Lừa đảo 'con đang cấp cứu, cần tiền mổ gấp': Trò cũ vẫn lừa được nhiều người

GD&TĐ - Dù không còn mới nhưng chiêu trò lừa đảo 'con đang cấp cứu, cần tiền mổ gấp' tiếp tục tái diễn tại TPHCM và vẫn khiến không ít người 'sập bẫy'.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Phụ huynh vừa đi làm, vừa hoang mang

Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) vừa thông tin, thời gian gần đây có nhiều người dân đã hốt hoảng đến Khoa Cấp cứu vì nhận được thông tin con đang cấp cứu. Cụ thể, 9 giờ 30 phút ngày 18/11, một phụ nữ ngụ quận Gò Vấp đã đến tìm con tại bệnh viện.

Theo lời kể, chị này nhận được điện thoại từ một người lạ báo tin con chị cần mổ gấp nên chị vội đến bệnh viện để tìm con. Tuy nhiên, khi kiểm tra thì không có bệnh nhân nào giống với tên con của chị. Ngay lập tức, chị gọi điện đến trường con học và giáo viên xác nhận con vẫn đang học bình thường.

Tương tự, một người cha nhận được điện thoại báo con bị chấn thương phần mềm do chơi ở trường, đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Người này yêu cầu phụ huynh chuyển 30 - 40 triệu đồng để mổ gấp cho con. Tuy lo lắng nhưng vẫn nghi ngờ, người cha quyết định đến bệnh viện để tìm con thì nhận được thông báo từ bác sĩ không có ai đến cấp cứu có tên giống con anh.

Đọc những tin này, chị Phạm Hoàng Mai (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), có hai con đang học mẫu giáo và tiểu học tại các trường trên địa bàn TPHCM cảm thấy rất hoang mang và lo một ngày mình sẽ là mục tiêu mà kẻ lừa đảo nhắm đến. Mặc dù, phụ huynh có kênh liên lạc với giáo viên ở trường những hành vi lừa đảo tinh vi, thao túng tâm lý nên nhiều người vẫn bị lừa.

“Cũng thông cảm cho một số phụ huynh bị mất tiền vì đối với cha mẹ, con cái là quan trọng nhất. Khi đột ngột nhận được con bị cấp cứu, cần chuyển tiền để thực hiện ca mổ thì tôi nghĩ lúc đó phụ huynh sẽ rơi vào tâm lý hoảng loạn, lo sợ và chỉ mong con mình bình an. Đó cũng là lý do vì sao nhiều kẻ trục lợi được từ chiêu trò này”, chị Mai nói.

Đại diện một số bệnh viện ở TPHCM cho biết, nguyên tắc của bệnh viện là luôn đặt sức khỏe, tính mạng của người bệnh lên trên hết. Do đó, không bao giờ có tình huống cấp cứu mà bác sĩ chờ đợi người bệnh đóng tiền xong mới phẫu thuật. Bác sĩ sẽ cứu người trước, viện phí tính sau.

lua-dao-con-dang-cap-cuu-can-tien-mo-gap-1.jpg
Nhiều trường phát đi thông báo cảnh báo lừa đảo đến phụ huynh. Ảnh chụp màn hình

Tăng cường công tác tuyên truyền tại trường học

Thực tế, cách thức lừa đảo này có nhiều sơ hở, chủ yếu đánh vào tâm lý hoang mang của phụ huynh. Các trường học cũng cảnh báo đến phụ huynh, giáo viên về tình trạng này để khi phụ huynh nhận được cuộc gọi tương tự sẽ có cách liên lạc với nhà trường hoặc bệnh viện thông qua đường dây nóng.

Bà Trần Thị Thơm, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh, TPHCM) khẳng định, nếu học sinh gặp sự cố trong thời gian đang học tập tại trường, nhà trường sẽ liên hệ ngay lập tức với cha mẹ. Phụ huynh cần tỉnh táo, tránh hoang mang để kẻ xấu trục lợi.

Ngoài ra, để can thiệp phẫu thuật cần có chữ ký bảo lãnh của người nhà nên việc chuyển tiền để mổ cấp cứu là hoàn toàn không có. Theo bà Thơm, với hình thức này, kẻ lừa đảo sẽ dựa vào tâm lý sợ hãi của mọi người để lợi dụng.

Khi nghe thông báo con em bị sự cố phải nhập viện, phụ huynh bao giờ cũng mong muốn xử lý nhanh nhất. Tuy nhiên, các đối tượng lừa đảo thường sử dụng những tài khoản không chính chủ, tài khoản đi mua của người khác rồi rút tiền trực tiếp hoặc chuyển sang hình thức tiền mã hóa.

“Các phụ huynh khi nhận được cuộc gọi tương tự cần xác minh lại với giáo viên chủ nhiệm, ban phụ huynh trước khi thực hiện lệnh chuyển tiền. Phụ huynh cần nâng cao, trang bị kiến thức, kỹ năng khi thực hiện giao dịch trực tuyến. Tỉnh táo trong mọi tình huống, tránh để kẻ xấu đánh vào lòng tin, tình cảm gia đình để dựng chuyện, trục lợi, chiếm đoạt tài sản”, bà Thơm cho hay.

Bà Trần Thị Thu Lành, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, trước thông tin tình trạng tái diễn gọi điện lừa đảo phụ huynh “con đang cấp cứu, chuyển tiền mổ gấp”, nhà trường thông báo đến toàn thể giáo viên, phụ huynh để kịp nắm bắt tình hình, có hướng xử lý nếu gặp trường hợp tương tự.

Thực tế, nhà trường luôn có các biện pháp hỗ trợ để giúp phụ huynh tránh bị lừa đảo và đảm bảo an toàn tài chính cho gia đình, khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc bảo vệ quyền lợi của học sinh.

Trong trường hợp phụ huynh nhận được thông tin về tai nạn hay yêu cầu chuyển tiền từ bất kỳ ai, cần xác minh lại với nhà trường, bệnh viện, hoặc người thân của học sinh ngay lập tức. Đừng vội vàng chuyển tiền mà không kiểm tra rõ ràng. Phụ huynh cần liên lạc số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm và cô bảo mẫu phụ trách lớp.

Nếu liên lạc không được thì phụ huynh liên hệ trực tiếp với trường hoặc qua số điện thoại của trường đã được đăng trên cổng thông tin điện tử. Bên cạnh đó, không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại hoặc mạng xã hội nếu không rõ ràng nguồn gốc.

“Cảnh giác với những yêu cầu tiền bạc đột ngột từ những nguồn không xác định, đặc biệt là trong những tình huống khẩn cấp hoặc yêu cầu chuyển tiền gấp. Nếu phụ huynh nhận thấy có dấu hiệu bị lừa đảo, cần lập tức thông báo cho nhà trường và cơ quan công an để ngăn chặn kịp thời”, bà Lành lưu ý.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM nhận định, việc cuộc gọi lừa đảo phụ huynh rằng “con đang ở cấp cứu, cần chuyển khoản để mổ” không mới, đã xảy ra năm 2023.

Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trường có biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo đến phụ huynh, học sinh, giáo viên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin để không bị kẻ xấu lừa đảo; kiểm tra rà soát các kênh thông tin liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình…

“Thông qua vụ việc này, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM cần gửi thông tin cảnh báo đến phụ huynh học sinh về tình trạng lừa đảo trên mạng tiếp tục diễn ra. Đưa ra kênh chính thống, số điện thoại liên lạc, đầu mối liên hệ để phụ huynh liên hệ khi có sự việc xảy ra.

Đồng thời, đối với các trường hợp bị kẻ xấu lừa, ban giám hiệu cần hướng dẫn phụ huynh trình báo sự việc, cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan công an”, ông Minh nhấn mạnh.

Xét về pháp lý, hành vi của những kẻ lừa phụ huynh chuyển tiền có dấu hiệu của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự. Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, các đối tượng lừa đảo có thể bị truy tố với mức phạt tù cao nhất từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Dấu hiệu cấu thành tội phạm của những kẻ lừa đảo này khá rõ ràng. Chúng tạo ra những tình huống khẩn cấp rồi dựa vào thông tin cá nhân của phụ huynh học sinh để liên lạc, yêu cầu chuyển tiền rồi chiếm đoạt số tiền đó. Do vậy, cơ quan điều tra cần vào cuộc điều tra, khi có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra theo quy định nhằm tránh có các nạn nhân tiếp theo. Luật sư Bùi Thanh Hoan - Đoàn Luật sư TPHCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ