Trải nghiệm cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Đánh giá chung từ những nhà quản lý giáo dục cho thấy, giáo viên trẻ khi ra trường có ưu điểm vốn kiến thức cập nhật, khả năng vận dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học tốt, nhiệt tình trong giảng dạy, giúp đỡ học sinh... 

Trải nghiệm cho giáo viên trẻ

Tuy nhiên điều còn thiếu ở họ là kiến thức thực tế cũng như kinh nghiệm. Chính vì với nhiều sinh viên sư phạm, tìm đến với công việc gia sư từ khi còn đang học tập là cách để rèn luyện, trải nghiệm tốt nhất trước khi chính thức bước vào nghề.

Cơ hội và thách thức

Nhận xét về vấn đề sinh viên ngành sư phạm làm gia sư, thầy giáo Nguyễn Trung Phương - trường Đại Học Thủ đô Hà Nội phân tích: sinh viên sư phạm đã xác định đi làm gia sư thì hầu hết các em đều ý thức được 2 việc chính đó là: rèn nghề và kiếm thêm thu nhập. Tuy vậy, để làm tốt 2 việc này đối với sinh viên sư phạm không hề dễ. Đầu tiên phải nói đến việc rèn nghề: Trong quá trình giảng dạy sinh viên nắm bắt được tâm lý của học sinh, trau dồi vốn kiến thức và phương pháp truyền đạt kiến thức ngày một tốt hơn. Đề làm được sinh viên phải không ngừng suy nghĩ đến việc này, các bạn phải làm việc chăm chỉ để đáp ứng nhu cầu ngày một cao hơn trong việc học tập của các phụ huynh và học sinh ở các lớp học, bậc học khác nhau.

Về vấn đề thu nhập. Quá trình làm gia sư luôn đem lại những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Việc tìm lớp dạy thông qua những kênh khác nhau như bạn bè, người quen, các trung tâm gia sư… đã khó. Việc làm thế nào để duy trì lớp dạy và nhận được thù lao một cách đều đặn còn khó khăn hơn rất nhiều. Một sinh viên giỏi về kiến thức, chưa chắc đã làm hài lòng học sinh và phụ huynh. Ngược lại, một sinh viên có vốn kiến thức đủ dùng, nhưng phương pháp truyền đạt tốt, xử lý mọi tình huống một cách khéo léo nhiều khi đem lại hiệu quả cao hơn về mặt thu nhập…

Cũng theo thầy Phương, sinh viên sư phạm làm gia sư có 2 mặt của vấn đề: Tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực: Sinh viên được trải nghiệm thực tế với công việc giảng dạy, được vận dụng vốn kiến thức sẵn có trong 12 năm học phổ thông và được ôn luyện thường xuyên vốn kiến thức đó trong quá trình dạy học sinh phổ thông. Ngoài ra, sinh viên sư phạm khi làm gia sư được tiếp xúc với nhiều phụ huynh học sinh, tiếp xúc với các đối tượng học sinh khác nhau và có thêm thu nhập trang trải cho việc học tập cũng như sinh hoạt. Còn xét về mặt hạn chế: Công việc làm gia sư cũng như làm dâu trăm họ, sinh viên sẽ mất khá nhiều thời gian dành cho công việc gia sư, bởi lẽ muốn dạy tốt, tạo niềm tin cho các bậc phụ huynh thì bản thân sinh viên đó phải nghiên cứu nhiều tài liệu, nắm chắc lý thuyết, làm rất nhiều bài tập khác nhau. Như vậy, thời gian cho việc học tập trên lớp sẽ bị thu hẹp đáng kể. Bên cạnh đó còn một số yếu tố khách quan như: vốn kiến thức hạn hẹp, khả năng giao tiếp còn hạn chế, gặp những phụ huynh khắt khe, gặp những đối tượng học sinh yếu kém, học sinh không có ý thức học tập thậm chí học sinh có thái độ chống đối giáo viên cũng như chính các bậc phụ huynh, hay gặp rắc rối ngay chính quá trình tìm lớp đi dạy…

Bỏ qua và tháo gỡ được những thách thức, khó khăn thì hành trình trải nghiệm với công việc gia sư sẽ bổ trợ và giúp ích rất nhiều cho quá trình trở thành thầy giáo sau này của sinh viên sư phạm.

Trải nghiệm vào nghề

Người mẹ thứ hai
Người mẹ thứ hai 

Khi được hỏi, hầu hết các sinh viên sư phạm cho rằng với họ tham gia làm thêm gia sư ngoài mục đích kiếm thêm về kinh tế thì đây là cơ hội tốt để có thể củng cố, đào sâu kiến thức nghề nghiệp mình đang học cũng như rèn luyện bản năng, bản lĩnh khi đứng trước học sinh.

Nguyễn Hoàng Minh – Sinh viên năm thứ 3 trường một trường sư phạm cho biết: Em đến với công việc gia sư từ cuối năm thứ nhất. Mục đích kiếm tiền không đặt lên hàng đầu mà điều quan trọng là em được rèn luyện nghề nghiệp và buộc bản thân phải tự nghiên cứu thêm để thích ứng kịp thời với đòi hỏi kiến thức công việc. Năm đầu tiên làm gia sư Minh thường nhờ trung tâm gia sư nhận rèn cho những học sinh lớp 1, 2 vì ở khối lớp này kiến thức còn đơn giản, điều quan trọng là luyện cho các em đúng phương pháp học tập, làm sao để các em thấy niềm vui trong học tập từ đó không sợ học, thích học. Sang năm thứ 2-3, cũng là thời điểm Minh được học tập về kiến thức, và chuyên ngành sư phạm nhiều hơn nên thử thách mình bằng cách nhận kèm học sinh lớp 4 – 5. Theo Minh đây là lứa tuổi khó hơn cả về kiến thức chương trình học lẫn đặc thù lứa tuổi. Làm gia sư cho học sinh ở các trình độ khác nhau ở khối cấp 1 không khó về kiến thức nhưng với đặc thù lứa tuổi của mỗi học sinh, trình độ học khác nhau buộc Minh phải khéo léo tìm ra những phương pháp truyền tải thích hợp nhất. Tuy vậy, Minh cũng không phủ nhận, nhiều khi trong thực tế gặp những bài tập khó bản thân chưa tìm ra cách giảng giải cho học sinh thì Minh sẽ mang về nghiên cứu, trao đổi lại cùng thầy cô trên lớp trong quá trình học tập. Việc trao đổi này một lần nữa giúp Minh thêm vững vàng, tự tin hơn khi đứng lớp trong tương lai.

Còn Nguyễn Long – Vừa tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Sinh viên các trường Sư phạm thường được các Trung tâm gia sư, bố mẹ tin tưởng lựa chọn hơn trong quá trình tìm gia sư cho con. Điều đó dễ hiểu bởi sinh viên các trường Sư phạm không những được đào tạo về kiến thức mà còn cả về phương pháp, tâm lý giáo dục. Bản thân Long cũng cho rằng, tham gia vào công việc gia sư có nhiều hữu ích. Một mặt các em có thêm kinh tế để trang trải ăn học, mặt khác quan trọng hơn cả sẽ cho các em cơ hội cọ sát thực tế trước khi vào nghề chính thức...

Có thể thấy, mỗi một bài giảng mà sinh viên sư phạm giảng dạy cho học sinh cũng là một lần giúp các em được củng cố lại kiến thức của mình. Quá trình tìm tòi bài tập, nghiên cứu và soạn đề bài cho các buổi dạy sao cho phù hợp với chương trình trên lớp, với trình độ người học cũng như quá trình soạn giáo án khi vào nghề… như sự chuẩn bị cho chính bản thân mình khi vào nghề. Vì vậy, với nhiều sinh viên khi đã trải qua quá trình làm gia sư trong 4 năm liên tiếp khi đứng lớp chính thức đã giúp họ trở thành những sinh viên vững vàng về tâm lý, tự tin về kiến thức. Điều đó giúp em thêm yêu nghề và quyết tâm theo con đường mình đã chọn.

Sinh viên Sư phạm làm gia sư là điều không mới lạ. Đây cũng bước đệm cần thiết để các em trải nghiệm lại kiến thức được học trên ghế nhà trường đồng thời rèn luyện bản lĩnh, tích lũy kinh nghiệm thực tế cho mai sau. Hành trình trải nghiệm nghề nghiệp của sinh viên ngành sư phạm cần thiết song cũng đồng hành với nhiều khó khăn thách thức buộc các em phải kiên tâm, yêu nghề mới có thể vững vàng trải qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ