Sắp đến ngày gỡ thẻ vàng

GD&TĐ - Không chỉ dừng lại ở châu Âu mà sắp tới, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cũng sẽ áp dụng các quy định như châu Âu.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống nước chủ nhà Indonesia - Joko Widodo hôm 7/9, hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc “nước chủ nhà sẽ đối xử nhân đạo với các thuyền viên tàu cá của Việt Nam xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Indonesia”.

Sở dĩ ông Widodo nói điều đó là vì, trong những năm qua, hàng trăm lượt tàu cá của Việt Nam đã xâm phạm lãnh hải của Indonesia trong quá trình hành nghề trên biển. Nhiều ngư dân đã bị nước sở tại tịch thu tàu cá và phạt rất nặng, thậm chí bị bỏ tù. Cuộc “giải cứu” ngư dân Việt vừa thoát án tù từ Indonesia về Việt Nam bằng đường hàng không lúc dịch Covid-19 bùng phát cách đây vài năm đã nói lên điều đó.

Tuy nhiên, đó là câu chuyện của ngày “hôm qua”, lúc Ủy ban châu Âu (EC) vừa phạt thẻ vàng đối với ngành thủy sản của Việt Nam. Còn bây giờ, thời hạn cuối cùng để EC gỡ thẻ vàng chuẩn bị tới thì việc xâm phạm chủ quyền lãnh hải các nước trong khối ASEAN của ngư dân Việt Nam hầu như được hạn chế tối đa, nếu không nói là đã chấm dứt sau những nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ và các địa phương.

Quản lý chặt tàu đánh cá ra vào các cửa sông, cửa biển bằng việc kiểm tra các thiết bị giám sát hành trình cũng như các loại công cụ khai thác hải sản, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã đóng vai trò rất quan trọng trong câu chuyện “gỡ thẻ vàng” này. Trong nỗ lực chung đó, còn phải kể đến công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương các cấp, nhất là các tổ trưởng, thôn trưởng ở mỗi làng chài.

Ngư dân mình lâu nay có một thói quen rất tệ là bất chấp những quy định nghiêm cấm, cứ làm theo ý mình, hễ thấy cái lợi trước mắt là làm chứ không nghĩ đến hệ lụy của nó. Không chỉ xâm phạm lãnh hải các nước trong quá trình hành nghề trên biển, nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam còn khai thác bằng thuốc nổ hoặc sử dụng hóa chất để bảo quản cá.

Trước đây, khi “một mình một chợ” thì hành xử theo ý chủ quan của mình, còn bây giờ, chúng ta đã gia nhập vào sân chơi quốc tế thì phải chấp nhận luật chơi của họ. Bất cứ một hành xử nào mà không tuân thủ theo quy định của quốc tế đều phải trả giá đắt.

Trong những năm qua, kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh cáo bằng thẻ vàng do vi phạm chủ quyền lãnh hải các nước, do khai thác bằng thuốc nổ, do bảo quản hải sản bằng chất cấm…, việc xuất khẩu thủy hải sản sang châu Âu của Việt Nam gặp vô vàn khó khăn.

Nếu tiếp tục vi phạm, EC sẽ phạt thẻ đỏ thì vĩnh viễn hải sản Việt Nam phải nói lời từ biệt một thị trường mà mỗi năm mang về cho đất nước hơn nửa tỉ đô la như thị trường châu Âu. Đó là chưa tính đến việc hàng ngàn, hàng vạn người hành nghề khai thác và chế biến hải sản tử tế cũng sẽ bị vạ lây.

Không chỉ dừng lại ở châu Âu mà sắp tới, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cũng sẽ áp dụng các quy định như châu Âu. Lúc ấy, nếu ta không tuân thủ luật chơi, ắt sẽ bị văng ra khỏi quỹ đạo của xuất khẩu thủy sản.

Được biết trong tháng 10 tới, một phái đoàn của Ủy ban châu Âu sẽ có mặt tại Việt Nam để kiểm tra thực tế việc chấp hành của Việt Nam đến đâu để họ đưa ra quyết định gỡ thẻ vàng. Hy vọng những tín hiệu tích cực trong thời gian qua của chúng ta sẽ được đền đáp bằng việc xóa thẻ vàng của EC!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ