Thú vị website “Học Sử để bất tử” của thầy giáo 9x

GD&TĐ - Khi làm ứng viên được phỏng vấn vào vị trí GV dạy Lịch sử của Trường THPT FPT, thầy giáo trẻ Nguyễn Đăng Tuyên (sinh năm 1994), đã cho rằng điều cần thiết nhất của giáo viên dạy Sử là “sự sáng tạo”. 

Thầy Tuyên (áo trắng) cùng học sinh Trường THPT FPT. Ảnh nhân vật cung cấp.
Thầy Tuyên (áo trắng) cùng học sinh Trường THPT FPT. Ảnh nhân vật cung cấp.

Có lẽ vì lý do ấy mà dù thời gian giảng dạy chưa lâu, thầy Tuyên không ngừng nỗ lực tìm phương pháp mới để HS tiếp nhận lịch sử dễ dàng hơn và website “Học Sử để bất tử” đã ra đời từ ý tưởng đó.

Dạy Sử mọi lúc mọi nơi

Website “Học Sử để bất tử” là sản phẩm của luận văn mà Nguyễn Đăng Tuyên đang hoàn thiện tại ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia HN.

Khi lựa chọn đề tài, Tuyên được giảng viên hướng dẫn là TS Hoàng Thanh Tú định hướng một số đề tài trong đó có chủ đề vận dụng CNTT trong dạy học Lịch sử. Hai cô trò đã cùng thảo luận để chốt tên đề tài là “Vận dụng mô hình dạy học kết hợp (Blended Learning) trong môn Lịch sử ở Trường THPT FPT – Hà Nội”.

Đây là mô hình dạy học kết hợp cả hình thức dạy học truyền thống (face to face) và dạy học trực tuyến, mô hình này phù hợp với thời đại 4.0 đang phát triển mạnh.

Khi lập website, Tuyên cũng muốn HS có thêm trải nghiệm mới về hình thức học môn Lịch sử. Theo truyền thống, GV và HS sẽ có 45 phút làm việc face to face và khi hồi chuông hết giờ reo lên thì mọi nội dung kiến thức chìm dần xuống.

Việc ứng dụng CNTT trong dạy học theo mô hình Blended Learning sẽ giúp cho thời lượng của tiết học được kéo dài hơn, bởi GV và HS sẽ tiếp tục tương tác sau giờ học.

Không gian học tập cũng được mở rộng hơn không chỉ ở trong phòng học với bốn bức tường hay ở trường mà cả GV và HS đều có thể kết nối trực tuyến qua mạng, cùng kết nối với nguồn tài liệu mở, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực để lĩnh hội thêm nhiều tri thức, kĩ năng trong quá trình học tập.

Mô hình dạy học kết nối (Blended Learning) cũng tạo một không gian cho phụ huynh kết nối, chia sẻ với HS và GV. Sự tương tác này rất phù hợp với thời đại 4.0, bởi có sự tham gia của cả GV, HS và phụ huynh vào quá trình giáo dục. Khi sử dụng

Website học tập này, sự tương tác giữa GV và HS sẽ được mở rộng hơn về không gian và thời gian; phụ huynh và các đối tượng giáo dục khác cũng có thể tham gia vào bài học của HS với vai trò là người hỗ trợ, hướng dẫn... Website này cũng khắc phục vấn đề thiếu thời gian trong các tiết học ở trên lớp.

Nói là vậy nhưng trong quá trình thực hiện, thầy Tuyên đã gặp không ít khó khăn bởi hệ thống tư liệu video clip, bài viết trực tuyến, có uy tín… còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của GV và HS trong quá trình nghiên cứu và học tập.

Hơn nữa, việc quản lý lớp học cả trên lớp và ở nhà đều mắc phải một số khó khăn như: Khi HS ở nhà, điều kiện mạng Internet không bảo đảm, sự tương tác giữ GV và HS bị gián đoạn, mất liên lạc; Việc chấm bài, chữa bài và hỗ trợ HS cũng theo đó bị ảnh hưởng.

“Vì không phải người chuyên về công nghệ nên tôi cũng phải loay hoay suốt cả ngày. Đến nay, sau khi triển khai được hơn 3 tháng, tôi thấy còn rất nhiều điều cần phải tiếp tục hoàn thiện nhưng bước đầu cho thấy các em HS thích thú, đó là động lực để tôi hoàn thiện website ý nghĩa này”, thầy Tuyên cho biết.

Thầy giáo trẻ Nguyễn Đăng Tuyên.
Thầy giáo trẻ Nguyễn Đăng Tuyên.

Không từ bỏ

Trên website mà thầy Tuyên xây dựng, GV đóng vai trò rất quan trọng trong việc hiểu và điều hành bài học. Trước hết, để làm chủ CNTT, GV phải liên tục tìm tòi, học tập cả về ngoại ngữ và công nghệ. Đây là hai yếu tố quyết định để tạo nên người thầy công nghệ.

với đó, GV phải vững vàng chuyên môn và thường xuyên sáng tạo. Theo đó, quy trình triển khai bài học sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp với nội dung, nhiệm vụ từng bài học song cơ bản gồm 3 bước: Trước khi lên lớp, trong giờ học và sau giờ học.

Trước khi lên lớp, HS nghiên cứu video, bài viết... dưới sự định hướng của GV nhằm chuẩn bị cho bài học mới; Trong giờ học trên lớp, GV hướng dẫn HS khái quát nội dung bài học và giao nhiệm vụ học tập và hỗ trợ HS. HS lĩnh hội kiến thức thông qua các hoạt động thực hiện nhiệm vụ; Còn sau giờ học, HS hoàn thành nhiệm vụ và nộp sản phẩm, báo cáo, đánh giá sản phẩm.

Qua quá trình đưa vào thử nghiệm chương trình này, HS của Trường THPT FPT vô cùng thích thú và thấy dễ tiếp thu hơn cách học Lịch sử truyền thống. Hiện tại, số bài học được triển khai trên website mới chỉ mang tính thí điểm và được dùng cho HS lớp 10 mà thầy Tuyên đang giảng dạy.

Thầy Tuyên cho biết: “Trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để chọn những ứng dụng công nghệ phù hợp, đưa ra các nhiệm vụ sinh động, sáng tạo để hoàn thiện các bài học và đưa lên website.

Tôi mong rằng khi chọn hình thức website trong việc học sẽ nâng cao hiệu quả học tập bộ môn, giúp HS được trải nghiệm nhiều mô hình học tập nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ”.

Là một giáo viên trẻ, thầy Tuyên từng đạt giải HS chuyên Sử Trường THPT Sơn Tây, giải Nhì cấp TP Hà Nội và là Chủ nhiệm CLB Nghiệp vụ Sư phạm khoa Lịch sử, Trường ĐHSP Hà Nội 2.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ