Bỏ học bạ trong xét tuyển đại học: Điều chỉnh để thích ứng với Chương trình mới

GD&TĐ - Điểm học bạ chỉ còn là điều kiện sơ tuyển hoặc là một thành tố trong phương thức xét tuyển.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức.
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức.

Hàng loạt trường đại học sẽ không sử dụng phương thức xét kết quả học tập THPT (học bạ) để tuyển sinh trong năm 2025, hoặc cắt giảm tỷ trọng chỉ tiêu cho phương thức này.

Tinh giản phương thức

Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM (UEL) vừa công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 với 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng (tối đa 20% tổng chỉ tiêu); xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM năm 2025 (khoảng 40 - 60% tổng chỉ tiêu); xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (khoảng 30% - 50% tổng chỉ tiêu). UEL dự kiến sử dụng 4 tổ hợp môn xét tuyển, bao gồm: Toán - Tiếng Anh - Ngữ văn; Toán - Tiếng Anh - Vật lý; Toán - Tiếng Anh - Tin học; Toán - Tiếng Anh - Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.

Như vậy, so với năm 2024, sẽ không còn phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của Đại học Quốc gia TPHCM và xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFL…) kết hợp với kết quả học tập THPT hoặc xét chứng chỉ SAT, ACT/bằng tú tài quốc tế (IB)/chứng chỉ A-level.

ThS Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên UEL cho biết, phương án tuyển sinh năm 2025 được xây dựng nhằm chọn lọc những thí sinh giỏi, đảm bảo chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu đào tạo của nhà trường và đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường lao động.

“Trường dự kiến công bố đề án tuyển sinh năm 2025 chi tiết trước tháng 2/2025. Trường hợp Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia TPHCM ban hành quy chế tuyển sinh mới, UEL sẽ cập nhật điều chỉnh lại phương án tuyển sinh đúng theo các quy định hiện hành”, ông Tiến cho biết.

UEL là trường thành viên đầu tiên của Đại học Quốc gia TPHCM công bố phương án tuyển sinh dự kiến trong năm 2025. Trước đó, tại hội nghị tuyển sinh của Đại học Quốc gia TPHCM, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc đại học cho biết, đơn vị thống nhất chủ trương thực hiện 3 phương thức tuyển sinh đại học gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức; xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, đơn vị khuyến khích các trường thành viên xây dựng phương thức xét tuyển kết hợp.

Không sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT cũng là quyết định của Trường Đại học Nha Trang. Chia sẻ của PGS.TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo đại học, năm 2025 nhà trường sẽ thay đổi cách tiếp cận trong tuyển sinh theo phương thức kết hợp kết quả học tập THPT và kết quả đánh giá năng lực học tập đại học.

Trong đó, yếu tố “Kết quả học tập ở THPT” được xác định tùy theo mỗi ngành, chuyên ngành đào tạo, thí sinh phải học ở THPT một số môn nhất định theo quy định của trường. Kết quả học các môn này cần đạt yêu cầu tối thiểu do trường công bố hằng năm. Yếu tố “Kết quả đánh giá năng lực học tập đại học” là việc thí sinh phải tham gia đánh giá năng lực học tập đại học.

Việc đánh giá năng lực tập trung vào khả năng Toán; Ngôn ngữ (bao gồm tiếng Việt và tiếng Anh) và Khoa học. Riêng phần Khoa học, thí sinh được lựa chọn phạm vi tương ứng với môn học đã học ở THPT và phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo theo quy định của trường.

“Kết quả đánh giá năng lực học tập đại học có thể lấy từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT hoặc các kỳ thi đánh giá năng lực của cơ sở đào tạo”, ông Phương thông tin và cho rằng: 2025 - năm bản lề với nhiều sự thay đổi trong giáo dục nước nhà khi đây là lứa thí sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 và tham gia xét tuyển đại học.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 4 môn với 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn cùng 2 môn tự chọn. Như vậy, phương án tuyển sinh đại học năm 2025 phải được điều chỉnh để thích ứng với sự thay đổi ở cấp THPT.

“Ngoài ra, nhà trường điều chỉnh cách thức xét tuyển căn cứ vào học bạ THPT bởi từ năm 2025, kết quả học tập của học sinh trong học bạ khác hoàn toàn so với các năm trước. Học bạ này chỉ thể hiện những môn mà học sinh lựa chọn học. Do đó, trường chỉ có thể xét sơ tuyển điểm học bạ các môn học cần phải có và phù hợp với ngành đào tạo”, ông Phương lý giải.

bo-hoc-ba-trong-xet-tuyen-dai-hoc-1.jpg
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2024 do Trường Đại học Sư phạm TPHCM tổ chức. Ảnh: Lê Mạnh

Tăng tỷ trọng thi đánh giá năng lực

Trường Đại học Sư phạm TPHCM vừa công bố 4 phương thức xét tuyển trong năm 2025. Phương thức 1 xét tuyển theo quy chế của Bộ GD&ĐT khoảng 10% chỉ tiêu. Phương thức 2 ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên khoảng 10 - 20% chỉ tiêu. Phương thức 3 xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do nhà trường tổ chức, chiếm 40 - 50% tổng chỉ tiêu. Cuối cùng, nhà trường xét tuyển dựa trên Kỳ thi tốt nghiệp THPT với khoảng 20 - 40% cho các ngành có sử dụng phương thức 3 hoặc 70 - 80% cho các ngành không có phương thức 3.

Như vậy, từ năm 2025, Trường Đại học Sư phạm TPHCM sử dụng phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt như một phương thức độc lập, đồng thời không sử dụng học bạ THPT trong xét tuyển. Những năm trước, nhà trường sử dụng điểm học bạ THPT để xét tuyển như một phương thức độc lập (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt (30 - 40% chỉ tiêu).

Vừa qua, 18 đại học, trường đại học đã thống nhất phối hợp tổ chức và sử dụng chung Kỳ thi tuyển sinh đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT) trong tuyển sinh năm 2025. Từ đó, các trường có thể bỏ phương án xét tuyển bằng học bạ THPT, hoặc giảm chỉ tiêu cho phương thức này. Trường Đại học Công nghệ TPHCM dự kiến dùng kết quả thi V-SAT từ năm 2025 với 10% chỉ tiêu, đồng thời điều chỉnh giảm chỉ tiêu xét tuyển học bạ THPT và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT để phù hợp với tổng chỉ tiêu của trường.

Theo lý giải của các trường đại học, với Chương trình GDPT 2018, học sinh được lựa chọn các môn học khác nhau nên có điểm học bạ THPT ở các tổ hợp xét tuyển khác nhau. Chưa kể, các hình thức tổ chức môn học, đánh giá ở từng trường THPT có sự khác nhau, tùy thuộc vào giáo viên. Do đó, việc sử dụng điểm học bạ THPT để tuyển sinh sẽ không còn phù hợp.

Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Trường Đại học Công Thương TPHCM cũng dự định giảm chỉ tiêu xét kết quả học tập THPT theo 5 học kỳ xuống còn 15 - 20% trong năm 2025. Đồng thời, trường tính toán tăng chỉ tiêu xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM và điểm kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TPHCM.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.