Với mong muốn cho sinh viên sự trải nghiệm, tìm hiểu những giá trị cội nguồn của lịch sử cách mạng, Đoàn trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đã tổ chức Hành trình về nguồn nhân kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam.
Hoạt động gặp gỡ, giao lưu với các chứng nhân lịch sử tại Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam mang lại nhiều cảm xúc cho sinh viên Đại Việt Sài Gòn |
Đi để hiểu hơn về tầm vóc, quyết tâm của một thế hệ
Chuyến hành trình về nguồn của thầy và trò Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn nhân kỉ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975- 30/4/2018) chính là cái nôi của cách mạng miền Nam- Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại tỉnh Tây Ninh.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, sau phong trào Đồng Khởi (1960), cách mạng miền Nam có bước phát triển mới. Để kịp thời lãnh đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, ngày 23/1/1961, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam (thay thế Xứ ủy Nam Bộ), đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà thường xuyên là Bộ Chính trị.
Các đồng chí lãnh đạo Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Chí Thanh, Trần Nam Trung …đã từng trực tiếp làm việc, điều khiển chiến sự từ cái nôi của cách mạng miền Nam này, Do đó các giá trị lịch sử nơi đây còn giữ lại là vô cùng to lớn đối với thế hệ trẻ sau này.
Nhận thức được tính định hướng và xây dựng tư tưởng cho thế hệ sinh viên của Căn cứ Trung ương Cục miền Nam là vô cùng to lớn nên nhiều năm nay Đoàn trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn thường xuyên tồ chức các chuyến dã ngoại, “phượt” cùng sinh viên về nơi này để sinh viên có thể trực tiếp tìm hiểu, lắng đọng và trân trọng hơn các giá trị truyền thống mà cha ông, các thế hệ đi trước đã đổ máu xương vun đắp.
Các sinh viên Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn tại Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam |
Thạc sĩ Đỗ Thành Đức- Bí thư đoàn trường Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho biết: Với hành trình trải nghiệm, về nguồn bao gồm nhiều hoạt động đan sen như: Thăm nhà truyền thống huyện Củ Chi, nghe câu chuyện lịch sử về “Người mẹ đất thép – Nguyễn Thị Rành”- người mẹ đã hi sinh 8 người con trai và 2 cháu nội, thăm và hỗ trợ cho hai cựu chiến binh Nguyễn Văn Đâu (Thị trấn Tân Biên – Tây Ninh) và Cựu chiến binh Phạm Quang Cảnh (Xã Tây Thạnh – Tân Biên – Tây Ninh), giao lưu với các chứng nhân lịch sử tại Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam…đã mang đến cho hơn 100 sinh viên của nhà trường những trải nghiệm quý giá.
“Qua các hoạt động xuyên suốt trong hành trình “phượt” từ Sài Gòn về Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, trải qua nhiều vùng đất cách mạng lịch sử, được gặp trực tiếp những con người bằng xương bằng thịt đi ra từ cuộc kháng chiến, các em không chỉ thấm hơn, hiểu hơn về giá trị của cuộc cách mạng, về những gì các em đang may mằn có ngày hôm nay.
Quan trọng hơn, chính những trải nghiệm, những bước chân trực tiếp qua những dẻo đất nơi từng là mặt trận khốc liệt của cuộc chiến chống Mỹ, các em sẽ thấy yêu hơn đất nước mình”- Thạc sĩ Đức chia sẻ.
Giá trị lớn nhất là sự trải nghiệm
Đó là điều mà hầu hết sinh viên tham gia hành trình về nguồn năm nay trả lời khi được chúng tôi hỏi.
Các em không chỉ hào hứng, hạnh phúc với những điều mình đã trải qua, thấy an yên với những điều mà mình cùng sẻ chia với các thương bệnh binh, các em học sinh nghèo, những bà mẹ Việt Nam anh hùng nơi đất thép, mà còn thấy cần phải có trách nhiệm hơn với cộng đồng, xã hội sau chuyến về nguồn.
Võ Hoàng Thu- Sinh viên Khoa Dược chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em tham gia một hoạt động trải nghiệm, một hoạt động mang tính xã hội lớn như thế này của nhà trưởng. Nó ý nghĩa và nhân ái vô cùng.
Tiến sĩ Lê Lâm-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn trao tặng nhà tình bạn cho gia đình một em học sinh |
“Em đã được học và đọc nhiều về lịch sử của Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam. Nhưng có đến, có trực tiếp nghe các anh hướng dẫn viên nói về điều kiện sống, làm việc, chiến đấu của những bậc đại tướng, quân dân Miền Nam trong những năm tháng khốc liệt của cuộc chiến chống Mỹ, em thấy mình cần phải có trách nhiệm nhiều hơn nữa với cuộc đời này. Một chuyến đi thật sự mang lại cho em rất nhiều cảm xúc”- Hoàng Thu chia sẻ.
Có chung cảm xúc như Hoàng Thu, sinh viên Phạm Thị Thu Dân cho biết: Chuyến về nguồn thực sự mang lại cho em nhiều cảm xúc, đầu tiên đó là sự biết ơn đối với sự hi sinh của thế hệ đi trước, những người đã hi sinh hoặc bỏ lại một phần cơ thể mình trên chiến trường để cho em sự bình ngày hôm nay. Bên cạnh đó em cảm thấy mình còn nợ thế hệ trước qua nhiều và tự nhủ sẽ cố gắng học tập, rèn luyện hơn nữa để xứng đáng với sự hi sinh của cha anh.
Đoàn Cán bộ, sinh viên Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn tại tượng đài chiến thắng |
Tiến sĩ Lê Lâm- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cũng nhìn nhận; Giá trị lớn nhất của chuyến hành trình về nguồn là mong muốn mang đến cho sinh viên Đại Việt Sài Gòn những trải nghiệm thật nhất, gần nhất về cuộc sống của người dân vùng căn cứ cách mạng.
Qua các hoạt động vì cộng đồng (thăm mẹ Việt Nam anh hùng, quyên góp, tặng quà cho các cựu chiến binh, tặng nhà tình thương) Đoàn trường mong muốn sẽ định hướng và xây dựng một lối sống đẹp, nhấn ái trong cộng đồng sinh viên Đại Việt Sài Gòn.