Thầy giáo trẻ và những giờ học ngoại khóa sinh động

GD&TĐ - Thầy Lý Hoàng Luân (sinh năm 1994) tốt nghiệp ngành Sư phạm Lịch sử tại Trường ĐH Cần Thơ. Tháng 8/2016, khi Trường THPT Võ Văn Kiệt (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) vừa thành lập, thầy Luân là một trong những giáo viên 9X đầu tiên đứng lớp, năng nổ trong việc phát triển phong trào đoàn thể của nhà trường.

Thầy Lý Hoàng Luân
Thầy Lý Hoàng Luân

Vững chuyên môn

Trường THPT Võ Văn Kiệt buổi đầu thành lập còn nhiều khó khăn nên thầy Luân phải làm công tác chủ nhiệm và kiêm nhiệm vai trò Bí thư Đoàn trường song song với việc quản lý ký túc xá. Nhận trách nhiệm quản lý các khối lớp, chăm lo phong trào, nhưng thầy vẫn chuyên tâm về chuyên môn với quan niệm môn học nào cũng có giá trị, chẳng hạn như môn Lịch sử.

Muốn dạy tốt môn này phải tập trung vào kiến thức trọng tâm và đổi mới phương pháp sư phạm. Trong bài học về chiến thắng Bạch Đằng, thầy sắp xếp lại bàn ghế lớp học, lấy không gian lớp học tái hiện trận địa. Nền gạch trở thành lòng sông Bạch Đằng. Học sinh đóng vai tướng lĩnh tham mưu, đề xuất ý tưởng cài cắm bãi cọc và bố trí chiến thuyền mai phục.

Những bài học tái hiện lịch sử như vậy giúp các em chủ động kiến tạo và hăng hái tham gia bài giảng.

Tận dụng buổi sinh hoạt dưới cờ, thầy Luân “chiêu mộ” đội văn nghệ, tự cải biên các vở cải lương lịch sử thành kịch nói, chuyển thể các bộ phim của nền điện ảnh cách mạng thành diễn xuất sân khấu, cho học sinh trình diễn các chủ đề trong sách lịch sử. Là một giáo viên trẻ nên không chỉ đứng ngoài chỉ đạo diễn xuất, thầy còn “lăn xả” đóng các vai trong chương trình, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa, làm gương cho các em học sinh. Ngoài ra, thầy còn mong muốn các em có tư duy lịch sử sắc bén và thực tế, chứ không phải học thuộc lòng.

Hằng năm, thầy cùng Đoàn trường tổ chức nhiều đợt tham quan các di tích và đền thờ danh nhân lịch sử trên địa bàn tỉnh. Thầy còn nhờ những bậc cao niên gìn giữ di tích kể lại truyền thống và thầy cũng trở thành hướng dẫn viên. “Chúng tôi vừa mới thực hiện chuyến đi bộ tham quan đình thần Nguyễn Trung Trực trên địa bàn TP Rạch Giá. Qua đó, tôi muốn nhắc nhở các em rằng, cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta ở thế kỷ 19 không chỉ ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, mà tại Nam Kỳ cũng không kém phần quyết liệt” - thầy Luân chia sẻ.

Chương trình “Giờ ra chơi làm gì?” của nhà trường

Chương trình “Giờ ra chơi làm gì?” của nhà trường

Sáng tạo trong hoạt động học tập trải nghiệm

Để xây dựng “trường học thân thiện” theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, thầy Luân tham mưu ban lãnh đạo nhà trường thực hiện sáng kiến “Giờ ra chơi làm gì?”. Theo đó, Đoàn trường đã tổ chức các trò chơi dân gian quen thuộc cho học sinh như: Múa sạp, nhảy dây, ô ăn quan, cò chẹp, tạt lon... “Những trò chơi dân gian này quen thuộc, gần gũi với rất nhiều thế hệ trẻ em. Chúng tôi mong muốn tạo ra một giờ ra chơi bổ ích lý thú, một sân chơi lành mạnh sau những giờ học căng thẳng, hiện thực hóa chủ trương trường học thân thiện”, thầy Luân nói.

Nhận thấy khuôn viên nhà trường hạn chế trong việc giúp học sinh học tập trải nghiệm, thầy Luân đã phối hợp với tổ chức Đoàn các cấp, khảo sát và nghiên cứu khuôn viên của công viên An Hòa nằm tiếp giáp ngoại ô thành phố. Đây là công viên sở hữu diện tích lớn nhất tỉnh Kiên Giang do Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên quản lý, có những địa hình tự nhiên phù hợp để tổ chức các hoạt động điền dã. Thầy Luân cùng các thầy cô giáo trẻ trong Chi đoàn, các học sinh tiến hành cải tạo khu vực đất trống thành sân chơi lớn cho hàng trăm học sinh nhà trường.

Đầu tiên, họ bỏ ra hơn một tháng đào một hồ có diện tích khoảng 200m2, độ sâu hơn 1,2m. Sau đó, thầy Luân chỉ huy từng nhóm thu gom và sử dụng các vật liệu tái chế làm trại dã chiến và các chướng ngại, vật giả định.

“Đích thân các thầy cô viết kịch bản chương trình học tập trải nghiệm, mỗi chương trình có những điểm nhấn khác nhau. Trước mắt, chương trình học tập trải nghiệm sẽ làm mỗi năm một lần. Sau đó, nếu huy động đủ nguồn lực và được sự đồng thuận của phụ huynh thì sẽ tổ chức thường xuyên hơn”, thầy Lý Hoàng Luân cho biết.

Chương trình học tập trải nghiệm do thầy Luân và các thầy cô trẻ đề xuất thường diễn ra trong một ngày cuối tuần, trước mắt là thí điểm cho học sinh các lớp 10 - 12. (Trường THPT Võ Văn Kiệt dạy cả cấp THCS). Các thầy cô bơm nước vào hồ được đào sẵn và tổ chức trò chơi tái hiện các trận thủy chiến quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Mặc dù hồ chỉ sâu 1,2m nhưng học sinh tham gia đóng vai đều được trang bị áo phao đầy đủ. Công năng của hồ còn được tận dụng để dạy bơi.

Ngoài ra, ở các địa hình đã tạo dựng sẵn, thầy cô tổ chức cho học sinh chơi đánh trận giả hoặc chơi trò đi tìm mật thư mà thử thách là những câu hỏi liên quan đến lịch sử. “Chương trình trải nghiệm còn có hoạt động đào hố cá nhân, đào hố làm cạm bẫy để giúp học sinh hình dung về giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhân dân ta đã xây dựng địa đạo như thế nào. Tổ chức chiến tranh du kích ra sao. Thông qua đó, chúng tôi còn giúp các em tiếp cận mảng kiến thức về an ninh quốc phòng”, thầy Luân nói.

Riêng các học sinh từ lớp 6 - 9, các thầy cô thiết kế chương trình dã ngoại riêng, giúp các em tiếp cận với nông nghiệp địa phương, quan sát mô hình trồng lúa, nuôi tôm và trải nghiệm công việc của người nông dân.

Để chương trình học tập trải nghiệm có chiều sâu, thầy Luân còn đề xuất tổ chức thêm những buổi tọa đàm với những chủ đề xã hội khác nhau, mời các chuyên gia trong lĩnh vực đó đến nói chuyện. Các chủ đề được tổ chức thành công có thể kể như kỹ năng giao tiếp, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, tâm lý học đường…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.