Khép lại kỳ thi, hãy ôm con vào lòng!

GD&TĐ - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại Hà Nội đã khép lại, nhưng dư âm của nó vẫn còn dai dẳng trong nhiều gia đình.

Hãy ôm con vào lòng cùng lời cảm ơn vì con đã nỗ lực hết mình. Ảnh minh họa: ITN
Hãy ôm con vào lòng cùng lời cảm ơn vì con đã nỗ lực hết mình. Ảnh minh họa: ITN

Có những ngôi nhà ngập tràn tiếng cười khi con làm bài tốt, nhưng cũng có những mái ấm đang trở nên lạnh lẽo, nặng nề chỉ vì con không đủ điểm như kỳ vọng. Tôi đã từng đọc ở đâu đó câu nói: “Thành tích học tập không nên là lý do khiến một đứa trẻ cảm thấy xa cách với chính cha mẹ mình”.

Nhưng thực tế, sau mỗi kỳ thi, lại có những gia đình mà khoảng cách ấy ngày một lớn hơn vì áp lực, kỳ vọng, vì những lời trách móc, so sánh, thậm chí là thất vọng công khai. Dù kết quả bài thi có như mong đợi hay không, điều đầu tiên mà cha mẹ nên làm là cái ôm thật chặt, cái xoa đầu, lời cảm ơn vì con đã nỗ lực hết mình trong suốt thời gian qua.

Tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội luôn cao. Hàng năm, vẫn có khoảng gần 40% học sinh phải rẽ sang lối khác: Trường tư, trung tâm GDTX, học nghề… Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Nhưng điều đáng nói là, nhiều cha mẹ vẫn xem trượt lớp 10 công lập là một “thất bại”, là điều xấu hổ, là kết quả không thể chấp nhận.

Xin hãy hiểu, con của chúng ta mới 15 tuổi vừa trải qua một kỳ thi căng thẳng nhất trong tuổi học trò. Con đã cố gắng. Con đã chịu áp lực. Và giờ đây, điều con cần nhất không phải là bảng điểm, mà là một bờ vai để tựa vào, một ánh mắt dịu dàng của mẹ, một cái ôm siết chặt của cha.

Không ít học sinh kể rằng, sau khi biết điểm thi, cha mẹ đã thay đổi thái độ: Không còn hỏi han nhẹ nhàng, không còn cười nói vui vẻ, mà chỉ là những câu lạnh lùng kiểu như: “Bố mẹ đã đầu tư bao nhiêu cho con mà con học hành thế này sao?”, hoặc tệ hơn là: “Đúng là không được cái tích sự gì, chỉ làm bố mẹ xấu hổ!”.

Đó không chỉ là tổn thương nhất thời, mà là vết nứt âm thầm trong tình cảm gia đình. Khi một đứa trẻ cảm thấy chỉ được yêu khi đạt điểm cao, thì tình yêu ấy chẳng còn là chốn bình yên, mà là một “bản hợp đồng” áp lực.

Không ai phủ nhận tầm quan trọng của kỳ thi vào lớp 10, nhưng giá trị của một đứa trẻ không thể bị đo đếm bằng điểm số. Kỳ thi ấy chỉ là một chặng đường, không phải là đích đến duy nhất trong hành trình trưởng thành. Điều đáng lo hơn là, nếu cha mẹ chỉ nhìn vào điểm thi để đánh giá con, để yêu hay ngừng yêu, để tự hào hay xấu hổ, thì đứa trẻ ấy sẽ học được cách giấu mình, xa cách và dần không còn tin rằng mình xứng đáng được yêu thương vô điều kiện.

Sau kỳ thi, dù kết quả thế nào, chính là thời điểm cha mẹ có thể dạy con một bài học lớn về cuộc sống: Rằng mỗi người đều có lúc vấp ngã; rằng gia đình là nơi người ta có thể trở về, có thể khóc, và được tha thứ. Hãy nói với con rằng: “Bố mẹ tự hào vì con đã cố gắng”. Hãy ngồi lại, cùng con vạch ra những hướng đi tiếp theo: Trường tư, trung tâm GDTX, học nghề…

Con đường nào cũng có thể dẫn đến thành công, nếu đi với tâm thế tích cực và được tiếp sức bằng tình yêu thương. Vấn đề là cha mẹ có đủ bao dung để cùng con vạch lại hành trình, thay vì ép con gánh nốt giấc mơ dang dở của mình hay kỳ vọng “phải vào được trường top”?.

Con không cần một tấm bằng điểm thật cao để được yêu thương.

Con chỉ cần một ánh mắt dịu dàng và một cái ôm không điều kiện, đặc biệt là trong lúc con cảm thấy mình “không đủ giỏi”.

Hãy ôm con, khi con thi trượt.

Vì con không cần ai phán xét thêm mà cần được biết rằng: Trong mắt cha mẹ, con vẫn là đứa trẻ đáng yêu, dũng cảm và tuyệt vời nhất.

Thi xong lớp 10 rồi, dù con làm bài tốt hay không, cha mẹ hãy ôm con trước đã.

Ở tuổi 15, các con dễ tổn thương nếu bị gán mác “thất bại”. Do đó:

Đừng đưa kỳ thi này thành ranh giới “được - mất” trong mắt trẻ. Dạy con hiểu: “Điểm số không quyết định giá trị bản thân”.

Tạo điều kiện cho con nghỉ ngơi, thư giãn sau kỳ thi: Một chuyến đi chơi ngắn, một khóa học nhẹ nhàng, hoặc đơn giản là những ngày không bị giục học cũng giúp con hồi phục tinh thần.

Cùng con lập kế hoạch cho hướng đi tiếp theo: Khi con được chủ động tham gia quyết định, con sẽ cảm thấy mình có quyền làm lại và nỗ lực hơn.

Không phải ai cũng bước vào cánh cửa THPT công lập, nhưng ai cũng có thể bước tiếp nếu cha mẹ đồng hành với sự bình tĩnh, yêu thương và thấu hiểu. Cuộc sống của con mới chỉ bắt đầu. Đừng để một kỳ thi dù quan trọng trở thành bức tường chắn giữa cha mẹ và con cái.

Đừng để một kỳ thi khiến không khí gia đình trở nên nặng nề, lạnh lẽo. Đừng để con cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Bởi tình cảm gia đình, nếu bị rạn nứt bởi vài con điểm, thì kỳ thi thật sự thất bại - không phải với đứa trẻ, mà là với cả chúng ta, những người làm cha mẹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ