Công bằng trong tuyển sinh

GD&TĐ - Năm 2025, công tác tuyển sinh sẽ có những điểm mới khi lứa thí sinh học Chương trình GDPT 2018 đầu tiên tốt nghiệp THPT...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Những năm qua, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng chuyển biến theo hướng ngày càng khách quan, công bằng, minh bạch hơn về nguồn và chất lượng nguồn tuyển; góp phần đánh giá đúng năng lực thí sinh vào các ngành đào tạo.

Một điểm sáng trong công tác này là thực hiện chuyển đổi số hiệu quả ở khâu tuyển sinh, mang lại lợi ích lớn cho người học và giảm chi phí cho xã hội. Các cơ sở giáo dục đại học đã nỗ lực nâng cao chất lượng tuyển sinh, từ tư vấn, hướng dẫn, xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác… đến những sáng kiến cải thiện quy trình, nâng cao chất lượng tuyển sinh, từ đó tạo sự tin tưởng và hài lòng từ phía thí sinh, phụ huynh.

Năm 2025, công tác tuyển sinh sẽ có những điểm mới khi lứa thí sinh học Chương trình GDPT 2018 đầu tiên tốt nghiệp THPT. Chính vì vậy, trong Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 7/10, Thủ tướng Chính phủ đưa yêu cầu khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tuyển sinh theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, công bằng, tin cậy, giảm áp lực và tạo điều kiện cho học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực của mình theo Chương trình GDPT 2018.

Đồng thời, bảo đảm tuyển sinh phải khách quan, thực chất, phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực đào tạo, có tác động tích cực tới nâng cao chất lượng hoạt động dạy - học ở phổ thông. Các cơ sở đào tạo cần sớm hoàn thiện, công bố kịp thời phương thức tuyển sinh năm 2025 và các năm tiếp theo…

Đây cũng là mong mỏi của các trường THPT và người học, bởi năm học 2024 - 2025 đã qua quá nửa học kỳ I. Trong khi đó, để bảo đảm chất lượng dạy học, ôn tập, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2025, hầu hết nhà trường tiến hành khảo sát lựa chọn môn thi tốt nghiệp của học sinh từ đầu năm học.

Việc các em chọn trường nào, học ngành gì, ngành đó sẽ xét tuyển bằng các tổ hợp môn nào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định chọn môn thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, vì chưa nhiều trường đại học công bố phương án tuyển sinh nên học sinh dựa trên các tổ hợp truyền thống nhà trường đã sử dụng.

Đây cũng là một trong những lý do khiến hai môn học mới, lần đầu được đưa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT là Tin học và Công nghệ có ít học sinh lựa chọn. Trong khi đó, năng lực Tin học và Công nghệ là 2 trong 10 năng lực cốt lõi cần hình thành, phát triển cho học sinh phổ thông trong thời kỳ 4.0.

Tổ hợp môn xét tuyển là một trong những vấn đề được quan tâm trong phương thức tuyển sinh của các trường. Thực hiện quyền tự chủ, phương thức tuyển sinh những năm gần đây ngày càng đa dạng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn; phương thức xét tuyển sớm và sự công bằng, khách quan giữa các phương thức xét tuyển, giữa các cơ sở đào tạo vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục... Những băn khoăn này sẽ được giải quyết thế nào trong mùa tuyển sinh 2025 đang rất được mong đợi.

Về vấn đề này, trong báo cáo tổng kết công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020 - 2024 và công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi từ 2025, Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đưa đề xuất, khi sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển cần bảo đảm tính công bằng nếu sử dụng nhiều tổ hợp môn để xét tuyển vào cùng một ngành.

Trong quy chế tuyển sinh, Bộ quy định cụ thể về mặt quản lý Nhà nước để bảo đảm kiểm tra, giám sát được chất lượng các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… do cơ sở giáo dục đại học tổ chức. Trong đó, đề thi phải không vượt quá Chương trình GDPT 2018; quy trình tổ chức thi bảo đảm an toàn thống nhất và tránh nhiều hình thức gây khó khăn cho học sinh ôn thi. Thời điểm công bố kết quả xét tuyển sớm cần sau kết thúc chương trình năm học, tức 31/5 hằng năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ