Thành công là một con đường

GD&TĐ - Ai cũng khao khát thành công, nhưng không phải ai cũng có thành công trong tay. Và rất nhiều người chỉ nghĩ đến ý muốn thành công mà còn ngại nói ra nó. Như thế thì bạn đã tự tạo một rào chắn mình đi tới thành công. Vậy thì, thành công có khó không? Và làm thế nào để có thành công ngay bây giờ?

Thành công là một con đường

Trước tiên, ta cần tư duy lại về thành công. Thành công là điều mà bất cứ ai cũng có thể học được. Nhưng thành công không là đích đến, mà là một con đường.

Vậy thì, khi bạn muốn thành công, bạn hãy bắt đầu đi trên con đường thành công đó ngay lập tức. Bạn hãy tưởng tượng mình là người thành công, mình có tư duy của một người thành công, hành động và sống là người thành công.

Bạn sẽ thấy sự thay đổi kỳ diệu sẽ diễn ra nhanh chóng. Bạn sẽ ngạc nhiên khi hiểu ra rằng, bạn không phải chờ đợi 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn thế nữa để thưởng thức cuộc sống của một người thành công khi bạn đạt được đích đến.

Bạn có thể thưởng thức cuộc sống của người thành công ngay lúc này, trên con đường bạn tiến tới mục tiêu thành công. Ngạc nhiên hơn nữa, khi bạn sống cuộc sống của người thành công, thì lực hấp dẫn sẽ đưa đến cho bạn những điều lớn lao hơn nữa.

Lý Hà Thu - Chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp
Lý Hà Thu  - Chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp

Có một câu nói rất hay, rằng “Sinh ra trong nghèo khó không phải là lỗi của bạn. Nhưng chết đi trong nghèo khó thì chính là lỗi của bạn.”

Khi đã sinh ra trên đời này rồi, bạn đừng phí hoài cuộc sống mà bạn biết chắc rằng chỉ diễn ra một lần duy nhất ấy. Hãy lựa chọn thành công, thay vì một cuộc sống nhàn nhạt, bàng bạc trôi đi không để lại thành tựu gì ý nghĩa.

Người thành công là người luôn trẻ trung và tràn đầy sinh lực. Tuổi tác chỉ hoàn toàn là một con số mà thôi. Người trẻ luôn học, người già ngừng học.

Nếu bạn 18 tuổi mà bạn ngừng học vì nghĩ là mình đã học đủ rồi, thì bạn cũng giống như người đã 81 tuổi. Ngược lại, một người 81 tuổi nhưng vẫn tiếp tục học để đổi mới mình, hoàn thiện mình hơn thì vẫn trẻ trung như người 18 tuổi.

Có một công thức thất bại nhanh nhất trong cuộc đời, đó là 3 chữ “Tôi biết rồi!”. Những người thường nói câu đó, giống như cốc nước đầy, không thể rót thêm vào một giọt nào nữa. Và họ cứ sống như vậy, không bao giờ thay đổi vì không thể tiếp nhận thêm điều gì.

Trong khi bản chất của cuộc sống là luôn luôn thay đổi, ở ngoài kia có biết bao điều mới mẻ, thú vị đang diễn ra, và “cốc nước đầy” không bao giờ có thể tận hưởng được những điều hay ho ấy.

Vậy thì, bạn hãy chịu nghiêng mình đổ bớt nước đi, để sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu kiến thức mới, cập nhật liên tục những phát minh kỳ diệu, học hỏi không ngừng để làm giàu cho mình, để sống phong phú hơn.

Cái cốc giống như con người vậy, và nước là thông tin, hãy tưởng tượng cảnh rót nước, khi muốn đón được dòng nước thì phải nâng cốc lên hứng trọn vẹn. Người luôn muốn tiếp thu kiến thức mới sẽ luôn tự nâng mình lên cao mãi, gắn kết mình với những người giỏi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn.

Vì vậy, thay vì phẩy tay và nói “Tôi biết rồi!” và bỏ đi, thì bạn hãy tự hỏi “Có điều gì thú vị ở đây nhỉ?” và dừng lại lắng nghe, trao đổi, chia sẻ kiến thức và học hỏi lẫn nhau, để thay đổi và hành động.

Muốn đi trên con đường thành công, bạn hãy kiên quyết từ bỏ thói quen đổ lỗi. Đi làm muộn, bạn đổ tại tắc đường, tại con quấy khóc, tại xe trục trặc… Bạn luôn tìm lý do bên ngoài mình để bào chữa cho việc mình không làm được, việc mình làm hỏng, làm sai.

Thói quen kêu ca, phàn nàn và đổ lỗi cho những thứ bên ngoài mình là do được hình thành từ bé. Khi chúng ta lẫm chẫm biết đi, chúng ta bị ngã, vập mặt xuống đất, hoặc vào bàn, lập tức ông bà, hay bố mẹ chúng ta dạy chúng ta đánh chừa đất, đánh chừa cái bàn để dỗ ta nín.

Điều đó khiến ta hình thành thói quen dẫn chúng ta đến thất bại, đó là luôn tìm cách đổ lỗi cho những thứ ngoài mình khi sự việc xảy ra không theo ý muốn. Vậy thì, bây giờ, việc đầu tiên cần thay đổi khi ta dạy con, đó là hãy xin lỗi đất, xin lỗi cái bàn vì con ta đã va phải đó.

Ông bà chúng ta còn có câu nói rất hay rằng, “Việc mình mình chịu, kêu mà ai thương”. Chúng ta cần tu rèn ý thức dám làm, dám chịu trách nhiệm với việc mình làm, để đi trên con đường thành công.

Trước bất cứ sự việc, hiện tượng gì, thay vì phàn nàn, tìm nguyên nhân để quy kết và đổ lỗi, bạn hãy tìm giải pháp. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng người quan tâm đến giải pháp không nhiều, vì thế mà cũng không nhiều người có thể đi trên con đường thành công. Người quan tâm đến giải pháp luôn là người chiến thắng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ