách quốc tế và tỷ lệ lấp đầy phòng trong khu vực hiện nay thua xa so với mức trước đại dịch.

Tại Nhật Bản, chính phủ đặt mục tiêu đạt 5 nghìn tỷ yên (34,5 tỷ USD) chi tiêu du lịch hàng năm sau khi khôi phục việc miễn thị thực cho du khách từ một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Nước này cũng dỡ bỏ giới hạn quy định đón 50 nghìn lượng khách du lịch hàng ngày.

Tuy nhiên, các nhà phân tích dự đoán rằng, chi tiêu từ khách du lịch nước ngoài sẽ chỉ có thể đạt 2,1 nghìn tỷ yên (khoảng 14 tỷ USD) vào năm 2023 và không vượt quá mức trước đại dịch cho đến năm 2025.

Ngay cả những quốc gia đã sớm dỡ bỏ hạn chế Covid-19, lượng du khách vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm trước đại dịch. Đơn cử, Thái Lan bắt đầu tái mở cửa biên giới vào tháng 11/2021 với hy vọng thu hút 15 triệu du khách vào năm 2022.

Tuy nhiên, nước này đã phải hạ thấp kỳ vọng. Lượng khách du lịch Thái Lan năm nay dự kiến sẽ đạt gần 10 triệu, giảm 4 lần so với mức 40 triệu du khách vào năm 2019.

Tương tự, đảo Bali, Indonesia, địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới được ví như “thiên đường trên mặt đất”, cũng ghi nhận số lượng du khách trồi sụt sau đại dịch. Tháng 8/2022, khoảng 276 nghìn du khách đến Bali, so với mức 606 nghìn vào cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, trong khi ngành du lịch tại châu Á - Thái Bình Dương đang giậm chân tại chỗ, châu Âu lại trở thành thị trường du lịch bùng nổ với nhiều “điểm nóng” như Pháp, Hy Lạp... Các nước này đã đón lượng lớn khách du lịch trong suốt mùa hè năm nay, thậm chí có những thời điểm cao hơn mức trước dịch.

Tháng 7 và tháng 8 năm 2018, tỷ lệ phòng lấp đầy trung bình tại Pháp lần lượt là 69,4% và 69,2%. Trong khi đó, tháng 7 và tháng 8 năm 2022, con số lần lượt là 70,3% và 70,4%.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng du lịch ảm đạm tại châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó phải kể đến việc nhiều quốc gia mở cửa muộn do các quy định phòng, chống Covid-19 nghiêm ngặt. Cùng với đó là lạm phát, chi phí sinh hoạt tăng cao khiến người dân không chi mạnh tay cho du lịch.

Hơn nữa, khách du lịch Trung Quốc, chiếm số lượng đông đảo ở nhiều quốc gia, chưa trở lại do nước này thực hiện chính sách “không Covid”. Đơn cử, ở Palau, năm 2019, du khách Trung Quốc chiếm đến 1/3 tổng du khách quốc tế nhưng năm nay, chỉ còn 57 người.

Khả năng du lịch châu Á - Thái Bình Dương phục hồi hoàn toàn là rất khó nếu du khách Trung Quốc không quay trở lại. Du lịch có thể không còn là chìa khóa giúp phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh châu Á bị tác động bởi khủng hoảng năng lượng và lạm phát.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ