Giảm thuế là cần thiết…

GD&TĐ - Thực tế, từ năm 2022 đến nay, việc giảm thuế giá trị gia tăng được triển khai đã tạo ra những tác động tích cực đến nền kinh tế...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, ngoại trừ một số nhóm như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, kim loại, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt…

Thời gian áp dụng dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025, với tổng số thu ngân sách Nhà nước dự kiến giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Cụ thể, giảm thu ngân sách ở khâu nội địa ước tính khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng/tháng, trong khi giảm thu từ khâu nhập khẩu là khoảng 1,5 nghìn tỷ đồng/tháng.

Việc giảm thuế, theo lý giải của Bộ Tài chính là nhằm mục đích kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp và giúp nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19 và những khó khăn trong năm 2024.

Bên cạnh đó, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá thành sản phẩm, kích thích tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng lợi nhuận và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận hàng hóa và dịch vụ với giá cả hợp lý. Ngoài ra, việc giảm thuế cũng góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Thực tế, từ năm 2022 đến nay, việc giảm thuế giá trị gia tăng được triển khai đã tạo ra những tác động tích cực đến nền kinh tế. Như năm 2022, việc giảm thuế đã giúp doanh nghiệp và người dân tiết kiệm được khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng, góp phần thúc đẩy tiêu dùng và làm tăng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng lên 19,8% so với năm 2021.

Đến năm 2023, chính sách giảm thuế tiếp tục được triển khai với tổng số tiền giảm thuế 23,4 nghìn tỷ đồng nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng trưởng 9,6% so với năm 2022.

Năm nay, ước tính tổng số thuế giá trị gia tăng giảm đạt khoảng 49 nghìn tỷ đồng nhưng sẽ giúp giảm giá bán hàng hóa, thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động; góp phần vào việc đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội.

Như vậy có thể thấy, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng dù còn có những khó khăn nhất định trong quá trình triển khai nhưng là động thái tích cực, giúp kích thích chi tiêu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn.

Ở chiều ngược lại, tác động dễ thấy là việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ dẫn đến giảm thu ngân sách, tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề trước mắt. Về lâu dài, nhờ các tác động tích cực từ chính sách này và áp dụng thêm các biện pháp khác sẽ giúp doanh nghiệp “hồi sức”, thu ngân sách có thể cao hơn, đủ, thậm chí vượt số hụt thu do giảm thuế giá trị gia tăng.

Hiện nay, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, những tháng còn lại của năm 2024 và sang năm 2025, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp khó khăn; chi phí sản xuất còn cao… nên việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng, khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, được cân - đo - đong đếm để làm sao chính sách này vừa phát huy tác dụng hỗ trợ nền kinh tế, nhưng đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm các cân đối vĩ mô và các nhiệm vụ khác thì cần thiết nên thực hiện.

Và như ý kiến của một chuyên gia thì thời gian thực hiện cũng không nên theo kiểu “ăn đong” như thời gian qua, tức 6 tháng, 1 năm lại thay đổi mà cần có thời gian gian áp dụng dài hơi hơn để chính sách có những tác động mạnh hơn, rõ hơn và hiệu quả hơn nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ