Đường dây hối lộ làm hồ sơ đất ở Thanh Hóa bị lật tẩy thế nào?

GD&TĐ - Đường dây đưa, nhận hối lộ quy mô lớn liên quan đến việc xử lý hồ sơ đất đai tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) đã bị cơ quan bảo vệ pháp luật triệt phá...

Nguyễn Thế Hùng (áo sáng thứ 2 từ bên phải qua) bị khởi tố, bắt tạm giam vào giữa năm 2024.
Nguyễn Thế Hùng (áo sáng thứ 2 từ bên phải qua) bị khởi tố, bắt tạm giam vào giữa năm 2024.

Muốn nhanh phải chi tiền “bôi trơn”

Theo hồ sơ của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn, đơn vị sự nghiệp công lập, chịu sự quản lý trực tiếp của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Thanh Hóa (thuộc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cũ, nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa) có chức năng thực hiện đăng ký đất đai, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2023, thấy nhu cầu làm hồ sơ liên quan đến đất đai của người dân trên địa bàn tăng cao, Nguyễn Thế Hùng (SN 1979), Giám đốc và Lê Huy Hoàng (SN 1986), Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thống nhất và chỉ đạo Đỗ Thị Chiến và Trần Nguyệt Thu (là nhân viên chi nhánh) kéo dài thời gian, buộc người dân phải đưa tiền cao hơn so với quy định mới được giải quyết hồ sơ.

Ngoài ra, khi người dân có nhu cầu tách sổ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, đề nghị cấp mới, cấp đổi, sang tên đổi chủ và làm thủ tục biến động về đất đai đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn nộp hồ sơ, nhân viên chi nhánh không hướng dẫn cụ thể các thủ tục, cũng không hướng dẫn cách khắc phục, bổ sung, mà trả lại hồ sơ nhiều lần hoặc không trả kết quả đúng theo thời hạn ghi trong giấy hẹn…

Từ đó, buộc người dân phải thông qua các đối tượng trung gian, đưa tiền cho các đối tượng này đứng ra nhận làm hồ sơ, thủ tục cho đến khi được cấp giấy tờ đất đai. Sau khi thỏa thuận và nhận tiền từ trung gian, nhân viên chi nhánh đã sử dụng số tiền này đưa cho Nguyễn Thế Hùng khi trình ký hồ sơ giải quyết nhanh, với số tiền là 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/hồ sơ.

Nhân viên chi nhánh còn liên hệ, thỏa thuận và đưa tiền cho Trịnh Thị Hoa, cán bộ phụ trách thuế khu vực Sầm Sơn - Quảng Xương với số tiền từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/hồ sơ nhằm tác động để có nhanh kết quả giải quyết hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai.

Đồng thời, liên hệ, thỏa thuận và đưa tiền cho cán bộ thuộc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Thanh Hóa phụ trách Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn, với số tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/hồ sơ để các cán bộ này “ưu tiên” ký nhanh các thủ tục thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của mình theo yêu cầu của bên trung gian.

Đưa, nhận tiền theo cách nào?

Trong thời gian từ năm 2021-2023, với vai trò là Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn, Nguyễn Thế Hùng là người thẩm định cuối cùng và ký phiếu thông tin nghĩa vụ tài chính, ký biến động trên bìa hoặc ký phiếu thẩm định chuyển Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Thanh Hóa trong lĩnh vực đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.

Đối với hồ sơ mà nhân viên chi nhánh nhận tiền của bên trung gian để làm nhanh, khi trình Nguyễn Thế Hùng duyệt và ký, nhân viên sẽ báo cáo là hồ sơ có nhu cầu làm nhanh và đưa tiền trực tiếp hoặc để tiền vào hồ sơ để trong phòng làm việc riêng của Hùng. Cách thức này được thực hiện liên tục trong thời gian dài. Tổng số tiền mà Nguyễn Thế Hùng nhận hối lộ từ 9 nhân viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn là 458 triệu đồng.

Các bị can là nhân viên chi nhánh gồm: Lê Thị Oanh bị cáo buộc nhận hối lộ là 440 triệu đồng, đưa hối lộ 185 triệu đồng (đã làm tròn số); Vũ Văn Quang nhận hối lộ 296 triệu đồng, đưa hối lộ 154 triệu đồng; Lê Hải Đăng nhận hối lộ 290 triệu đồng, đưa hối lộ 216 triệu đồng; Trần Thị Xuân nhận hối lộ 254 triệu đồng, đưa hối lộ 120 triệu đồng.

Nguyễn Ngọc Anh nhận hối lộ 191 triệu đồng, đưa hối lộ 225 triệu đồng; Nguyễn Thị Hiên nhận hối lộ 167 triệu đồng, đưa hối lộ 79 triệu đồng; Lê Thị Thúy An nhận hối lộ 132 triệu đồng, đưa hối lộ 81 triệu đồng; Phạm Thị Trang nhận hối lộ 104 triệu đồng, đưa hối lộ là 42 triệu đồng; Trần Nguyệt Thu nhận hối lộ 41 triệu đồng.

Trịnh Thị Hoa, cán bộ Chi cục thuế khu vực Sầm Sơn - Quảng Xương nhận 381 triệu đồng; các bị can thuộc Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Thanh Hoá là Cao Thị Thùy Dung nhận 405 triệu đồng; Lê Xuân Tường nhận 261 triệu đồng; Cao Xuân Hiệp nhận 188 triệu đồng. Ngoài ra, trong vụ án này còn có 21 bị can là đối tượng trung gian có hành vi đưa hối lộ. Hầu hết là cán bộ, công chức cấp xã, phường, nhân viên phòng công chứng…

Cáo trạng xác định, Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc; Lê Huy Hoàng, Phó Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn; Đỗ Thị Chiến, Trần Nguyệt Thu nhân viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn đã có hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, bằng cách để kéo dài thời gian, buộc người dân phải đưa tiền cao hơn so với quy định mới được giải quyết hồ sơ.

Ở hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Nguyễn Thế Hùng phải chịu trách nhiệm với thiệt hại cho người dân, số tiền là 27 triệu đồng; Lê Huy Hoàng 237 triệu đồng; Đỗ Thị Chiến 264 triệu đồng; Trần Nguyệt Thu 219 triệu đồng.

Ngày 12/5, TAND tỉnh Thanh Hoá sẽ mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đối với Nguyễn Thế Hùng (SN 1979), nguyên Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Sầm Sơn và 43 đồng phạm về các tội “Nhận hối lộ”; “Đưa hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trước đó, vào ngày 28/4, phiên xét xử đã không diễn ra như dự kiến do luật sư của một bị cáo có đơn xin hoãn và toàn bộ bị hại cũng có đơn xin vắng mặt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đào tạo nguồn nhân lực chiến lược làm chủ công nghệ, làm chủ AI là vấn đề cấp thiết trong thời đại mới.

Chọn ngành trong thời đại AI

GD&TĐ - Chọn ngành không chỉ dựa vào “ngành hot” hay “điểm chuẩn”, mà phải nhìn xa hơn về xu thế nhân lực 5-10 năm tới..

Ảnh minh họa INT.

Tăng tốc đầu tư dạy 2 buổi/ngày ở THCS

GD&TĐ - Đến nay, nhờ các địa phương quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tuyển giáo viên theo định mức, số trường THCS đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày chiếm tỷ lệ khả quan, khoảng 60%.

Học sinh Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức, TPHCM). Ảnh minh họa: INT

Dạy học 2 buổi/ngày sao cho hiệu quả?

GD&TĐ - Khẳng định lợi ích của dạy học 2 buổi/ngày với nâng cao chất lượng giáo dục, các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cũng nhận diện khó khăn, thách thức...