Đại dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn ngành du lịch châu Á, buộc các quốc gia cũng như doanh nghiệp trong khu vực mà du lịch vốn là một động lực phát triển chính phải đi chệch khỏi những mô hình vốn có.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), hậu Covid-19, khi du lịch quốc tế trở lại, du khách có thể sẽ phải sử dụng một tấm hộ chiếu thứ hai, đó là "tấm hộ chiếu" cho thấy họ đã được tiêm phòng vaccine Covid-19. Tuy nhiên, kể cả khi có giấy tờ mới này, dòng du khách đi lại tự do như trước thời đại dịch có thể sẽ không bao giờ xảy ra trong năm 2021, khi mà hầu hết du khách vẫn phải đi lại hạn chế trong khuôn khổ các bong bóng du lịch hoặc làn đi lại kinh doanh được các nước thỏa thuận với nhau.
Bên cạnh đó, với số lượng chuyến bay ít hơn, nhiều loại vaccine cũng như xét nghiệm hơn, vé máy bay có thể sẽ trở nên đắt đỏ hơn nhiều. Theo Abhineet Kaul, giám đốc cấp cao phụ trách khu vực công tại Frost & Sullivan, dự báo ít nhất phải tới năm 2024 ngành du lịch mới trở lại như thời điểm năm 2018 và 2019.
Cuộc khủng hoảng định hình lại ngành du lịch toàn cầu
Kể từ tháng 1/2020, ngành du lịch đã thay đổi chóng mặt, khi các quốc gia trên khắp thế giới bắt đầu cấm chuyến bay từ Trung Quốc do dịch bệnh đang lan mạnh tại đây. Khi các biện pháp hạn chế đi lại bắt đầu được áp dụng phổ biến để phòng dịch bệnh, du lịch quốc tế gần như tê liệt. Gần 12 tháng sau đó, tình hình không thay đổi nhiều khi nhiều quốc gia giờ đây cấm các chuyến bay từ Anh và Nam Phi do biến thể mới của Covid-19.
Tuy nhiên, các quốc gia bắt đầu nỗ lực nhằm thúc đẩy các kênh du lịch. Chính phủ Thái Lan mới đây nới lỏng lệnh hạn chế đối với người nhập cảnh từ 56 quốc gia, bao gồm Singapore, Nhật Bản và Mỹ. Theo đó, du khách có chứng nhận y tế chứng minh họ không nhiễm Covid-19 được phép nhập cảnh vào quốc gia này, dù vẫn phải cách ly trong 14 ngày.
Từ tháng 9, Việt Nam đã cho phép thực hiện các chuyến bay thương mại tới 7 điểm đến tại châu Á, nhưng các hãng hàng không nội địa vẫn bị cấm khai thác chuyến bay ra nước ngoài.
Tại Singapore, du khách từ các quốc gia bao gồm Brunei, Việt Nam và New Zealand được phép nhập cảnh. Trong khi đó, hành lang đi lại an toàn, còn gọi là "bong bóng du lịch" giữa Singapore và Hồng Kông đã sụp đổ sau khi Hồng Kông ghi nhận làn sóng dịch bệnh mới.
Tour du thuyền trên cảng Victoria ở Hồng Kông (trái) và vịnh Marina ở Singapore - Ảnh: Getty Images/AP
Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) dự báo du lịch quốc tế suy giảm hơn 70% trong năm 2020, trở về mức của 30 năm trước. Tổ chức này ước tính ngành du lịch thế giới thiệt hại 935 tỷ USD do sự suy giảm của du lịch quốc tế trong 10 tháng đầu năm 2020, gấp 10 lần thiệt hại trọng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009.
Khu vực châu Á Thái Bình Dương chứng kiến sự sụt giảm du khách quốc tế mạnh nhất, tới 82%. UNWTO dự báo du lịch quốc tế tại khu vực này chỉ có thể phục hồi sớm nhất vào năm 2023. Đây là đòn giáng mạnh mới khu vực này - nơi từ lâu du lịch là một động lực lớn cho nền kinh tế.
Năm 2018, doanh thu du lịch chiếm 17,8% GDP của Campuchia và hơn 11% GDP của Thái Lan. Trong khi đó, tại hòn đảo du lịch nổi tiếng Bali của Indonesia, 70% cư dân sống phụ thuộc vào ngành du lịch.
"Sau 8 năm tăng trưởng không ngừng, Covid-19 là thảm họa đối với những doanh nghiệp trong ngành du lịch. Đó là các hãng hàng không, khách sạn, du thuyền, các công ty lữ hành", ông Kaul của Frost & Sullivan cho biết. "Ngành du lịch đang ở trong trạng thái mà tăng trưởng được xem là điều hiển nhiên, nhưng Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn động lực và tư duy đó".
"Hộ chiếu vaccine", du lịch nội địa lên ngôi?
Đại dịch Covid-19 buộc các bên tham gia ngành du lịch phải thay đổi để thích nghi. Theo ông Kaul của Frost & Sullivan, những thay đổi này đồng nghĩa với những chiến lược du lịch mới với sự kết hợp khác nhau giữa các sản phẩm và các thị trường, và phát triển những sản phẩm như du lịch dài ngày, du lịch vaccine (du khách tới các quốc gia khác nhằm mục đích được tiêm vaccine) hay du lịch chăm sóc sức khỏe tinh thần.
Khi các chính phủ kêu gọi người dân du lịch trong nước nhiều hơn thay vì đi nước ngoài, giới doanh nghiệp cũng nhanh chóng bắt nhịp và tung ra hàng loạt chương trình ưu đãi nhằm kích cầu du lịch nội địa.
Không chỉ các thương hiệu và doanh nghiệp, thị hiếu của du khách cũng thay đổi đáng kể sau đại dịch. Các chuyên gia nhận định du khách tại những quốc gia có thị trường du lịch nội địa lớn sẽ không mấy mặn mà với việc ra nước ngoài.
Do chính phủ Trung Quốc cấm du lịch nước ngoài để ngăn đại dịch lây lan, nhiều du khách nước này bắt đầu quay sang khám phá trong nước. Tháng 8 năm ngoái, số lượng chuyến bay nội địa tại Trung Quốc phục hồi được tới 95,4% mức năm 2019. Thậm chí, 13 hãng hàng không nước này khai thác nhiều chuyến bay hơn so với cùng kỳ năm trước. Trên Booking.com, du lịch tại các thị trường nội địa chiếm hơn 70% lượng đặt phòng trên toàn cầu vào quý 3/2020, tăng từ 45% của năm 2019.
Xu hướng du lịch nội địa có thể sẽ còn kéo dài sau đại dịch. Theo một khảo sát với 20.000 du khách tại 28 quốc gia của Booking.com, 17% người được hỏi cho biết có kế hoạch du lịch trong nước trong năm 2021, 12% có ý định làm vậy trong những năm sau. Với những người thích du lịch nước ngoài, chỉ hơn 30% cho biết sẽ "khám phá thế giới" và sẽ ưu tiên những điểm đến gần trong khu vực.
Tuy nhiên, theo chuyên gia về du lịch Wong King Yin của Đại học Công nghệ Nanyang tại Singapore, du lịch nội địa không thể bù đắp hoàn toàn cho những mất mát của du lịch quốc tế về số lượng du khách và sức chi tiêu. Bà cho rằng để du lịch quốc tế trở lại, thế giới cần phải có một hệ thống quản lý y tế toàn cầu mới và phân phối rộng khắp các loại vaccine có hiệu quả phòng ngừa cao.
Với những quốc gia châu Á đã bắt đầu phân phối vaccine, điều còn lại họ cần là một "tấm hộ chiếu sức khỏe" được công nhận toàn cầu để cung cấp thông tin chi tiết về loại vaccine mà một du khách đã được tiêm, Wong nhận định. Bà cho rằng đây có thể sẽ là đặc điểm tồn tại vĩnh viễn của du lịch trong tương lai, tương tự như ngày 11/9 khiến ngành hàng không phải thắt chặt an ninh mãi mãi.
Vào tháng 4/2020, trang thông tin thị thực SchengenVisaInfo.com cho biết một khi vaccine bắt đầu mang lại hiệu quả, du khách có thể phải xuất trình bằng chứng cho thấy họ đã được tiêm vaccine Covid-19 để được nhập cảnh vào Liên minh Châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên trong khu vực Schengen. Thời điểm đó, một quan chức EU đã xác nhận thông tin của SchengenVisaInfo.com, cho biết bằng chứng tiêm chủng cũng sẽ được yêu cầu trong hồ sơ xin cấp thị thực và miễn thị thực của khối Schengen.
Gần đây nhất, Đan Mạch công bố kế hoạch yêu cầu người nhập cảnh cung cấp hồ sơ chứng minh họ đã được tiêm vaccine Covid-19. Đầu tháng 1, Bộ Y tế và Người cao tuổi Đan Mạch thông báo rằng cơ quan này đang nghiên cứu "hộ chiếu vaccine" cho công dân nước này và sớm cấp cho tất cả những người đã tiêm vaccine. Giấy tờ này sẽ giống như một giấy thông hành để họ đi tới những quốc gia bắt buộc tiêm chủng đối với người nhập cảnh.
Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis thậm chí gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và thúc giục EC ban hành giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 để tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa các nước trong khối.
Tháng 12/2020, Cộng hòa Cyprus cho biết sớm nhất vào tháng 3/2021, nước này sẽ chỉ cấp phép nhập cảnh đối với những người chứng minh rằng họ đã được tiêm vaccine Covid-19, bên cạnh những giấy tờ thông thường (gồm hộ chiếu, thị thực...).
Các quốc gia khác, như Iceland và Hungary, đã áp dụng yêu cầu về "hộ chiếu miễn dịch" - bằng chứng cho thấy họ từng nhiễm Covid-19 nhưng giờ không còn nữa và có kháng thể trong người.