Robot với tính năng vừa có thể sạ lúa, xịt thuốc, bón phân, vận hành bằng năng lượng mặt trời, góp phần giảm chi phí thuê nhân công và tiết kiệm trong sản xuất.
Giúp nhà nông đỡ vất vả
Lớn lên từ đồng ruộng, hơn ai hết, thầy Trần Trung Hiếu hiểu được những khó khăn, nhọc nhằn của người nông dân khi làm lúa. Đặc biệt ở khâu gieo sạ, phun xịt thuốc và bón phân. Chính vì vậy, hè năm 2015, thầy giáo Hiếu đã tự mày mò nghiên cứu để chế tạo máy đa năng giải phóng sức lao động con người.
Nghĩ là làm, thầy Hiếu miệt mài với ý tưởng của mình, hằng ngày tỉ mẩn tháo lắp những chi tiết rồi gò hàn, lắp ráp theo ý tưởng. Nhờ chịu khó học hỏi anh đã cho ra đời bình xịt sử dụng năng lượng mặt trời.
Nhận thấy bình xịt chỉ hiệu quả trên diện tích canh tác vừa và nhỏ nên anh Hiếu tiếp tục bắt tay nghiên cứu chế tạo robot nông nghiệp. Năm 2017, chiếc máy ra đời sau nhiều lần thất bại, với nhiều chức năng, đạt năng suất lao động cao hơn, bảo vệ sức khỏe cho nông dân.
Chiếc máy đa năng này hoạt động nhờ tấm pin năng lượng mặt trời tích trữ vào ắc quy. Vì vậy vào sáng sớm, người dân chỉ cần mang máy ra xịt không cần mua xăng hay bất kỳ nhiên liệu nào. Mặc khác, với hệ thống tích điện, xe có thể hoạt động 2 - 3 giờ đồng hồ mà không cần sử dụng ánh nắng trực tiếp.
Bên cạnh đó, chiếc máy này có thể phun liên tiếp 8 bình, tiết kiệm một nửa lượng thuốc trừ sâu so với máy phun động cơ thường nhờ chiếc cần xịt dài từ 10 - 15m và chiếc bồn xịt có thể lên đến 150 lít.
Với tính năng “3 trong 1” độc đáo, chiếc máy này có thể vừa sạ lúa vừa bón phân và chỉ cần tháo cần xịt, đổ lúa hoặc phân bón vào bồn chứa là có thể vận hành trên cùng một chiếc máy.
“Khi chiếc xe 3 tính năng trong một này vận hành, nhà nông sẽ giảm được chi phí trong sản xuất từ 10 - 15%. Thứ nhất, không tốn chi phí mua xăng dầu chạy máy như trước. Thứ hai, máy hoạt động bình thường đạt khoảng 150 - 170 công/ngày, khả năng hoạt động rất đều.
Thông thường, khi người nông dân trực tiếp mang bình phun thuốc bảo vệ thực vật 1 công cần 2 bình, còn với xe robot này thì chỉ cần 1,5 bình…”, anh Hiếu cho biết.
Kỹ sư “bất đắc dĩ”
Theo chia sẻ của thầy giáo Trần Trung Hiếu, bản thân không được đào tạo qua trường lớp chính quy nào từ ngành cơ khí hay chế tạo máy nhưng với mong mỏi giúp đỡ cha mình cùng với nhiều nông dân bớt vất vả hơn trên đồng ruộng nên thầy giáo trẻ đã trở thành kỹ sư “bất đắc dĩ”.
Bản thân anh đã cần mẫn chế tạo thành công chiếc máy nông nghiệp đa năng sử dụng năng lượng mặt trời khiến nhiều người mơ ước và thán phục.
Theo anh Hiếu, để sản xuất một vụ lúa, thông thường người nông dân phải trải qua 3 công đoạn: Sạ lúa, bón 4 cữ phân và phun ít nhất 7 cữ thuốc. Với 10 công đất lúa (10.000m2), mỗi công đoạn phải sử dụng ít nhất 4 nhân công lao động làm trong nhiều giờ liên tục.
Thực trạng này khiến nhiều nông dân ngao ngán. Thế nhưng, với chiếc máy nông nghiệp đa năng này, chỉ mất 6 tiếng để hoàn thành với diện tích lên đến 200 công (200.000m2); Đồng thời, rất an toàn và thân thiện với người dùng.
Ông Nguyễn Văn Đức (45 tuổi, ngụ xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, An Giang), cho biết: “Như đất của tôi xịt mỗi một lần 50 - 60 bình thuốc, thông thường thuê người với giá 10 - 12 nghìn đồng/bình, bón phân 50.000 đồng/công (1.000m2).
Khi sử dụng máy robot của thầy Hiếu với 3 tính năng nên nhà nông đỡ vất vả hơn, chi phí thuê mướn nhân công giảm đáng kể. Đặc biệt là việc sạ lúa, xịt thuốc, bón phân đều do máy vận hành nên nhà nông bảo đảm sức khỏe, tránh tiếp xúc trực tiếp với phân, thuốc hóa học”.
Mặc dù, chưa được đưa vào áp dụng rộng rãi trên đồng ruộng, hiện chỉ dừng lại ở việc vận hành thí điểm nhưng có thể thấy, với tính năng nổi trội vừa có thể sạ lúa, xịt thuốc, bón phân, sử dụng năng lượng mặt để vận hành, chiếc máy góp phần làm giảm chi phí thuê mướn nhân công và tiết kiệm chi phí trong sản xuất.
Dù là kỹ sư “bất đắc dĩ” nhưng thầy Trần Trung Hiếu đã sở hữu giải Nhì cuộc thi “Khởi nghiệp đồng bằng sông Cửu Long” năm 2017 và giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh năm 2016 - 2017.