Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị về việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Sự ra đời của Chỉ thị này có lẽ bắt nguồn từ việc đầu tháng 4 vừa qua, báo chí phản ánh tình trạng người dân Hà Nội phải xếp hàng từ 4 giờ sáng để đợi xác minh lý lịch tư pháp. Thời điểm đó, nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của người dân rất lớn, mỗi ngày lên 600 hồ sơ, trong khi năng lực giải quyết của Hà Nội chỉ được 300 – 500 hồ sơ/ngày.
Luật Lý lịch tư pháp 2009 quy định, phiếu lý lịch tư pháp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Như vậy, hiểu một cách đơn giản lý lịch tư pháp dùng để chứng minh một người có bị phạm tội hay không hoặc có bị hạn chế quyền hạn do Tòa án quy định hay không.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều thủ tục hành chính quy định phải có phiếu lý lịch tư pháp. Thậm chí, có những đơn vị lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp làm cơ sở tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động.
Chẳng hạn, để bảo đảm độ tin cậy và an toàn cho khách hàng, nhiều tổ chức, đơn vị làm nghề dịch vụ như du lịch, vận tải 6 tháng lại cập nhật lý lịch tư pháp của người lao động. Với cơ quan Nhà nước, trường hợp bổ nhiệm, xin chuyển công tác từ đơn vị này sang đơn vị khác cũng đòi hỏi phải có lý lịch tư pháp. Những người đi lao động cho người nước ngoài cũng cần xác minh.
Trong bối cảnh đó, một số tỉnh, thành phố chưa chủ động giải quyết để kịp thời đáp ứng việc tiếp nhận hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp tăng đột biến thời gian gần đây, dẫn tới tình trạng chậm trễ, ùn ứ gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Để kịp thời chấn chỉnh vấn đề này, tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí xã hội cho người dân, trong Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 9/7/2023, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải có các giải pháp hiệu quả và tiến tới chấm dứt yêu cầu người dân nộp phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu phải rà soát để cắt giảm yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp không hợp lý trong thực hiện thủ tục hành chính, báo cáo Chính phủ phương án cắt giảm ngay trong tháng 8/2023. Các cơ quan Nhà nước phải chủ động thực hiện quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, không yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người dân phải nộp phiếu lý lịch tư pháp.
Nhằm tạo thuận lợi cho người dân, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, xây dựng giải pháp triển khai thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Trên cơ sở đó sơ kết, báo cáo cấp có thẩm quyền về việc triển khai thực hiện toàn quốc.
Các biện pháp xác đáng này nếu được triển khai nhanh chóng, hiệu quả sẽ ngăn chặn được tình trạng lạm dụng phiếu lý lịch tư pháp hiện nay. “Nỗi khổ” của người dân về phiếu lý lịch tư pháp sẽ sớm chấm dứt!