Cùng với tăng cường nhân lực và thời gian làm việc, Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức bộ phận một cửa “di động” để hỗ trợ giáo viên, học sinh trong quá trình làm thủ tục tư pháp.
Cao điểm nhận 500 - 700 hồ sơ/ngày
Hơn 8 giờ sáng 24/4, có mặt tại Sở Tư pháp Hà Nội xin giấy xác nhận lý lịch tư pháp để hoàn thiện hồ sơ công việc, anh Hà Văn Quân (quận Đống Đa, Hà Nội) có số thứ tự 236.
“Sắp xếp công việc đầu tuần thứ 2 để tranh thủ đến sớm, nhưng do tắc đường, hy vọng trong buổi sáng sẽ nộp xong hồ sơ để đợi được cấp phiếu…”, anh Quân chia sẻ.
Còn anh Hoàng, tài xế công nghệ trú tại Hà Đông (Hà Nội) xếp hàng khoảng 3 tiếng để đăng ký nộp hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp. Anh cho biết, công ty yêu cầu gấp lý lịch tư pháp nên anh bớt thời gian làm thủ tục cho nhanh. Đến nơi, anh Hoàng được cán bộ hướng dẫn khai mẫu.
Chị Hiền, nhân viên một cơ quan tại Hà Nội, cho hay khoảng 10 giờ sáng cùng ngày (24/4) chị mới đến nơi nên số thứ tự hơn 300, do vậy chị đành về nhà rồi đầu giờ chiều quay lại. Chị Hiền cho biết bản thân mới đi làm hồ sơ lần đầu nên không rõ thủ tục, tuy nhiên quy trình không khó, lâu ở thời gian xếp hàng chờ nộp hồ sơ.
Trao đổi với Báo GD&TĐ, bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, cho hay, hiện công dân có tài khoản dịch vụ công có thể đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp mà không cần đến trực tiếp sở. Việc này tạo điều kiện cho công dân, công chức làm thủ tục từ xa, tiết kiệm chi phí đi lại và thời gian.
Theo bà Hương, số hồ sơ giải quyết phiếu lý lịch tư pháp online được Sở Tư pháp Hà Nội tiếp nhận trung bình 30 - 50 hồ sơ/ngày. Con số này tương đối thấp do người dân vẫn chọn phương án gửi trực tiếp hồ sơ.
Theo đó, người dân lấy số xếp hàng làm thủ tục bằng máy nhận diện khuôn mặt tự động cạnh bộ phận bảo vệ Sở Tư pháp Hà Nội. Sau đó, người làm thủ tục chờ đến lượt để nộp hồ sơ ở bộ phận một cửa.
Trước phản ánh về việc có tình trạng người dân phải chờ làm hồ sơ, bà Hương cho hay, Sở Tư pháp tiếp nhận trung bình 500 - 700 hồ sơ/ngày trong đợt cao điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua. Đó cũng là số trả kết quả cho người dân trong ngày cao điểm.
Để giảm tải, Sở Tư pháp Hà Nội đã tăng cường cán bộ làm thêm từ 1 - 2 tiếng/ngày, mở thêm quầy tiếp nhận hồ sơ. Ví dụ, Sở Tư pháp tăng cường 3 - 4 cán bộ hỗ trợ khi nhu cầu làm thủ tục tư pháp tăng đột biến. Qua đó, khả năng tiếp nhận hồ sơ của sở này tăng 25%.
“Nhu cầu người dân tăng đột biến do nhiều sinh viên ra trường, học sinh làm thủ tục du học, các công ty tuyển thêm lái xe công nghệ, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự mới yêu cầu lý lịch tư pháp…”, bà Hương nêu.
Vị này nhận định, cuối tháng 3, đầu tháng 4 vừa qua, nhu cầu người dân yêu cầu phiếu lý lịch tư pháp số 2 tăng (bắt buộc có mặt, không nhận ủy quyền) khiến tổng lượng người làm hồ sơ nhiều hơn.
Thời hạn giải quyết giữa học sinh, viên chức, người lao động như nhau nên Sở Tư pháp Hà Nội chỉ có thể bố trí thêm người, lực lượng đoàn thanh niên hỗ trợ khai báo.
Sau khi cán bộ nhận hồ sơ đủ điều kiện, trong khoảng 10 ngày làm việc, công dân có thể lấy được phiếu lý lịch tư pháp. Một số trường hợp thông tin có án tích, thông tin cần xác minh thì thời gian sẽ lâu hơn.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho hay, phần mềm dịch vụ công đang chạy thử nghiệm từ ngày 11/4 - 28/4 có thể gặp một số lỗi nên đơn vị chuyên môn sẽ khắc phục, hoàn thiện để phục vụ tốt nhất cho người dân.
Bộ phận “một cửa di động”
Người dân xếp hàng lấy phiếu nộp hồ sơ lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp Hà Nội sáng 24/4. |
Theo lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội, đơn vị đang phối hợp với Sở GD&ĐT Hà Nội trong việc bố trí các bộ phận “một cửa di động” tại một số cơ sở giáo dục. Theo đó, hai cơ quan thống nhất bố trí công chức đến trường học với đầy đủ máy tính, máy in để hỗ trợ thầy cô làm thủ tục tư pháp.
“Sở Tư pháp Hà Nội đã có kế hoạch dự phòng chủ động cho đội ngũ cán bộ công chức trong trường hợp người dân làm thủ tục tăng đột biến hoặc nghỉ phép. Lực lượng dự phòng được tập huấn thường xuyên để hỗ trợ thầy cô, viên chức y tế, cán bộ nông nghiệp hay thậm chí là cầu thủ người nước ngoài…”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội chia sẻ.
Đối với học sinh, sinh viên sắp đi du học, lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội khuyến cáo cần chủ động làm thủ tục cấp lý lịch tư pháp online. Cạnh đó, nhiều học sinh bảo lưu quá trình học, sau 2 - 3 năm mới tốt nghiệp cần chú ý quy định nộp lý lịch tư pháp theo yêu cầu của đơn vị đang theo học.
Để làm việc này, người dân cần mở tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia và đề nghị cấp lý lịch tư pháp online, qua trang web: https://lltptructuyen.moj.gov.vn/thanhphohanoi để tránh phải xếp hàng chờ đợi.
Kết quả sẽ được trả qua dịch vụ bưu chính công hoặc trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại trụ sở Sở Tư pháp Hà Nội: 221 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bản lý lịch tư pháp, vì vậy công dân phải kê khai đầy đủ, chính xác theo quy định.
Ví dụ, một đơn vị sự nghiệp tại Hà Nội có khoảng 250 người trúng tuyển viên chức phải có lý lịch tư pháp để hoàn thiện hồ sơ. Sau khai báo thông tin và qua kiểm tra, có nhiều người làm 5 - 10 năm nên cơ quan nắm rõ.
Khi Sở Tư pháp trả lời “không thể khẳng định ngay” có nghĩa là phải tiến hành tra cứu thông tin qua Bộ Công an, Công an TP Hà Nội, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đối với nhân thân từng người. “Không thể nói trước được rằng viên chức này không có thông tin gì khác chỉ vì nghĩ nhân thân rất tốt…”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội nói.
Theo quy định, các trường hợp miễn lệ phí làm thủ tục cấp lý lịch tư pháp gồm: Người 60 tuổi trở lên, công dân Việt Nam dưới 16 tuổi, người khuyết tật, người nghèo, người cư trú tại các xã đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định.