Tạm biệt Huế-tạm biệt Festival

Tạm biệt Huế-tạm biệt Festival

(GD&TĐ) - “… Huế ơi, tạm biệt nhau mà trong lòng còn Huế… Anh trở về hóa đá phía bên tê”. Những lời ca ấy vang lên trong buổi kết thúc Festival Huế 2012 làm xúc động công chúng. Cuộc hội ngộ nào rồi cũng đến lúc phải chia li. Sau 9 ngày hội tụ và tỏa sáng, các đoàn nghệ thuật, diễn viên của gần 30 nước trên thế giới phải tạm biệt Huế.

Màn múa hát “Tạm biệt Huế”, hẹn gặp lại ở Festival Huế 2014
Màn múa hát “Tạm biệt Huế”, hẹn gặp lại ở Festival Huế 2014

Đêm cuối “bữa tiệc” chia li

Đêm 15/4 tại Kỳ đài Phu Văn Lâu trước mặt kinh thành Huế cổ kính, bên cạnh dòng Hương giang thơ mộng diễn ra chương trình bế mạc khép lại một Festival Huế được đánh giá là hoành tráng, hiệu quả và ấn tượng nhất từ trước đến nay. Sân khấu được tận dụng từ bờ thành Huế tựa lưng vào Kỳ đài Huế, một phần nổi trên mặt nước được trang hoàng lộng lẫy, đầy sắc màu. Những bông hoa sen tươi sắc khiến khung cảnh càng lung linh, huyền ảo.

Múa, hát bài “Bài ca thống nhất” trong đêm bế mạc
Múa, hát bài “Bài ca thống nhất” trong đêm bế mạc

 Tiết mục hòa tấu trống “Vang mãi ngàn năm” mở đầu cho chương trình nghệ thuật tổng hợp mang chủ đề “Nhịp thở sông Hương” trong đêm hội. Dù không còn “của để dành”, nhưng gần ba vạn khán giả, du khách trong và ngoài nước đã nô nức đến với đêm diễn cuối cùng của Festival Huế 2012. Chương trình có nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc của các đoàn nghệ thuật trong nước và các đoàn nghệ thuật đến từ các nước: Trung Quốc, Nga, ấn Độ, Cu Ba… Chương trình liền mạch như kể về đời thực, bắt đầu từ lúc hội ngộ đến buổi phân ly, bắt đầu từ màn múa hát “Vũ hội xuân” khỏe khoắn, trẻ trung; “Nhịp thở sông Hương” lắng đọng, tha thiết; “Múa sen” thắm đượm, uyển chuyển; “Xinh tươi Việt Nam”, “Bài ca thống nhất” cho đến các tiết mục xiếc, múa, hát đặc sắc của các đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ nước ngoài và đến “Thương về xứ Huế” và cuối cùng là “Tạm biệt Huế”, hẹn gặp lại ở Festival Huế 2014. 

Múa, hát bài “Bài ca thống nhất” trong đêm bế mạc
Tiết mục múa “Hương quê”

Màn pháo hoa rực sáng trên bầu trời cuối chương trình là lời chào tạm biệt Festival Huế 2012 đồng thời thể hiện của một mùa lễ hội thành công. Đêm diễn đã kết thúc những nhiều khán giả vẫn dùng dằng chưa muốn về. Khi đèn sân khấu vụt tắt, mọi người mới lặng lẽ ra về mà trong lòng ngổn ngang, tiếc nuối khó tả.

Tiết mục xiếc của đoàn Mông Cổ
Tiết mục xiếc của đoàn Mông Cổ

“Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay” 

Vẫn là cố đô Huế thơ mộng, yên bình và đầy ẩn hiện nhưng hôm nay sao có vẻ buồn, từ cảnh vật đến con người. Cái buồn thực bởi không còn những tiết mục, chương trình lễ hội sôi động, ấn tượng, quyến rũ nữa. Phải nói rằng, Festival Huế lần này là một đại tiệc văn hóa mà ban tổ chức, các đơn vị tham gia đã hết lòng phô diễn, đãi ngộ công chúng. Còn nỗi buồn trong lòng chắc còn lớn hơn. Có lẽ trong, sau ngày 15/4/2012 ở đâu đó sẽ có những giọt nước mắt của những người làm tổ chức, giữa những nghệ sĩ, diễn viên, giữa những người dân với du khách trong và ngoài nước. Tạm biệt với Festival Huế để chúng ta tiếp tục hòa mình vào Năm Du lịch Quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ với những chương trình, lễ hội đặc sắc của các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đã và đang diễn ra đến cuối năm nay. 

Những cô gái Ấn Độ quyến rũ
Những cô gái Ấn Độ quyến rũ

Công chúng, du khách tạm chia tay với những màn biểu diễn sôi động, cuồng nhiệt của các thổ dân Úc; nhịp trống đầy ngẫu hứng của đoàn nghệ thuật Batiholic (Nhật Bản); vũ điệu thướt tha của thể hiện sự giao hòa với mùa xuân, với đất trời của đoàn nghệ thuật Gaguk (Hàn Quốc); những “chàng lính ngự lâm” hùng dũng tấu kèn jazz rộn rã, náo nhiệt của đoàn Jazz Compoo (Pháp); những điệu múa uyển chuyển, thướt tha làm say lòng người của các chàng trai, cô gái Philipin... Tất cả đã hội tụ, thể hiện mình và cùng tỏa sáng để “Ngàn năm vang mãi” như là lời nhắn gửi của ban tổ chức, của con người Việt Nam đến du khách, bạn bè quốc tế.

Nâng tầm văn hóa Việt Nam

Có lẽ chưa bao giờ những người làm công tác tổ chức Festival Huế, ngành du lịch lại vui như lần này. Bởi ngay từ những ngày đầu, mọi điều đã diễn ra như mong đợi và thu được những thành quả to lớn. Mục đích cuối cùng của Festival Huế là du lịch. Và lần này có lẽ ngành du lịch Thừa Thiên – Huế đã được một mùa bội thu, thành công rực rỡ. Festival Huế lần này hoành tráng, hấp dẫn hứa hẹn phát huy hiệu quả - là “cú hích” để thu hút du lịch, phát triển văn hóa. Lượng khách ngày càng đông, lưu trú dài ngày và càng yêu mến hơn cảnh đẹp và con người xứ Huế. Nguyên nhân ấy là do những người làm công tác du lịch và người dân Huế đã biết ứng xử tốt, có văn hóa đối với các di sản văn hóa, với du khách, bạn bè quốc tế. Và có thể khẳng định, Festival Huế ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, quy mô và chất lượng, tạo được uy tín. 

Những chàng trai, cô gái Philipin đem đến Festival Huế lần này những màn múa độc đáo, thu hút công chúng
Những chàng trai, cô gái Philipin đem đến Festival Huế lần này những màn múa độc đáo, thu hút công chúng

Các chương trình nghệ thuật có sự mới lạ, độc đáo, từ thành thị đến nông thôn, miền núi, từ Đại nội, khách sạn đến bệnh viện, đường phố… đều tràn ngập không khí lễ hội và thu hút đông đảo công chúng, du khách. Ông Ngô Hòa, phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, trưởng Ban tổ chức Festival Huế 2012 khẳng định: “Festival văn hóa nghệ thuật năm nay thật sự đẳng cấp. Đó là hàng loạt các chương trình nghệ thuật quy mô, độc đáo, mới lạ của nhiều đoàn nghệ thuật lớn, của các nghệ sĩ nổi tiếng ở cả trong và ngoài nước”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong đêm dự khai mạc Festival Huế 2012 đã đánh giá cao vai trò của Thừa Thiên - Huế trong việc chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước huy động nhiều nguồn lực để tổ chức thành công liên tiếp các kỳ Festival và yêu cầu địa phương này phát huy tốt nhất mọi lợi thế, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ, hợp tác của bạn bè cả trong và ngoài nước, khắc phục khó khăn, vướng mắc để từng bước xây dựng, khẳng định thành phố Festival Huế mang tầm quốc gia và quôc tế đặc trưng của Việt Nam. 

Huế tự hào bởi có một hệ thống di sản sản đồ sộ, phong phú và độc đáo đó là quần thể di tích cố đô Huế (đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1993). Qua 7 kỳ Festival Huế, lần nào ban tổ chức cũng phải “trông cậy” vào quần thể di tích này và phát huy hiệu quả. Tính quốc tế qua mỗi kỳ Festival Huế được phát triển lên một tầm cao mới. Từ lần đầu chỉ có đại diện của một vài quốc gia thì dần dần có nhiều nước hùng mạnh trên thế giới và đến kỳ Festival này có đại diện của 28 quốc gia đến từ 5 châu lục tham dự. Thậm chí năm nay ban tổ chức còn “chảnh” khi lựa chọn chất lượng của các đoàn tham gia chứ không đặt mục tiêu số lượng. 

Các đoàn nghệ thuật đã và đang rời xa, tạm biệt Huế nhưng họ sẽ đem theo những ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam để kể với người dân, chính quyền nước họ. Và hứa hẹn ngày tái ngộ trong sự háo hức đợi chờ, tin tưởng lẫn nhau. 

Bài, ảnh: Hồ Ân

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.