Góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi, sau đây gọi là Dự thảo), chuyên gia kiến nghị cần có quy định rõ để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.
Trẻ em thuộc nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội
Dự thảo gồm 16 chương, 236 điều được đưa ra lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1 và kéo dài đến ngày 15/3. Đối tượng lấy ý kiến góp ý về Dự thảo bao gồm các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp…
Dự thảo có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, đó là trẻ em. Cụ thể, tại Điểm d, Khoản 2, Điều 104 của Dự thảo về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất có nêu rõ “Hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, người cao tuổi theo quy định của pháp luật”.
Liên quan đến nội dung này, luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Ủy viên BCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Chi hội phó Chi hội Luật sư vì quyền trẻ em góp ý nên sửa từ “trẻ em chưa đến tuổi lao động” trong Dự thảo thành trẻ em dưới 16 tuổi.
Luật sư Hảo cho rằng, việc quy định trẻ em chưa đến tuổi lao động sẽ không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em. Theo quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em 2016 thì “trẻ em là người dưới 16 tuổi” nhưng tại Điều 143 Bộ luật Lao động 2019 lại cho rằng người chưa đủ 13 tuổi cũng có thể làm các công việc theo quy định pháp luật.
Những công việc này được bà Hảo dẫn chứng như: Các công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao nhưng không làm tổn hại đến sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách của người chưa đủ 13 tuổi.
Từ đó, bà Hảo cho rằng, việc Dự thảo nêu “hỗ trợ trẻ em chưa đến tuổi lao động” sẽ chưa bao quát và không cụ thể được quyền và lợi ích mà trẻ em được bảo vệ theo quy định tại Luật Trẻ em 2016. Để có sự đồng bộ, thống nhất giữa các văn bản pháp luật, bà Hảo kiến nghị quy định rõ là “hỗ trợ cho trẻ em dưới 16 tuổi”.
Ngoài ra, theo luật sư Hảo, tại Điều 143 Dự thảo quy định về nguyên tắc, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nên bổ sung: “Người chưa thành niên được quyền đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Khi người chưa thành niên đứng tên quyền sử dụng đất phải có người giám hộ”.
Luật sư Hảo lý giải, pháp luật về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định trẻ em có quyền tài sản riêng là bất động sản và việc định đoạt tài sản là quyền sử dụng đất của trẻ em phải có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật.
Trên thực tế vẫn có trường hợp bố mẹ tặng cho quyền sử dụng đất khi con chưa đủ 18 tuổi nên để có căn cứ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho trẻ em thì nên có quy định trong Luật Đất đai.
Lấy ý kiến góp ý của trẻ em về Dự thảo là đúng quy định
Ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam |
Vào ngày 9/3, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức lấy ý kiến của học sinh đang học tập tại Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về Dự thảo.
Sự kiện thu hút sự quan tâm của dư luận với những ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một vấn đề mang tính vĩ mô, các em còn chưa có tài sản đất đai riêng nên việc lấy ý kiến là không phù hợp.
Tuy nhiên, ông Hà Đình Bốn, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ - TB&XH) cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào Dự thảo là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.
Ông Bốn giải thích bằng việc dẫn quy định tại Khoản 5, Điều 5, Luật Trẻ em nêu rõ “Khi xây dựng chính sách, pháp luật tác động đến trẻ em, phải xem xét ý kiến của trẻ em và của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bảo đảm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội quốc gia, ngành và địa phương”.
Bên cạnh đó, tại Khoản 4, Điều 92, Luật Trẻ em có giao Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam “kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em chuyển đến các cơ quan Nhà nước để góp ý, tư vấn cho việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về quyền trẻ em; tham gia giám sát thực hiện quyền trẻ em; phát biểu chính kiến và kiến nghị của Hội đối với các cơ quan Nhà nước có liên quan về các vấn đề về trẻ em và việc vi phạm pháp luật về trẻ em”.
Ông Bốn cho rằng đó là các quy định pháp luật rất rõ ràng. “Luật Đất đai đang được nghiên cứu, sửa đổi toàn diện lần này có nội dung liên quan đến nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có trẻ em.
Chẳng hạn, cần đặt ra các yêu cầu khi thu hồi đất thì cần đảm bảo những điều kiện thế nào cho trẻ em đang cư trú hoặc có đời sống gia đình liên quan đến khu đất đó, trường hợp nào thì trẻ em cần được hỗ trợ”, ông Bốn cho biết.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, trẻ em là đối tượng dưới 16 tuổi, nên hội đã cân nhắc để lấy ý kiến độ tuổi cho phù hợp, chứ không phải ngẫu nhiên, tuỳ tiện. Hội đã lựa chọn lứa tuổi từ 14 - 15 là học sinh lớp 9, các em đã có căn cước công dân và độ tuổi này đã đủ hiểu biết nhận thức hành vi.
Ngoài ra, theo ông Bốn, gia đình học sinh có đất bị Nhà nước thu hồi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các em, khi các em là người phải sống phụ thuộc vào gia đình. Vì vậy, luật cần phải tính toán tới để có chính sách lâu dài.
Hay trẻ em có quyền có tài sản đó là quyền được cho, được thừa kế và người lớn là người giám hộ, bảo vệ. Điều này đã có trong Bộ luật Dân sự nhưng Luật Đất đai sửa đổi cần tạo điều kiện hơn nữa cho trẻ em.
“Trong nội dung buổi hội thảo, chúng tôi cũng có nhiều câu hỏi mở như: Các em có muốn đứng tên không, có đồng ý hay uỷ quyền... chúng tôi chỉ chọn một vài vấn đề có liên quan đến gia đình có trong dự thảo luật.
Dù sao trong thời gian vừa qua có rất nhiều vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai trong gia đình, dòng họ, vì vậy luật cần phải quy định một cách rõ ràng minh bạch và hạn chế sửa đổi”, ông Bốn nhấn mạnh.