Những bông hoa tươi thắm, món quà ý nghĩa hay một lá thư hỏi thăm, chúc mừng của học trò đều đem đến niềm hạnh phúc cho thầy cô. Nhưng sẽ là tuyệt vời, hạnh phúc hơn, nếu chúng ta biết cách trao tặng tình cảm của mình một cách tinh tế, đầy lòng thành kính biết ơn không chỉ ở một ngày lễ đặc biệt này.
Những tin nhắn muộn
Qua ngày 20/11 năm nào cũng vậy, tôi đều nhận được tin nhắn của một vài học trò cũ xin lỗi vì gửi lời chúc mừng muộn. Thường thì, các bạn ấy từng là học trò tôi rất yêu quý. Tôi chưa bao giờ trách các bạn vì đơn giản thi thoảng (không nhân bất cứ một dịp lễ gì đặc biệt), các bạn ấy vẫn nhắn tin, gọi điện hỏi thăm.
Các em nhắn tin hỏi thăm về gia đình, trường lớp cũng như công việc của thầy. Nhưng nhiều khi là để “khoe” với thầy về một thành tích học tập, việc làm mới, cũng có khi là tâm sự về một khó khăn nào đó mà các em gặp phải trong cuộc sống. Những hỏi han ấy, thật tình nó khiến tôi rất hạnh phúc. Và tôi nghĩ, với thầy cô nào cũng thế, những hỏi han, động viên của các em luôn là động lực từ bên trong để yêu nghề hơn.
Năm trước, có cô học trò cũ tôi rất quý nhắn muộn rằng “Thầy ơi… hôm qua, em có nhắn tin chúc mừng thầy… mà cứ nghĩ em bấm gửi rồi nhưng không thấy thầy trả lời. Hôm nay, check lại mới biết em chưa gửi ạ! Em thành thật xin lỗi thầy… Nhân ngày 20/11 chúc thầy luôn vui vẻ, mạnh khỏe, bình an và luôn giữ vững ngọn lửa tâm huyết với nghề thầy nhé….”.
Và rồi, em còn kỳ công làm một video với những tấm ảnh hai thầy trò từng chụp chung kèm với lời xin lỗi và chúc mừng thật đặc biệt. Cũng học trò ấy, mới đây thôi còn nhắn tin hỏi thăm thầy và “khoe” với thầy rằng, em vừa nhận được giải thưởng trong một cuộc thi tiếng Anh ở trường đại học.
Em kể thêm, để có được phần thưởng ấy, em đã phải nỗ lực rất nhiều và là… nhờ thầy truyền cảm hứng để có thêm động lực dự thi. Em viết “Cảm ơn Thầy về những bài thơ, những câu chuyện Thầy chia sẻ. Điều ấy giúp em có thêm nhiều thông tin, động lực và truyền cảm hứng cho em rất nhiều”.
Là thầy giáo, tôi thật hạnh phúc khi đọc được những tâm sự ấy. Và giờ đây khi đọc tin nhắn và xem video em gửi, tự nhiên tôi nhớ đến mấy năm trước, một người bạn, dĩ nhiên là tôi cũng rất quý, nhắn lời xin lỗi vì bạn gửi lời chúc mừng sinh nhật muộn đến tôi. Cũng trong lần ấy, bạn còn chia sẻ thêm rằng, đã có lần bạn ấy quên chúc mừng ngày sinh của một người mà bạn ấy rất quý trọng, mang ơn là cô giáo chủ nhiệm năm cấp hai. Bạn đắn đo mãi mà không sao gửi lời xin lỗi được.
Nhưng từ đó, cứ có dịp được về quê là bạn ấy đều sắp xếp thời gian đến thăm cô mà không nhất thiết vào một dịp lễ lạt nào cả. Không hiểu sao sau những lời xin lỗi ấy, tôi có cảm giác càng thêm yêu quý cả hai hơn. Và thẳm sâu từ lòng mình, tôi ngẫm thấy thêm yêu nghề giáo, có thêm động lực để vượt qua những áp lực của nghề.
Tri ân không chỉ có một ngày
Chúng ta cần thấy rằng, cách tri ân nhà giáo ở các nước, ở những nền văn hóa khác nhau cũng có sự khác nhau. Tuy nhiên, dù theo cách nào, thì đó đều phải xuất phát từ lòng thành kính, biết ơn chân thành. Chúng ta thử xem người Nhật tri ân thầy cô như thế nào qua câu chuyện sau:
Một lần nọ, có một giáo viên người Việt hỏi anh bạn đồng nghiệp người Nhật, thầy giáo Yamamota:
- Khi nào thì nước Nhật kỷ niệm ngày Nhà giáo, và các bạn tổ chức như thế nào?
Ngạc nhiên bởi câu hỏi, anh bạn Nhật trả lời:
- Chúng tôi không có ngày Nhà giáo nào cả.
Nghe thấy câu trả lời của anh ta, thầy giáo người Việt cũng không biết có nên tin hay không nên tin nữa. Trong anh nảy ra ý nghĩ: “Tại sao một đất nước có nền khoa học, kỹ thuật và kinh tế phát triển như thế, mà lại cư xử thiếu tôn trọng với nhà giáo, với công sức lao động của họ”.
Rồi sau giờ làm việc, Yamamota mời thầy giáo về nhà. Bởi anh ta sống xa trường học, nên cả hai đi bằng tàu điện ngầm. Vào giờ cao điểm buổi chiều, các toa của tàu điện ngầm chật cứng như nêm.
Khó khăn lắm cả hai mới lách được vào trong toa, thầy giáo người Việt đứng, tay ghì chặt vào tay vịn. Bỗng đâu có một ông cụ, ngồi bên cạnh, nhường chỗ cho. Không thể hiểu được hành vi của một người đứng tuổi, thầy giáo người Việt đành nhã nhặn từ chối đề nghị của ông. Nhưng ông cụ cứ khăng khăng nên buộc lòng anh phải ngồi. Sau khi ra khỏi tàu điện ngầm, anh đề nghị Yamamota giải thích hành vi của ông cụ. Yamamota cười và chỉ vào chiếc huy hiệu thầy giáo trên áo anh, và nói:
- Ông cụ này nhìn thấy chiếc huy hiệu nhà giáo của bạn và để tỏ lòng tôn trọng cương vị của bạn nên đã nhường ghế ngồi của mình.
Bởi là lần đầu tiên đến làm khách tại nhà của thầy giáo Yamamota, không tiện đến tay không nên anh quyết định mua quà. Anh chia sẻ ý nghĩ của mình với Yamamota, anh bạn ủng hộ và nói, phía trước có cửa hàng dành cho các nhà giáo, nơi có thể mua hàng với giá ưu đãi. Một lần nữa anh lại không kìm nén được cảm xúc của mình:
- Đặc quyền chỉ dành cho các nhà giáo?
Yamamota nói:
- Ở Nhật Bản, nhà giáo là nghề được tôn trọng nhất, người được tôn trọng nhất. Các doanh nhân người Nhật rất vui khi có nhà giáo đến cửa hàng của họ. Họ cho đó là một vinh dự lớn.
Ở Nhật Bản tuy không có ngày lễ riêng cho các nhà giáo như ở Việt Nam, nhưng vẫn tuyệt vời khi mỗi ngày dường như là một cơ hội để mọi người thể hiện lòng kính trọng, biết ơn với thầy cô...
Kể câu chuyện trên để thấy, hãy để niềm tự hào đập trong ngực tất cả chúng ta. Chúng ta kính trọng trước tên gọi: Thầy, cô giáo. Chúng ta biết tri ân đến những người lái đò thầm lặng không chỉ ở một ngày lễ. Chúng ta tri ân thầy cô ở bất cứ ngày nào trong năm, ở bất cứ khoảnh khắc nào trong cuộc sống đời thường cũng đều đáng trân quý cả.