Anh Nguyễn Hoàng Bảo (sinh năm 1976) được nhiều người biết đến với tên gọi khác là blogger Những Bước Chân.
Tốt nghiệp khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế TPHCM nhưng đam mê bất tận với du lịch bụi đã dẫn lối chàng trai mê dịch chuyển Nguyễn Hoàng Bảo đến với vai trò giảng viên tại bộ môn Thương mại du lịch, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM.
Xuất phát từ niềm đam mê khám phá từ khi còn nhỏ, Nguyễn Hoàng Bảo luôn chọn những “cung đường khó” có dấu chân của người xưa trong các chuyến đi của mình.
Cho tới nay, Hoàng Bảo đã đi được 73 nước (khoảng hơn 1/3 số quốc gia trên thế giới) với những hành trình gian nan nhưng vô cùng kỳ thú khắp năm châu.
Đó là, hành trình đi theo hai cung đường nguy hiểm nhất của con đường tơ lụa là Pamir và Karakoram; hành trình khám phá Nam Mỹ theo dấu chân người Inca đến thành cổ Machu Pichu ở Peru; đặt chân đến thành Jerusalem ở Israel; ghé thăm nơi ở của người Maasai ở châu Phi, bộ tộc được xem là những người gan dạ nhất trong các bộ tộc ở Kenya khi “sống chung với thú dữ”...
Nguyễn Hoàng Bảo cho biết, một trong những hành trình ấn tượng nhất mà anh từng trải nghiệm là hành trình đi ngược Con đường tơ lụa xuyên vùng Trung Á và Trung Đông.
Hành trình kéo dài 2 tháng, đặt chân lên 7 nước gồm: Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Kuwait, Iran, Pakistan. Từ thành Trường An (Trung Quốc), con đường tơ lụa chia thành nhiều nhánh để đi đến các thành phố, lục địa khác nhau trên thế giới.
Ngày xưa, những thương nhân phải vượt qua hai đoạn đường hiểm trở bậc nhất thế giới để mang sản vật quý hiếm đến những đô thị phồn thịnh giao thương. Một là cung Pamir hoang vu đến rợn người, hai là cung đường heo hút hiểm trở Karakoram từ Pakistan đến thành phố Kashgar thuộc khu tự trị Tân Cương.
Thầy giáo Bảo thông tin, cung đường Pamir kéo dài từ Trung Á đến dọc xuống Ấn Độ, đây được xem là cung đường heo hút nhất trên thế giới với điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Người ta chỉ nghe thấy tiếng gió rít và tiếng đập cánh của đại bàng khi “lỡ bước” qua tuyến đường này.
Hoàng Bảo cảm nhận rõ sự vất vả, dấn thân của những thương nhân cùng đoàn lạc đà vận chuyển hàng hóa từ phương Đông sang phương Tây - một dòng chảy quan trọng trong sự phát triển của văn minh loài người.
Trong khi đó, cung Karakoram (thuộc Pakistan và giáp với vùng Tân Cương, Trung Quốc) là con đường được xem là nguy hiểm thứ hai trên thế giới với đoạn đường đèo cao trên 4.730 mét so với mực nước biển, ngoằn ngoèo, uốn khúc trườn theo hẻm núi. Không chỉ thế, con đường này còn dễ bị ảnh hưởng bởi lũ quét, gây sạt lở nghiêm trọng và có thể lấy mạng người bất cứ lúc nào.
Hoàng Bảo kể, hành trình này để lại trong anh những dấu ấn đặc biệt, từ cảnh quan thiên nhiên, con người đến những phong tục tập quán. Tuy cuộc sống nơi đây đầy những phức tạp, bất an, nhưng những người dân đất nước Hồi giáo này luôn nồng hậu và vô cùng mến khách.
Thầy giáo Nguyễn Hoàng Bảo chụp ảnh lưu niệm với người bản địa Pakistan ở cao nguyên Muree. Ảnh: NVCC.
“Hãy cứ đi đi!”
Nói về khoảng thời gian chinh phục những chặng đường đã qua, anh Hoàng Bảo cho biết có những lúc bản thân phải đối mặt với sự đơn độc, và chính điều đó buộc anh phải cố gắng vượt qua.
Sau mỗi chặng đường đi tới, anh nhận lại rất nhiều trải nghiệm để từ đó điều chỉnh cách nhìn nhận, hành xử với các vấn đề khác nhau trong cuộc sống nói chung, với công việc chuyên môn nói riêng.
“Đối với một giảng viên, những trải nghiệm đó là chất liệu quý để tôi thực hiện bài giảng thêm phần sinh động, thú vị hơn. Rõ ràng, được tiếp cận thực tế thì tốt hơn nhiều so với việc chỉ nói lại những điều trên sách vở, tài liệu”, thầy Nguyễn Hoàng Bảo chia sẻ.
Bằng chính những trải nghiệm quý báu tích lũy qua nhiều hành trình, thầy giáo Nguyễn Hoàng Bảo đã là người truyền cảm hứng “lên đường” khám phá đam mê, chinh phục những thử thách với nhiều thế hệ học trò.
“Điều quan trọng hơn, những chuyến đi còn khiến tôi mở rộng trái tim mình, có được góc nhìn đa chiều hơn, dễ dàng đồng cảm và chấp nhận cá tính của người khác. Việc mở lòng mình cũng chính là cách để mình cảm nhận, cảm thụ nhiều cảm xúc khác nhau trên từng chặng đường đi tới.
Thế nên, hơn ai hết những người trẻ hãy mạnh dạn khám phá những chân trời mới. Hãy cứ đi, vì đó cũng là cách chúng ta chinh phục mọi điều trong cuộc sống”, anh Bảo nhắn gửi.
Đối với anh, sự chuẩn bị cho mỗi một hành trình đóng vai trò rất quan trọng. Chuẩn bị càng kỹ thì có thể đi sâu và đi xa hơn. Chuẩn bị ở đây là chuẩn bị kiến thức về vùng đất sắp tới, chuẩn bị kỹ năng giải quyết vấn đề có thể gặp phải trên hành trình.
“Thực tế khác xa với tưởng tượng. Không phải tất cả mọi nơi đều nguy hiểm với tất cả mọi người. Nếu bạn có một trái tim can đảm và trang bị đầy đủ cho mình kỹ-năng-đi-du-lịch thì chuyến đi đó sẽ an toàn với bạn”, thầy Bảo chia sẻ.
Anh Nguyễn Hoàng Bảo thực hiện nghi thức rửa Phật ở Yangon, Myanmar. Ảnh: NVCC.
“Vẽ chân dung người Việt” khắp thế gian
Với Nguyễn Hoàng Bảo, bề dày của những hành trình đi đến bao nhiêu quốc gia, vượt qua bao nhiêu cung đường, đỉnh núi hiểm trở, chụp được bao nhiêu bức ảnh đẹp... chẳng phải là mục tiêu lớn nhất để kể lại.
Theo anh, đó phải là hành trình trải nghiệm để thỏa nỗi khát khao chinh phục những điểm đến mới và làm đầy vốn sống của bản thân. Đến một lúc, anh nhận ra điều thôi thúc mình lên đường thực hiện hành trình đi khắp thế gian thu gọn vào một điều sẽ “vẽ chân dung người Việt” khắp 5 châu.
Từ đó, anh lên kế hoạch thực hiện dự án “Sinh ra để bước đi trong trời” - hành trình trải nghiệm ở 136 quốc gia (còn lại) trong 1.000 ngày, dự kiến sẽ được thực hiện vào mùa thu năm 2018. Hành trình sẽ bắt đầu từ những quốc gia châu Mỹ, châu Phi, châu Âu, châu Á, châu Úc và kết thúc ở châu Nam Cực.
Anh Nguyễn Hoàng Bảo cho biết, trong hành trình này, anh mong mỏi được lắng nghe đầy đủ những tâm tư, nỗi niềm của người Việt khắp năm châu. Đó sẽ là bức tranh khá toàn diện về người Việt mình trên thế giới.
Để có thể tìm kiếm, kết nối người Việt khắp năm châu, anh Bảo cho hay sẽ lập ra một kênh thông tin trên mạng để nhờ cộng đồng giúp đỡ, chia sẻ thông tin về các gia đình người Việt đang sinh sống, làm việc tại các quốc gia.
“Điều quan trọng tôi đặt ra với chính mình là phải cố gắng khai thác một câu chuyện, một khía cạnh khác nhau ở mỗi gia đình Việt để có thể khái quát bức tranh về người Việt toàn cầu.
Tôi khao khát muốn biết người Việt của mình ở những đâu trên toàn thế giới, họ đang làm gì ở đó, suy nghĩ như thế nào, có gặp trở ngại gì về cuộc sống... để tôi sẽ kể lại những điều đó với người Việt Nam trong nước”, thầy giáo Nguyễn Hoàng Bảo chia sẻ.