Sản phẩm học tập gây "bão mạng"
Mỗi giờ dạy văn của cô Ngô Thị Thu Giang luôn được học trò đón đợi bởi luôn có những hoạt động dạy học mới mẻ và thú vị. Khi thì cô sử dụng phương pháp đóng vai, đóng kịch, lồng tiếng cho phim để nhớ các sự việc, lời dẫn, đồng thời học sinh cảm nhận sâu sắc hơn những tâm tư, tình cảm của nhân vật. Cũng có khi cô giáo trẻ tổ chức những talk show với chủ đề học tập, trong đó học sinh được chia thành các nhóm, thực hiện các phần của nhiệm vụ bằng các hình thức đa dạng: đóng kịch, phỏng vấn, thuyết trình, trò chơi...
Những đổi mới đó được dựa trên nền tảng về học thuyết Trí thông minh đa dạng của Howard Garner mà trường Olympia luôn hướng tới và mục tiêu phát triển năng lực học tập do Bộ GD&ĐT định hướng. Hầu như tất cả đều được ghi lại trong các sáng kiến kinh nghiệm hàng năm để chia sẻ với đồng nghiệp. Những sáng kiến này của cô Giang đều được đánh giá, xếp loại A, B cấp quận; giải nhì thành phố trong các năm từ 2014 tới 2017.
Đăc biệt đáng nhớ, dưới sự hướng dẫn của côn, sản phẩm học tập của nhóm học sinh lớp 9G (khóa 2016-2017) - facebook của vua Quang Trung - được sáng tạo khi học tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí” (Ngữ văn 9) đã tạo nên một cơn bão mạng, được rất nhiều báo đài chia sẻ. Sản phẩm thể hiện sự táo bạo, đầu tư suy nghĩ trăn trở và rất thú vị của cô trò. Bài tập này cũng nhận được hàng chục nghìn like và truyền cảm hứng cho rất nhiều cho học sinh.
Trong “Cuộc thi dạy học Tích hợp liên môn” do Bộ GD&ĐT tổ chức năm 2016, bài dự thi của cô Ngô Thị Thu Giang đã đạt giải nhất quốc gia với nội dung: Thuyết minh về những bức ảnh, biểu tượng nổi tiếng trong lịch sử - chủ đề "Thân phận con người trong chiến tranh và khủng hoảng".
Trong dự án này, học sinh lớp 8 được học liên môn Ngữ văn – Lịch sử, nhìn nhận các vấn đề của lịch sử, cuộc sống trong đa diện, đa góc nhìn, thực hiện được các mục tiêu kiến thức, kĩ năng theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Các em đã lựa chọn báo cáo sản phẩm bằng một talk show thú vị với 4 phần: Vở kịch về “người mẹ di dân” (bức ảnh The Migrant Mother), màn phỏng vấn chứng nhân lịch sử “Phan Thị Kim Cúc” về kí ức chiến tranh (qua bức ảnh em bé Napal), vở kịch của một “quân nhân” trong thế chiến thứ 2 (câu chuyện của bức ảnh Wait for me daddy), một phần chia sẻ của “giáo sư sử học” về những biểu tượng nổi tiếng: hoa anh túc trong những bài thơ của Anh...
Qua đó, hiểu biết về lịch sử, văn học không còn đóng khung trong quyển sách giáo khoa, học sinh tự tìm tòi, cảm nhận và trân trọng hơn những gì đã qua, xót thương cho những số phận con người trong chiến tranh Việt Nam, khủng hoảng thế giới... và yêu mến, hướng tới giá trị hòa bình.
Cô trò Trường Olympia trong buổi trải nghiệm tại Hải Phòng |
Dự án "Lí tưởng tuổi trẻ" và hiệu quả bất ngờ của CNTT
Năm 2017-2018, cô Ngô Thị Thu Giang cùng học trò thực hiện một dự án học tập trải nghiệm – tích hợp liên môn và đạt giải nhì toàn quốc trong cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT do Microsoft tổ chức. Dự án mang tên “Lí tưởng tuổi trẻ”, tích hợp liên môn giữa Ngữ văn – Lịch sử 9, tổ chức học tập trải nghiệm tại Hải Phòng và các đầu cầu Hà Nội, Sài Gòn.
Cô Giang cho biết: Điểm bắt nguồn của dự án là những băn khoăn, trăn trở của chính những học sinh lứa tuổi 15 về hành trình cho tương lai, những khát khao, đồng thời không ít những lo lắng, cả sự chệch hướng, sa đà vào những niềm vui ngắn hạn. Các em đứng trước biết bao lựa chọn, thuận lợi nhiều mà thách thức cũng lắm.
Làm thế nào để có lí tưởng, để có mục tiêu sống đúng đắn, có giá trị? Làm thế nào để tuổi thanh xuân thực sự rực rỡ, vươn xa trong thời đại thế giới phẳng? Cô trò chúng tôi đã cùng nhau tìm hiểu về những phong cách sống vĩ đại, truyền cảm hứng như Hồ Chí Minh, Tony buổi sáng, Michell Obama, Che Nevara...; cảm nhận và xây dựng hình tượng người anh hùng trong tôi (sản phẩm nổi bật là Facebook vua Quang Trung) và cùng nhau đi lại con đường chiến đấu của những thanh niên xưa trên mảnh đất anh hùng Hải Phòng (bến tàu không số, Tràng Kênh, bảo tàng lịch sử Hải Phòng, bảo tàng hải quân, cảng Hải Phòng...). Qua đó, phần nào mục tiêu sống, lí tưởng sống của các con HS được gợi mở, ươm mầm.
CNTT đã tham gia rất nhiều vào dự án này, tạo nên những hiệu quả không ngờ. Những công cụ mới mẻ của Office 365 như One Note, One Drive được các con HS ứng dụng để lưu giữ thông tin, liên lạc, làm việc nhóm. Canva để tạo ra những poster đẹp và Sway giúp bài trình chiếu trở nên thật hiệu quả. Bên cạnh đó, các công cụ Word, Power Point... được ứng dụng hàng ngày để tạo sản phẩm.
Góp phần vào thành công của dự án này là ý tưởng của cô Nguyễn Hồng Duyên – Hiệu phó trường Olympia, đồng thời cũng là giáo viên Văn: sử dụng Skype để kết nối 3 đầu cầu Hải Phòng – Hà Nội – Sài Gòn trong hành trình trải nghiệm vào tháng 11-2016. Thế là, nhờ công nghệ mà khoảng cách được nối liền và các con cùng một lúc được trải nghiệm nhiều địa điểm lịch sử khác nhau.
Học sinh Olympia và ảnh facebook vua Quang Trung |
Đòi hỏi với người giáo viên thời đại mới
Thời đại công nghệ, mọi thứ đều thay đổi nhanh chóng, vai trò của người giáo viên cũng đã rất khác, nếu không đổi mới thầy cô rất dễ tụt hậu. Từng là học sinh Trường chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định), rèn luyện trong Trường ĐHSP Hà Nội, được giảng dạy ở môi trường hiện đại, năng động và hướng tới những giá trị giáo dục bền vững, nhân văn, cô Ngô Thị Thu Giang cho rằng, người giáo viên thời đại mới trước hết và quan trọng nhất là cần đam mê với nghề, với giáo dục.
"Giáo dục là hành trình diệu kì nhưng cũng không kém phần gian nan, thách thức. Giáo viên cần luôn giữ được ngọn lửa, tìm cách khơi dậy ngọn lửa đó ở học sinh thì mới có thể tới được thành công. Công cuộc này cần làm hàng ngày. Và “cứ đi rồi sẽ đến, cứ gõ rồi cửa sẽ mở” - cô giáo trẻ tâm sự.
Bên cạnh đó, giáo viên cần coi học sinh là trung tâm, lắng nghe những tâm sự, khó khăn từ các con. Đó chính là điểm đầu tiên của hành trình giáo dục, nơi lóe sáng những ý tưởng sáng tạo và thành công. Học sinh sẽ rất hứng thú nếu các em hiểu lợi ích của việc học xuất phát từ mình, vì mình.
Cùng một môi trường tạo điều kiện cho sự sáng tạo, đổi mới, mỗi thầy cô giáo không thể không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức, công nghệ mới. Là người làm việc với thế hệ trẻ, giáo viên hơn ai hết cần cập nhật nhanh nhạy và không ngừng cố gắng học hỏi. Học từ những diễn đàn giáo dục; từ những thầy cô đi trước; học ngoại ngữ, học phương pháp giáo dục, trau dồi chuyên môn... để có thể thích ứng với việc mọi thứ sẽ thay đổi nhanh chóng, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.