Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi):

Quyền của người dân bị 'thu hẹp' trong giải quyết tranh chấp?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Việc bỏ thẩm quyền của UBND trong việc giải quyết tranh chấp đất đai như trong Dự thảo là thu hẹp bớt quyền của người dân.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Việc chỉ giao cho TAND, Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp đất đai như nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi, sau đây gọi là Dự thảo) được cho là không hợp lý. Các ý kiến cho rằng nên trao UBND thẩm quyền giải quyết tranh chấp này.

Vai trò của UBND bị mờ nhạt?

Dự thảo đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, dự kiến sẽ được trình Quốc hội tiếp tục xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới, tiến tới thông qua tại Kỳ họp thứ 6 vào tháng 10/2023. Nội dung liên quan đến quy định hòa giải tranh chấp đất đai đang được người dân đặc biệt quan tâm.

Trong khuôn khổ Dự thảo, nội dung các Điều từ 223 đến 227 dành để quy định về việc thanh, kiểm tra, tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai. Đáng chú ý hơn, tại Điều 225 quy định rõ về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai. Theo đó, việc xử lý các tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất được giao cho TAND giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Quy định này có thay đổi so với Luật Đất đai 2013 hiện hành. Theo đó, thay vì được chia sẻ một phần thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai như trước đây, thì hiện tại, UBND các cấp chỉ còn trách nhiệm cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho TAND giải quyết theo thẩm quyền khi được yêu cầu.

Trong nội dung Dự thảo, vai trò của UBND các cấp chỉ được thể hiện rõ nét trong việc thực hiện hòa giải tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 224 của Dự thảo. Cụ thể, tại Điểm b, c Khoản 2 Điều 224 của Dự thảo nêu rõ: “Chủ tịch UBND xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình.

Trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của UBND cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp”.

Vì sao nên trao UBND thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai?

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM.

Đóng góp về nội dung Dự thảo liên quan đến thẩm quyền giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng việc chuyển toàn bộ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho TAND là không hợp lý. Ông Hậu đưa ra dẫn chứng để lý giải về quan điểm này.

Theo đó, tại Nghị quyết 18/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về đất đai nêu rõ phương châm “giải quyết triệt để tranh chấp về đất đai từ cơ sở, tránh vượt cấp lên Trung ương”.

Do đó, việc bỏ thẩm quyền của UBND trong việc giải quyết tranh chấp đất đai như trong Dự thảo là thu hẹp bớt quyền của người dân và bỏ một cơ chế giải quyết linh hoạt.

Bên cạnh đó, ông Hậu cũng cho rằng không ít vụ việc tranh chấp chủ yếu chỉ cần một “trọng tài” đứng ra để giải quyết, có thể giao cho UBND lập một hội đồng với thành viên là Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, người có kinh nghiệm ở địa phương để hoà giải.

Từ đó, ông Hậu đề xuất trao UBND thẩm quyền giải quyết tranh chấp vì hồ sơ đang được lưu giữ ở cơ quan hành chính và thủ tục cũng đơn giản hơn, người dân không cần đóng án phí 5% trên giá trị tài sản tranh chấp như khi ra toà.

Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Đồng quan điểm, ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng trong điều kiện thực tiễn hiện nay ở Việt Nam mà Dự thảo lần này chỉ giao cho TAND, Trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp đất đai là không phù hợp, không khả thi và sẽ kéo dài thời gian giải quyết, mất nhiều thời gian, kinh phí cho các bên tham gia giải quyết.

Ông Luyến lý giải, số lượng các tranh chấp đất đai hiện nay rất nhiều, chiếm một số lượng rất lớn trong xã hội, nếu nay giao hết cho TAND giải quyết thì sẽ không bảo đảm tính khả thi. Nguyên nhân là do đội ngũ thẩm phán, cán bộ của TAND các cấp hiện nay còn hạn chế về số lượng, chất lượng.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu cho hoạt động; việc xét xử các vụ án, nhất là các vụ án dân sự trong thời gian vừa qua cho thấy phải qua các cấp xét xử, mất rất nhiều thời gian, có những vụ án dân sự phải giải quyết trong nhiều năm.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thực tiễn cho thấy có nhiều tranh chấp đất đai giao cho UBND các cấp giải quyết thì hợp lý, hiệu quả hơn. Lý do được đưa ra là vì các cơ quan này trực tiếp quản lý, giao đất, cho thuê đất, thanh tra, kiểm tra,… nên họ nắm rất chắc tình trạng mảnh đất có tranh chấp, các mâu thuẫn, tranh chấp đất đai và từ đó đưa ra phương án giải quyết hợp lý, chính xác, thuyết phục, sẽ được các bên dễ chấp nhận.

Ngoài ra, việc giao cho TAND giải quyết thì đơn vị này sẽ phải dành nhiều thời gian nghiên cứu vụ việc tranh chấp, tìm hiểu nguyên nhân tranh chấp, mảnh đất có tranh chấp và các vấn đề khác có liên quan.

Còn các bên tranh chấp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nhiều kinh phí, mất nhiều thời gian tham gia trong quá trình giải quyết, như thuê luật sư, tiến hành hòa giải, tham gia các phiên tòa, các hoạt động khác có liên quan,…

“Vì vậy, tôi đề nghị nên quy định cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai theo hướng là khi có tranh chấp thì UBND cấp xã nơi có tranh chấp tổ chức hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì tùy theo tính chất, mức độ tranh chấp mà giao cho UBND cấp có thẩm quyền giải quyết.

Trường hợp các bên không đồng ý với quyết định giải quyết của UBND thì có thể đề nghị UBND cấp trên trực tiếp giải quyết (lần 2) hoặc khởi kiện vụ án dân sự tại TAND để giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”, ông Luyến kết lại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ