Một bé trai tám tuổi ở Thái Lan được phát hiện sống cùng đàn chó và chỉ có thể giao tiếp bằng cách sủa, theo thông tin từ giới chức địa phương trong tuần này.
Đứa trẻ chưa được tiết lộ danh tính đã được tìm thấy tại một túp lều xập xệ, được mô tả là “nơi đầy rẫy ma túy”, trong một đợt kiểm tra vào đầu tuần, theo truyền thông địa phương.
Cảnh sát xác định cậu bé sống cùng mẹ, 46 tuổi và anh trai, 23 tuổi, tại quận Lap Lae, tỉnh Uttaradit. Cả 2 được cho là đã có kết quả dương tính với ma túy.
Theo nhà chức trách, gia đình này bị hàng xóm xa lánh, cậu bé chưa từng được đi học đúng nghĩa, sống tách biệt hoàn toàn và chỉ có 6 con chó làm bạn trong căn nhà.
“Thằng bé không nói được, chỉ sủa. Thật đáng thương khi chứng kiến điều đó,” bà Paveena Hongsakul, Chủ tịch một tổ chức bảo vệ quyền trẻ em, nói trong quá trình phối hợp giải cứu cùng cảnh sát địa phương.
Mẹ giữ con ở nhà dù nhận tiền trợ cấp học hành
Theo báo Khaosod English, đứa trẻ chỉ mới đi học một lần, dù mẹ của em từng nhận khoản trợ cấp khoảng 400 baht (tương đương 250.000 VND) cho việc học.
“Người mẹ không cho em đến trường từ sau khi nhận được khoản trợ cấp giáo dục miễn phí,” bà Hongsakul nói, được dẫn lại bởi South China Morning Post. “Sau khi nhận tiền, bà ta đơn giản là giữ con ở nhà.”
Người dân quanh đó nói rằng họ không cho con mình chơi với cậu bé vì cách hành xử kỳ lạ của gia đình. Mẹ cậu bé được cho là thường xuyên đi xin ăn và tiền tại các ngôi chùa địa phương.
Theo báo Khaosod, bà này đã bị buộc tội sử dụng ma túy sau cuộc đột kích của nhà chức trách.
“Mái nhà đó nằm trong vùng đỏ về ma túy,” - một giáo viên cho biết - “Cậu bé không có ai, chỉ có đàn chó để chơi cùng.”

Cậu bé được đưa tới trung tâm chăm sóc trẻ em
Các nhà hoạt động xã hội đã báo cảnh sát và phối hợp với nhiều cơ quan chức năng để thực hiện cuộc đột kích túp lều, sau khi hiệu trưởng địa phương, ông Sophon Siha-ampai, phát tín hiệu báo động, theo The Thaiger.
Hình ảnh từ hiện trường cho thấy các nhà chức trách đứng quanh gia đình nhỏ trong khu vực rừng rậm, có sự hiện diện của nhiều con chó.
Theo truyền thông địa phương, các nhân viên xã hội đã can thiệp và đưa cậu bé vào trung tâm chăm sóc trẻ em.
Bà Hongsakul, thuộc Tổ chức Bảo vệ Phụ nữ và Trẻ em, cho biết sẽ phối hợp với nhà chức trách để đảm bảo em được tiếp tục học hành và theo dõi sự tiến triển của em.
“Chúng tôi sẽ trao cho cậu bé cơ hội được sống một cuộc đời tốt đẹp. Chúng tôi sẽ theo dõi để chắc chắn em nhận được mọi thứ cần thiết,” bà nói.
Theo báo cáo, em từng theo học mầm non nhưng chỉ đến trường tiểu học một lần khi bước vào lớp 1 (khoảng 6–7 tuổi).
Dữ liệu về “trẻ hoang dã” – những trẻ em lớn lên không có tiếp xúc xã hội bình thường – vẫn còn rất ít.
Trong nhiều thế kỷ, những câu chuyện trẻ sống với động vật hay bị bỏ rơi từng được xem là truyền thuyết, như huyền thoại về Romulus và Remus, 2 đứa trẻ được chó sói nuôi dưỡng trong truyền thuyết thành lập thành Rome.
Những thập niên gần đây, các nhà tâm lý học đã bắt đầu thu thập dữ liệu để hiểu rõ hơn về tác động của môi trường sống đến sự phát triển tâm trí.
Một trường hợp nổi tiếng là Oxana Malaya, bị cha mẹ nghiện rượu bỏ rơi, sống trong chuồng chó năm 1991.
Cô gái được phát hiện có hành vi giống loài chó hơn là con người – đi bằng bốn chân và sủa.
Dù vẫn còn một số khiếm khuyết về khả năng, Oxana sau này đã học nói trôi chảy, có công việc ổn định và bắt đầu một cuộc sống mới.