Dự thảo Luật Đất đai, siết quy định để xóa dự án 'treo'

GD&TĐ - Góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều ý kiến chung quan điểm là cần có những quy định cụ thể để những dự án 'treo' bớt 'hành' dân.

Gia đình chị Phùng Thị Nhi chấp nhận nộp tiền phạt để có thể sửa chữa một số hạng mục đã xuống cấp bên trong căn nhà cấp 4.
Gia đình chị Phùng Thị Nhi chấp nhận nộp tiền phạt để có thể sửa chữa một số hạng mục đã xuống cấp bên trong căn nhà cấp 4.

Góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi, sau đây gọi tắt là Dự thảo), nhiều ý kiến chung quan điểm là cần có những quy định cụ thể để những dự án “treo” bớt “hành” dân.

Sống mòn trong dự án “treo”

Dự án chậm triển khai, “ôm” đất nằm im được nhiều người vẫn gọi là dự án “treo”. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện dự án “treo”.

Từ nguyên nhân khách quan là các văn bản luật, văn bản dưới luật quy định chồng chéo gây vướng mắc cho chủ đầu tư; việc điều chỉnh quy hoạch qua các thời kỳ cũng ảnh hưởng lớn tới tiến độ dự án. Nguyên nhân chủ quan hàng đầu vẫn là năng lực của chủ đầu tư không đủ để thực hiện dự án.

Theo quy định, đối với dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Thế nhưng, thực tế, nhiều chủ đầu tư, sau thời hạn này vẫn “ôm” đất trong nhiều năm tiếp theo mà không triển khai bất cứ hạng mục nào.

Người dân vướng dự án “treo” không mua bán chuyển nhượng được vì không có “sổ đỏ”. Nhà nằm trong quy hoạch nhếch nhác, tạm bợ, xuống cấp, có muốn sửa chữa để ở tạm cũng khó khăn đủ đường.

Đây là tình cảnh của hàng trăm hộ dân nằm trong Dự án quy hoạch công viên hồ điều hòa Hạ Đình (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Sở hữu mảnh đất nằm ngay trên khu đất “vàng” đắc địa, nhưng từ nhiều năm nay, 4 thành viên trong gia đình chị Phùng Thị Nhi phải chật vật sống trong căn nhà cấp 4. Diện tích đất lớn, 2 mặt đều giáp đường nhưng gia đình chị Nhi không thể sửa sang, xây mới được do vướng vào dự án “treo” hơn 20 năm.

Gia đình hiện đang làm về may mặc nên toàn bộ diện tích sàn dưới được chị Nhi bố trí để tập kết nguyên vật liệu. Còn lại, 4 thành viên phải trên tầng gác lửng chưa đến 20 m2.

“Chúng tôi sinh sống ở đây từ ngày các cháu còn nhỏ cho đến bây giờ cháu lớn của gia đình cũng đã là sinh viên rồi nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành”, chị Nhi cho biết.

Gia đình ông Đặng Đình Đảm, Tổ trưởng Tổ dân phố số 9 cũng khốn khổ vì dự án Quy hoạch công viên hồ điều hòa Hạ Đình.

Gia đình ông Đặng Đình Đảm, Tổ trưởng Tổ dân phố số 9 cũng khốn khổ vì dự án Quy hoạch công viên hồ điều hòa Hạ Đình.

Ẩm thấp khi trời mưa, nóng bức khi vào Hè, cực chẳng đã, gia đình chị Nhi đã phải chấp nhận nộp phạt để có thể cải tạo một số hạng mục trong căn nhà với mong muốn cuộc sống của vợ chồng chị và 2 người con bớt vất vả hơn.

Là Tổ trưởng Tổ dân phố số 9 và số 10 của phường Hạ Đình, nhưng gia đình ông Đặng Đình Đảm và bà Nguyễn Thị Liên cũng chịu chung số phận tương tự khi 4 thế hệ trong gia đình với 7 - 8 thành viên phải sinh sống trong những ngôi nhà chật hẹp, xuống cấp. Việc xây mới, sửa chữa là không thể do những vướng mắc liên quan đến Dự án quy hoạch công viên hồ điều hòa Hạ Đình.

“Người dân tại đây đã được TP Hà Nội cấp đất giãn dân một cách hợp pháp, nhưng đến giờ vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng và sửa chữa nhà cửa theo đúng quyền lợi.

Tổ dân phố cũng đã nhiều lần bày tỏ nguyện vọng, phản ánh với các cơ quan chức năng, nhưng đến nay, sự việc vẫn rối như tơ vò và chưa được giải quyết triệt để”, ông Đảm chia sẻ.

Quy định chế tài xử lý khi xuất hiện các dự án “treo”

Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội.

Bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội.

Vấn đề liên quan đến những dự án “treo” cũng được đưa ra bàn luận sôi nổi, góp ý trong Dự thảo. Theo Điều 80 của Dự thảo, trong số các trường hợp sẽ bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai có trường hợp: “Chậm tiến độ quá 48 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư mà chủ đầu tư chưa hoàn thành dự án đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng”.

Về nội dung này, nhiều ý kiến góp ý cho rằng, việc quy định thời gian thực hiện dự án đầu tư, cũng như quy định chế tài thu hồi đất khi vi phạm thời gian thực hiện dự án là rất cần thiết.

Đây được xem là cơ sở pháp lý để nói không với dự án chậm tiến độ. Quy định này cũng nhằm siết chặt tình trạng dự án “treo”, dự án mà chủ đầu tư cố tình “xí phần” nhưng không đưa vào sử dụng.

Ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, cho biết, đối với những dự án chậm tiến độ, đã được Nhà nước gia hạn 12 tháng, 24 tháng, cần xem xét, bổ sung chế tài cụ thể là trong thời hạn bao nhiêu tháng phải thực hiện xong, nếu không hoàn thành nhiệm vụ, cần phải thu hồi đất, để hạn chế tình trạng dự án “treo” nhiều năm.

Trong khi đó, bà Phạm Hải Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội, cho rằng, không ít dự án chậm triển khai lên đến hơn chục năm, ảnh hưởng rất lớn đến quyền của người sử dụng đất.

Do đó, bà Hoa đề nghị cần làm rõ hơn quyền của người sử dụng đất trong vùng quy hoạch đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, luật cần quy định chế tài xử lý và thực hiện nghiêm khi xuất hiện các dự án “treo” để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất và việc sử dụng đất hiệu quả, tránh lãng phí.

Trong khuôn khổ Dự thảo, tại Điều 74 về việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có nêu: “Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 3 năm kể từ ngày phê duyệt và được tiếp tục cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất của năm tiếp theo mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.

Trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố công khai thì người sử dụng đất không bị hạn chế về các quyền sử dụng đất đã được pháp luật quy định”.

Về nội dung này, Chủ tịch Hội Nông dân TPHCM, Nguyễn Thanh Xuân đánh giá là phù hợp nhằm giảm bớt tình trạng quy hoạch các dự án nhưng không thực hiện đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Bà Xuân cũng kiến nghị cần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng đất, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành, lĩnh vực.

Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải đáp ứng nhu cầu chính đáng, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; tránh tình trạng để đất bỏ hoang, không đưa vào sử dụng đúng mục đích đã được phê duyệt theo quy hoạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ