Tờ Der Spiegel của Đức trong tuần này đã đăng tải các thông tin chi tiết về các dữ liệu điều tra của nước này trong vụ phá hoại đường ống Nord Stream diễn ra vào tháng 9/2022. Trong đó các quan chức Đức giấu tên đã tiết lộ rằng, Chính phủ nước này đã nhận được thông tin về vụ phá hoại trước đó 3 tháng nhưng bỏ qua mối quan tâm.
Cụ thể, tờ này đưa tin, một nhóm người Ukraine bị cáo buộc là thủ phạm làm hỏng đường ống Nord Stream dẫn khí đốt Nga sang Đức, có mối quan hệ lâu dài với CIA. Một số thành viên, bao gồm cả kẻ chủ mưu được cho là Roman Chervinsky, đã được các điệp viên Mỹ đào tạo trong nhiều năm.
Theo tạp chí Đức, băng đảng này đã "lên kế hoạch và thực hiện các hoạt động bí mật cho bộ máy an ninh Ukraine trong nhiều năm". Đồng thời, nhóm này đã để mắt đến các đường ống dẫn khí đốt từ đầu năm 2019, khoảng ba năm trước khi Moscow phát động chiến dịch quân sự chống lại Kiev.
Der Spiegel cho biết, Chervinsky nằm trong nhóm các quan chức an ninh Ukraine được tình báo Hoa Kỳ tuyển chọn và đào tạo trong nhiều năm. Washington muốn xây dựng mối quan hệ với các điệp viên Ukraine "đáng tin cậy". Một mục tiêu chính, là tạo ra "các đơn vị phá hoại có năng lực".
Tạp chí Đức trích dẫn một nguồn tin từ Ukraine, đưa tin rằng chất nổ được sử dụng trong hoạt động Nord Stream không được sản xuất tại Ukraine. Tuy nhiên, nguồn tin này từ chối tiết lộ nguồn gốc của chúng.
Der Spiegel cũng tuyên bố đã xác định được hầu hết những cá nhân tham gia vào vụ phá hoại nhưng đã chọn không công bố tên của họ, với lý do lo ngại rằng họ có thể trở thành mục tiêu của các cơ quan an ninh Nga hoặc Ukraine.
Sự hoài nghi về tin tức của Der Spiegel vẫn còn bỏ ngỏ. Đầu tháng này, chuyên gia lặn nổi tiếng người Đức Tiến sĩ Sven Thomas đã đặt câu hỏi về tuyên bố rằng một nhóm nhỏ người Ukraine đã thực hiện vụ tấn công. Ông lập luận rằng các vụ nổ có quy mô như vậy đòi hỏi phải có mìn đáy biển cấp quân sự với sức công phá tương đương 1.260 kg thuốc nổ TNT. Ông cho biết, việc đặt các thiết bị như vậy sẽ cần đến một con tàu lớn, chứ không phải du thuyền được cho là đã sử dụng.
Moscow đã bác bỏ các báo cáo liên kết một nhóm nhỏ người Ukraine với vụ phá hoại là không hợp lý. Tháng trước, phương tiện truyền thông Đan Mạch tiết lộ rằng các tàu chiến của Hải quân Mỹ đã hoạt động gần đường ống Nord Stream ngay trước vụ nổ.
Các đường ống Nord Stream vận chuyển tới 60 tỷ mét khối khí đốt của Nga hàng năm, đáp ứng khoảng 16% nhu cầu khí đốt tự nhiên của EU vào năm 2018 và một nửa nhu cầu hàng năm của Đức vào năm 2021. Tờ Der Spiegel viết rằng chúng từ lâu đã là "cái gai trong mắt Washington".
Trước vụ nổ, các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Joe Biden, đã nhiều lần chỉ trích dự án Nord Stream và thúc giục Berlin từ bỏ dự án kế nhiệm là Nord Stream 2. Đường ống thứ hai không thể đi vào hoạt động vì Đức đã dừng quá trình cấp phép ngay trước khi Nga tiến hành hoạt động quân sự chống lại Ukraine vào tháng 2 năm 2022.