Đó là quan điểm của giảng viên Lê Thị Thơm (Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây).
Cô Thơm cho rằng, với cách hiểu quản lý sinh viên bao gồm cả quản lí quá trình đào tạo và quản lí quá trình rèn luyện của sinh viên thì thực chất của đổi mới trong đào tạo tín chỉ là đổi mới hình thức quản lí sinh viên.
Hiện nay, vấn đề quản lí sinh viên đang tồn tại thực trạng: Hệ thống văn bản pháp lí và pháp quy của một số trường trường chưa ổn định; bộ phận chức năng lúng túng trong việc tìm cách đổi mới hình thức quản lý sinh viên và các thành tố liên quan trực tiếp đến quá trình dạy học nhiều khi còn chưa ý thức hết vai trò, trách nhiệm của mình.
Trước thực trạng trên, cô Thơm cho rằng, để quản lí sinh viên thực sự có hiệu quả, xuất phát từ đặc trưng của phương thức đào tạo tín chỉ và điều kiện thực tiễn, nhà trường cần thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp cho 3 nhóm đối tượng trực tiếp liên quan đến quá trình đào tạo sinh viên.
Đó là: Điều chỉnh, bổ sung một số hoạt động của bộ phận Công tác học sinh sinh viên; quản lí chất lượng học tập của sinh viên dựa vào mục tiêu đào tạo đã được xác định; thay đổi vị trí, vai trò của một số thành tố trong quá trình dạy - học mà trực tiếp là giảng viên và sinh viên.
Đổi mới từ bộ phận công tác học sinh sinh viên
Theo cô Thơm, Phòng Công tác học sinh sinh viên cần có định hướng và hoạt động cụ thể, sát thực để quản lí tốt và đảm bảo quyền lợi cho sinh viên phù hợp với phương thức đào tạo mới.
Để làm được điều đó, cần đổi mới từ công tác quản lí hồ sơ sinh viên. Thay vì quản lí theo ngành của từng khóa như đào tạo niên chế, chỉ cần quản lí cụ thể hồ sơ của từng sinh viên (vì cùng năm tuyển sinh, có thể mỗi sinh viên ở một năm đào tạo khác nhau).
Xét học tiếp theo học kì chứ không theo năm học, nên cần đảm bảo chính xác dữ liệu về sinh viên trong từng học kì từ khi nhập học đến khi ra trường.
Cùng với đó, xây dựng lại chế độ khen thưởng, học bổng và rèn luyện cho phù hợp với quy chế mới; lưu ý tuyển người làm công tác chủ nhiệm lớp, vừa vững chuyên môn, ngành nghề, vừa hiểu rõ hoàn cảnh, khả năng của sinh viên...
Quản lí chất lượng học tập của sinh viên dựa vào mục tiêu đào tạo
Hiện nay, việc quản lí chất lượng đào tạo của sinh viên còn nặng về hành chính, coi trọng điểm số. Thậm chí kết quả học tập của sinh viên thông qua điểm số chỉ nhằm để đánh giá xem sinh viên đỗ hay trượt mà chưa thật sự phân tích, đánh giá xem kết quả đã đạt được các mục tiêu đã được xác định không, đạt đến ở mức độ nào, nguyên nhân do đâu?...
Từ đó, có những điều chỉnh cần thiết để mục tiêu đề ra có tính khả thi góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo cô Thơm, các thành tố trong nhà trường đều tham gia vào việc quản lí, thực chất là quản lí mục tiêu mà từng cấp bậc đã xác lập. Không quản lí quá trình dạy học, giảm bớt việc quản lí mang tính chất hành chính.
Như vậy, thay vì chỉ quản lí phần ở giữa, đó là quá trình dạy học; nay nhà trường nên quản lí quy trình dạy học.
Kết quả kiểm tra, đánh giá được phân tích, đối chiếu với mục tiêu để tác động trở lại quá trình dạy học và có điều chỉnh cần thiết.
Từ quy trình này, người giảng viên mới đề xuất nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp để đạt mục tiêu.
Và điều quan trọng, là kiểm tra, đánh giá phải bám vào hệ mục tiêu đã xác định.
Tuy nhiên, muốn đạt được điều này, cô Thơm cho rằng cần có sự chặt chẽ, khoa học, đồng bộ ở tất cả các khâu, các cấp. Nhà trường cần xác định mục tiêu là công cụ để tiến hành kiểm tra đánh giá chất lượng đào tạo.
Để thực hiện được nhóm giải pháp này một cách khách quan, phòng Kiểm định chất lượng phải hoạt động song song, độc lập với phòng Đào tạo.
Phòng Đào tạo là đơn vị chức năng quản lí chuẩn đầu ra; quản lí chương trình giáo dục và đề cương chi tiết học phần và quản lí, tổ chức, điều hành hoạt động dạy - học để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra.
Bộ phận đào tạo nhận kết quả phân tích từ bộ phận kiểm định chất lượng để điều chỉnh nội dung, chương trình, phương pháp dạy học.
Phòng Kiểm định chất lượng với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện việc tổ chức và đánh giá chất lượng đào tạo. Như vậy, mọi hoạt động liên quan đến quá trình đào tạo trở nên khách quan hơn.
Ở chức năng này, phòng Kiểm định cần cử dụng hệ thống đề thi, kiểm tra từ ngân hàng câu hỏi. Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi hướng tới bám sát mục tiêu, nội dung chương trình.
Sau khi tổ chức thi và chấm thi theo đúng quy chế, quy trình, phòng Kiểm định cần tổ chức phân tích, đánh giá hiện trạng kết quả học tập của sinh viên trên cơ sở lấy mục tiêu đã được xác định làm tiêu chí để so sánh, đối chiếu.
Đồng thời, tìm nguyên nhân, phối hợp với bộ phận Đào tạo đề xuất giải pháp thực hiện để đạt được mục tiêu đã xác định.
Trên cơ sở tổng hòa mục tiêu thuộc các môn học trong một chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra lúc này mới được hiện thực hóa.
Thay đổi vị trí, vai trò một số thành tố trong quá trình dạy học
Với nội dung này, cô Thơm cho rằng, trong đào tạo tín chỉ, do yêu cầu đòi hỏi từ các loại hình giờ học, ngoài việc giảng dạy, người dạy phải đồng thời nắm chắc chuẩn đầu ra ngành học, mục tiêu chương trình đào tạo của ngành học và mục tiêu học phần mà mình giảng dạy.
Giảng viên cũng phải hiểu rõ ngành học của sinh viên, hiểu được những gì sinh viên cần trong quá trình học tập và xác định được sinh viên có thể tự làm được những gì để đạt được yêu cầu của môn học, ngành học.
Trên cơ sở đó, giảng viên hướng dẫn cho sinh viên cách thức để thực hiện được nhiệm vụ đề ra; từ đó, sinh viên phát huy được vai trò chủ động, sáng tạo của mình…
Tóm lại, giảng viên phải thể hiện mình như một nhạc trưởng trong dàn nhạc, tạo sự chú ý cho người học và điều khiển quá trình học tập của sinh viên.
Có như thế mới có thể lôi cuốn sinh viên, tập hợp họ, tổ chức cho họ học tập. Lấy người học làm trung tâm của hoạt động đào tạo, giảng viên phải tạo điều kiện cho người học thật sự trở thành người đàm phán tích cực và có hiệu quả với chính mình trong quá trình học tập với các thành viên trong nhóm và với người dạy.
Về phía người học, không thể là người thu nhận kiến thức thụ động từ người dạy, từ sách vở mà phải là những người biết cách học.
Nắm chắc kế hoạch đào tạo cực kì quan trọng trong đào tạo tín chỉ. Nếu không làm được điều này, sinh viên không thể chủ động được các hoạt động trong quá trình học như đăng kí môn học, lớp học, xây dựng kế hoạch học tập từng kì, từng năm…
Sinh viên cũng cần nắm chắc và chuẩn bị các yêu cầu trong đề cương môn học đã được giảng viên phát từ đầu học kì; cập nhật thông tin và điều chỉnh kế hoạch học tập cho phù hợp với những mục tiêu đã được xác định trong từng năm học.
Sinh viên đồng thời phải là người tham gia vào môi trường cộng tác dạy học, cung cấp thông tin phản hồi về bản thân mình cho người dạy để người dạy điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp.