Đó là những hạt mầm về cách đối nhân xử thế, lòng yêu nước, ý thức kỷ luật, nuôi dưỡng những ước mơ… được thầy cô gieo vào lòng học trò, nảy nở và vươn cao để đến lượt họ, gieo những hạt giống mới gửi lại mùa sau…
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, mỗi lớp học của Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) đều nhận được quà từ nhà trường gửi tặng. 200 quyển sách được mua từ nguồn xã hội hóa. Danh mục sách do các thầy lựa chọn, với mục tiêu xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh nhằm trang bị toàn diện cả về kiến thức lẫn kỹ năng xã hội, giúp các em có được hành trang tốt nhất để vững bước vào đời. Nhà trường còn trao tặng học bổng cho 12 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Năm học trước đó, học sinh toàn trường được tặng 50.000 đồng/em để các lớp tổ chức liên hoan với thầy cô cùng với 50 suất học bổng động viên tinh thần…
Việc “tặng ngược” quà cho học sinh 3 năm học vừa qua, theo như thầy Huỳnh Tấn Châu - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh là sự cảm ơn của thầy cô với học sinh vì sự cố gắng, nỗ lực và rèn luyện của các em trong suốt quá trình học tập. Nhưng trên tất cả, nhà trường muốn gỡ bỏ những áp lực vô hình đối với gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi nghĩ đến việc tặng quà tri ân thầy, cô giáo trong dịp 20/11.
Ở vùng núi cao hay vùng sâu, cái chữ đến với học sinh rất đỗi nhọc nhằn. Khó để đong đếm hết những chăm chút, yêu thương của đội ngũ thầy, cô giáo đang ngày ngày gắn bó với những bản làng vùng khó. Từ lo bữa ăn, cái mặc, đôi ủng đi mưa, áo ấm trong những ngày đông giá rét đến những dự án dài hơi nhằm trao sinh kế bền vững cho phụ huynh, qua đó hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.
Thầy, cô giáo nào cũng tự nhận thêm một sứ mệnh đặc biệt - làm người kết nối để học sinh nhận được nhiều hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, câu lạc bộ thiện nguyện trên khắp cả nước. Những nguồn lực này đã và đang tăng cường điều kiện cần thiết cho sinh hoạt, học tập của học trò tốt và đầy đủ hơn.
Thế nhưng, ngay ở thành phố, chuyện dạy - học cũng chồng chất khó khăn, thách thức và trăn trở... bởi với nhiều học trò, chỉ cần giáo viên thiếu đi một chút nhẫn nại, yêu thương thì có thể số phận các em sẽ khác đi…
Vì vậy, nhiều thầy, cô giáo vẫn âm thầm san sẻ đồng lương hằng tháng, kết nối tấm lòng của bạn bè, người thân để bảo trợ dài hạn cho học sinh của mình, giúp gánh đỡ phần nào những khó khăn, để các em không vì những chật vật, trì níu của gia cảnh mà bỏ học, thậm chí còn kèm cặp để học trò tiến bộ hơn trong học tập.
Cô Trần Thị Kim Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (Sơn Trà, Đà Nẵng) thường gửi gắm với tập thể sư phạm nơi mình công tác rằng: “Học trò càng đặc biệt thì mình càng phải kiên nhẫn bởi chỉ cần thiếu đi chút nhẫn nại thôi, có thể số phận các em sẽ khác đi.
Học sinh càng thiếu thốn sự quan tâm, chăm sóc của bố mẹ thì giáo viên càng phải quan tâm, “cho” nhiều hơn. Khi dạy trẻ, vì vậy, đừng bao giờ nghĩ đến phụ huynh vì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến trẻ. Hãy cứ nhìn vào học sinh để dạy thì sẽ công bằng cho các em.
Mình cứ làm cho hết sức, đặt cả tình yêu vào đó, có thể phụ huynh và học sinh chưa thể nhận ra ngay công sức, tâm huyết của cô, nhưng chúng ta đang làm công việc của người gieo hạt để gửi những mùa sau, cứ gieo rồi sẽ được gặt…”.