Nâng cao hiệu quả quản lý sinh viên trong đào tạo tín chỉ

GD&TĐ - Để việc quản lí sinh viên thật sự có hiệu quả trong đào tạo tín chỉ cần thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp cho 3 nhóm đối tượng trực tiếp liên quan đến quá trình đào tạo là chia sẻ của ThS Lê Thị Thơm (Trường CĐSP Hà Tây).

Nâng cao hiệu quả quản lý sinh viên trong đào tạo tín chỉ

Điều chỉnh hoạt động công tác HSSV

Với chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình, Phòng Công tác HSSV cần có những định hướng và hoạt động cụ thể, sát thực để quản lí tốt và đảm bảo quyền lợi cho sinh viên phù hợp với phương thức đào tạo mới.

Để làm tốt điều này, Phòng Công tác HSSV cần đổi mới công tác quản lí hồ sơ sinh viên. Thay vì quản lí hồ sơ sinh viên theo ngành của từng khóa như trong đào tạo niên chế, cần quản lí cụ thể hồ sơ của từng sinh viên (vì cùng năm tuyển sinh, có thể mỗi sinh viên ở một năm đào tạo khác nhau). 

Xét học tiếp theo học kì chứ không theo năm học, nên cần đảm bảo chính xác dữ liệu về sinh viên trong từng học kì từ khi nhập học đến khi ra trường.

Tiếp đó, xây dựng lại chế độ khen thưởng, học bổng và rèn luyện cho phù hợp với quy chế mới về đào tạo tín chỉ. Theo dõi quá trình khen thưởng, kỉ luật, quá trình học tập của sinh viên cũng như kết quả của cách tính điểm mới làm căn cứ để xét điểm rèn luyện, học bổng, khen thưởng.

Đào tạo theo tín chỉ sẽ song song tồn tại hai loại hình lớp học: lớp tuyển sinh/lớp hành chính và lớp học phần. Lớp tuyển sinh/ lớp hành chính tổ chức theo khoá học của ngành đào tạo duy trì trong cả khoá đào tạo, có tên riêng, có lớp trưởng, hệ thống Đoàn, Hội sinh viên do giảng viên chủ nhiệm lớp phụ trách.

Giảng viên chủ nhiệm đồng thời đảm nhiệm vai trò cố vấn học tập cho sinh viên trong lớp về đào tạo như giúp đỡ sinh viên lập kế hoạch học tập trong từng học kì và kế hoạch cho toàn bộ khoá học. 

Tổ chức hoạt động của lớp sinh viên, vai trò và trách nhiệm của giảng viên chủ nhiệm được quy định trong Quy chế công tác sinh viên của nhà trường.

Lớp học phần được tổ chức theo từng học phần dựa trên kết quả đăng kí khối lượng học tập của sinh viên ở từng học kì. Mỗi lớp học phần có thời khoá biểu, lịch thi, có mã số riêng. 

Mỗi lớp học phần có một lớp trưởng, lớp phó do khoa phụ trách chuyên môn học phần chỉ định và chịu sự quản lí của khoa. Trong điều kiện hiện nay của nhà trường, nên duy trì lớp tuyển sinh /lớp hành chính do giảng viên chủ nhiệm lớp phụ trách.

Vì giáo viên chủ nhiệm cũng chính là cố vấn học tập nên cần được lựa chọn kỹ, đào tạo, bồi dưỡng. Vị trí, vai trò của giảng viên chủ nhiệm khác trước: Giảng viên chủ nhiệm vừa là người quản lí về mặt hành chính vừa là người cố vấn về học tập (quản lí cả việc học trên lớp cả việc tự học của sinh viên ở nhà).

Ngoài những tiêu chí hiện có, giáo viên chủ nhiệm trong đào tạo tín chỉ phải hiểu rõ về chuyên môn, ngành nghề, hiểu rõ hoàn cảnh, khả năng của sinh viên. Đồng thời, am hiểu quá trình, kế hoạch đào tạo của ngành học để tư vấn cho sinh viên một lộ trình hợp lí trong quá trình học tập.

Quản lí chất lượng học tập dựa vào mục tiêu đào tạo


Hiện nay, việc quản lí chất lượng đào tạo của sinh viên còn nặng về hành chính, coi trọng điểm số. Thậm chí kết quả học tập của sinh viên thông qua điểm số chỉ nhằm để đánh giá xem sinh viên đỗ hay trượt mà các cấp quản lí chưa thật sự tập trung dừng lại để đánh giá kết quả đạt được so với mục tiêu đã xác định. 

Phân tích, đánh giá xem với kết quả ấy thì các mục tiêu đã được xác định có đạt được không? Đạt đến ở mức độ nào? Nguyên nhân do đâu?... Từ đó có những điều chỉnh cần thiết để mục tiêu đề ra có tính khả thi góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Để thực hiện được nhóm giải pháp một cách khách quan, Phòng Kiểm định chất lượng phải hoạt động song song, độc lập với Phòng Đào tạo.

Liên quan trực tiếp đến việc quản lí chất lượng đào tạo theo mục tiêu, mỗi phòng sẽ đảm nhiệm những chức năng sau:

Phòng Đào tạo là đơn vị chức năng quản lí chuẩn đầu ra; quản lí chương trình giáo dục và đề cương chi tiết học phần; quản lí, tổ chức, điều hành hoạt động dạy - học để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra. Bộ phận đào tạo nhận kết quả phân tích từ bộ phận kiểm định chất lượng để điều chỉnh nội dung, chương trình, phương pháp dạy học.

Phòng Kiểm định chất lượng với nhiệm vụ trọng tâm là thực hiện việc tổ chức và đánh giá chất lượng đào tạo.

Ở chức năng này, Phòng Kiểm định cần sử dụng hệ thống đề thi, kiểm tra từ ngân hàng câu hỏi. Bởi, như một hệ quả logic, từ mục tiêu đã xác định, một ngân hàng câu hỏi đề thi sẽ được xây dựng theo các mức độ nhận thức khác nhau để việc kiểm tra, đánh giá không bị phụ thuộc vào sự “khoanh vùng” kiến thức của người dạy. Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi sẽ hướng tới việc bám sát mục tiêu, nội dung chương trình.

Sau khi tổ chức thi và chấm thi theo đúng quy chế, quy trình, Phòng Kiểm định cần tổ chức phân tích, đánh giá hiện trạng kết quả học tập của sinh viên trên cơ sở lấy mục tiêu đã được xác định làm tiêu chí để so sánh, đối chiếu.

Tìm nguyên nhân, phối hợp với bộ phận Đào tạo đề xuất giải pháp thực hiện để đạt được mục tiêu đã xác định (tác động quay trở lại với nội dung chương trình, phương pháp dạy học, hình thức kiểm tra đánh giá.). Trên cơ sở tổng hòa mục tiêu thuộc các môn học trong một chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra lúc này mới được hiện thực hóa.

Thay đổi vị trí, vai trò 1 số thành tố trong quá trình dạy - học

Thứ nhất, về phía người dạy: Trong đào tạo tín chỉ, do yêu cầu đòi hỏi từ các loại hình giờ học, ngoài việc giảng dạy, người dạy phải bảo đảm một số vai trò sau:

Giáo viên phải nắm chắc chuẩn đầu ra ngành học, mục tiêu chương trình đào tạo của ngành học và mục tiêu học phần mà mình giảng dạy; phải hiểu rõ ngành học của sinh viên, hiểu được những gì sinh viên cần trong quá trình học tập và xác định được sinh viên có thể tự làm được những gì để đạt được yêu cầu của môn học, ngành học. Trên cơ sở đó, hướng dẫn sinh viên cách thức để thực hiện được nhiệm vụ đề ra

Với tư cách là cố vấn cho quá trình học tập, khi giảng bài cũng như khi hướng dẫn sinh viên thảo luận, giáo viên phải lựa chọn những vấn đề cốt lõi, quan trọng; phải hoạt động như một thành viên tham gia vào quá trình học tập của sinh viên. 

Với tư cách vừa là cố vấn vừa là người tham gia vào quá trình học tập, giáo viên có điều kiện giúp sinh viên tháo gỡ những khó khăn trong học tập và nghiên cứu.

Giáo viên - người học lại: Nếu thực hiện được vai trò của người học thì giáo viên mới phát huy được tính tích cực của người học, lựa chọn được phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phù hợp.

Về phía sinh viên, phải nắm chắc kế hoạch đào tạo của ngành học. Nắm chắc và chuẩn bị các yêu cầu trong đề cương môn học đã được giáo viên phát từ đầu học kì.

Trong đề cương môn học có những nội dung tối cần thiết với người học như: mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể của từng chương phần, các nội dung cơ bản của học phần, các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học của giáo viên cho từng nội dung kiến thức, những chính sách với môn học, hình thức kiểm tra, đánh giá và đặc biệt là những thông tin cụ thể, chi tiết về tài liệu tham khảo cho từng nội dung.

Nếu không có những thông tin này, việc học không khác gì việc đi mà không có phương tiện và đích đến.

Sinh viên phải cập nhật thông tin và điều chỉnh kế hoạch học tập cho phù hợp với những mục tiêu đã được xác định trong từng năm học. Sinh viên có thể nhận ra rằng các chiến lược học tập trước đó không phù hợp và có thể được thay thế bằng một chiến lược mới phù hợp hơn. Quá trình điều chỉnh này được gọi là quá trình đàm phán với chính mình trong quá trình học tập.

Sinh viên cũng phải là người tham gia vào môi trường cộng tác dạy - học, cung cấp thông tin phản hồi về bản thân mình cho người dạy để người dạy điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ