Trung học kỹ thuật: Từ mô hình cũ đến cơ hội mới

GD&TĐ - Việc khôi phục và hiện đại hóa mô hình trường trung học kỹ thuật đang mở ra cơ hội chiến lược...

Trung học kỹ thuật là hướng đi chất lượng và thực tế. Ảnh minh họa: Lê Nam
Trung học kỹ thuật là hướng đi chất lượng và thực tế. Ảnh minh họa: Lê Nam

Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam bước vào giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện sâu rộng, việc khôi phục và hiện đại hóa mô hình trường trung học kỹ thuật - mô hình của giáo dục Việt Nam trước 1975 và phổ biến tại nhiều quốc gia phát triển đang mở ra cơ hội chiến lược. Đặc biệt, từ 1/3/2025, toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp chính thức được chuyển giao về Bộ GD&ĐT.

Kinh nghiệm quốc tế

Mô hình tích hợp như trung tâm GDNN - GDTX vận hành lúng túng vì mỗi bên một chuẩn, một chương trình. Học sinh học trung cấp nghề nhưng muốn thi tốt nghiệp THPT vẫn phải quay lại trung tâm GDTX để học văn hóa theo chương trình riêng của Bộ GD&ĐT. Thiếu người chỉ huy chung khiến mọi nỗ lực tích hợp rơi vào trạng thái “bấp bênh” cho nhà trường và cho người học.

Ở các nước công nghiệp phát triển, giáo dục trung học không đồng nghĩa với con đường độc đạo vào đại học. Ngược lại, các mô hình tích hợp giữa học thuật và nghề nghiệp đóng vai trò then chốt trong đào tạo nhân lực có tay nghề.

Tại Đức, hệ thống “dual system” cho phép học sinh chọn theo hướng nghề hoặc hàn lâm ngay từ trung học. Những trường như Berufsschule là nơi học sinh kết hợp học lý thuyết tại trường và thực hành tại doanh nghiệp, qua đó tạo ra lực lượng lao động kỹ thuật vững tay nghề nhưng đủ năng lực học tiếp.

Nhật Bản duy trì hệ thống Kōtō Senmon Gakkō - trường trung học kỹ thuật kéo dài 5 năm sau THCS, đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực như điện tử, cơ khí, hàng hải, thực phẩm… Còn Hàn Quốc có tới 30% học sinh THPT theo học tại các trường kỹ thuật hoặc chuyên nghiệp, nơi chương trình học cân bằng giữa văn hóa và thực hành nghề, đồng thời phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra.

Những mô hình trên cho thấy trung học kỹ thuật không là hệ thấp, mà trở thành hướng đi chất lượng và thực tế, nơi học sinh có năng lực kỹ thuật được phát triển đúng thế mạnh, thay vì bị ép vào lối học thuật truyền thống.

Giáo dục trung học gắn với sản xuất

Tại Việt Nam, mô hình tương tự từng được thực hiện, song lại phát triển theo 2 hướng ở hai miền Bắc, Nam trước năm 1975.

Sau năm 1954, miền Bắc bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội với định hướng phát triển công - nông nghiệp quốc doanh. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho tiến trình này, hệ thống giáo dục nghề nghiệp được hình thành sớm, theo hướng đồng bộ và kế thừa mô hình đào tạo nghề của Liên Xô.

Từ thập niên 1960 - 1970, hàng loạt trường công nhân kỹ thuật và trung cấp chuyên nghiệp ra đời để cung cấp lao động kỹ thuật cho các nhà máy lớn như Gang thép Thái Nguyên, Cơ khí Hà Nội, Điện khí Uông Bí… Lực lượng này cũng phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, bảo vệ miền Bắc và thống nhất đất nước.

Các trường công nhân kỹ thuật đào tạo các nghề như tiện, phay, hàn, điện, xây dựng… Chương trình học linh hoạt, thực hành tại xưởng là trọng tâm, học sinh được hỗ trợ ăn, ở và phân công việc làm sau khi tốt nghiệp. Ưu điểm lớn của mô hình là gắn kết giữa nhà trường - xí nghiệp - Nhà nước trong một hệ thống thống nhất, có chỉ tiêu rõ ràng và đầu ra đảm bảo.

Cùng thời kỳ, mô hình trường Phổ thông Công nghiệp được triển khai tại các thành phố. Ở Hà Nội, có các trường như Phổ thông Công nghiệp Hà Nội, Đống Đa, Hoàn Kiếm - nơi học sinh vừa học văn hóa, vừa học công nghiệp với nhiều giờ thực hành: Vẽ kỹ thuật, điện, nguội, tiện, rèn, thực tập tại Nhà máy Cơ khí Hà Nội.

Ở nông thôn, có trường Phổ thông Nông nghiệp mà tiêu biểu là Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình - tiền thân của Trường Phổ thông dân tộc nội trú Hòa Bình. Đây là mô hình vừa học văn hóa, vừa lao động sản xuất, đào tạo được nhiều thế hệ kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, cán bộ cho tỉnh Hòa Bình và nhiều địa phương khác.

Dù chưa tích hợp trọn vẹn với chương trình phổ thông, nhưng đây là mô hình trường phổ thông kỹ thuật đầu tiên ở miền Bắc, giàu tính thực hành, gắn lý thuyết với lao động sản xuất, để lại nhiều bài học quý về giáo dục phổ thông gắn với nghề nghiệp.

Ở miền Nam, hệ thống trường học kỹ thuật là bộ phận quan trọng của nền giáo dục quốc dân. Hình thành từ cuối thập niên 1950, kế thừa nền tảng các trường kỹ thuật thời Pháp, nhiều trường trung học kỹ thuật như Cao Thắng (TPHCM), Nguyễn Trường Tộ (Huế), Quy Nhơn, Nha Trang, Vĩnh Long… đã thu hút học sinh giỏi và đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên có tay nghề vững vàng.

Từ năm học 1964 - 1965, các trường trung học kỹ thuật bắt đầu tuyển học sinh sau lớp 7, đào tạo trong 3 - 5 năm, với khoảng 50% thời lượng dành cho các môn kỹ thuật - nghề, phần còn lại là kiến thức văn hóa.

Hệ thống có hai hướng đào tạo: Hệ Kỹ thuật - Toán (kết thúc bằng kỳ thi Tú tài II Kỹ thuật, đủ điều kiện thi đại học) và hệ Kỹ thuật chuyên nghiệp (thi lấy bằng trung học kỹ thuật chuyên nghiệp, có thể đi làm hoặc học tiếp). Những học sinh học tiếp 2 năm tại Bách khoa Phú Thọ và thi đạt được công nhận tương đương Tú tài II Kỹ thuật, đủ điều kiện thi đại học kỹ thuật như học sinh phổ thông.

Cùng với trung học kỹ thuật, hệ thống trung học nông lâm súc cũng phát triển mạnh tại Huế, Bảo Lộc, Tây Ninh, Cần Thơ… Các trường này đào tạo kỹ thuật viên trung cấp về trồng trọt, chăn nuôi, thú y…, tích hợp với chương trình văn hóa phổ thông, gắn với thực tiễn sản xuất ở nông thôn. Sau tốt nghiệp, học sinh có thể làm việc ngay hoặc tiếp tục học cao đẳng, đại học.

Cả hai hệ thống trung học kỹ thuật và trung học nông lâm súc đều do Bộ Quốc gia Giáo dục quản lý thông qua các Nha chuyên môn. Đây là mô hình giáo dục tích hợp hiệu quả, được xã hội công nhận, vừa cung cấp nhân lực kỹ thuật cho công - nông nghiệp, vừa mở rộng cơ hội học tập thực chất cho học sinh không theo đuổi đại học sớm.

Điểm nổi bật của mô hình là kết hợp hài hòa giữa triết lý giáo dục nhân bản với tính thực dụng, đào tạo con người toàn diện về tri thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội. Sau năm 1975, các trường trung học kỹ thuật và trung học nông lâm súc bị giải thể, sáp nhập vào các trường đại học hoặc chuyển đổi lên cao đẳng nghề, khiến mô hình tích hợp này bị gián đoạn.

tu-mo-hinh-cu-den-co-hoi-moi-3.jpg
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (TP Hồ Chí Minh), trước năm 1975 có tên Trường Trung học Kỹ thuật Cao Thắng. Ảnh: Cao Thang

Cơ hội từ thống nhất quản lý

Sau thống nhất đất nước, nền giáo dục Việt Nam vận hành theo hướng kế thừa mô hình phân tách từ Liên Xô: Giáo dục phổ thông, nghề nghiệp và đại học được tổ chức thành ba dòng riêng biệt. Bộ GD&ĐT phụ trách phổ thông và đại học, còn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB &XH) quản lý giáo dục nghề nghiệp. Hệ quả là loạt vấn đề nảy sinh: Chương trình không đồng bộ, chuẩn đầu ra không thống nhất, học sinh học nghề gặp khó khăn khi muốn học tiếp hoặc chuyển lộ trình.

Từ ngày 1/3/2025, toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp, không chỉ từ Bộ LĐ-TB &XH (cũ) mà từ các bộ, ngành khác (trừ các trường thuộc Bộ Công an và Quân đội) do Bộ GD&ĐT quản lý.

Đây là bước ngoặt lớn, khi lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, một cơ quan duy nhất có thể thiết kế và điều hành toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân, từ mầm non, phổ thông, nghề nghiệp đến đại học. Điều này mở ra cơ hội tái thiết hệ thống giáo dục quốc dân linh hoạt, tích hợp, giúp người học di chuyển thuận lợi hơn giữa các lộ trình, học suốt đời và nâng cao tay nghề liên tục.

Trong bối cảnh này, mô hình trường trung học kỹ thuật có thể là lời giải chiến lược. Không chỉ giúp phân luồng hiệu quả ngay sau THCS, mô hình này còn đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao - điều mà nền kinh tế khi bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam đang thiếu hụt.

Theo định hướng của Bộ GD&ĐT trong Chiến lược phát triển giáo dục đến 2030, các mô hình trường THPT kỹ thuật hoặc THPT có lớp học nghề sẽ được nghiên cứu xây dựng. Mô hình đề xuất có thể như sau: Học sinh sau THCS theo học 3 năm tại trường trung học kỹ thuật, với chương trình tích hợp 60 - 70% văn hóa và 30 - 40% kỹ năng nghề. Sau khi tốt nghiệp, học sinh nhận bằng tương đương THPT và chứng chỉ kỹ năng nghề, có thể đi làm hoặc học tiếp lên cao đẳng, đại học.

Khác với quan niệm cũ “học nghề là hết đường học lên”, mô hình trung học kỹ thuật mới phải được xác lập là dòng giáo dục chính quy, chất lượng cao, có đầu vào chọn lọc và đầu ra đảm bảo. Đây là cách hiệu quả để phá vỡ định kiến xã hội, đồng thời tạo lực đẩy cho đào tạo lao động kỹ thuật có trình độ và tay nghề cao, có nền tảng học vấn và khả năng chuyển đổi nghề, nâng cao trình độ và khả năng vươn xa không hạn chế trong thời đại chuyển đổi số và công nghiệp 4.0.

tu-mo-hinh-cu-den-co-hoi-moi-1.jpg
Giờ thực hành nghề tại Trung tâm GDNN - GDTX Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Lê Nam

Từ chính sách đến hành động

Theo các chuyên gia giáo dục, để xây dựng thành công mô hình trung học kỹ thuật/ trung học nghề, cần lộ trình bài bản từ chính sách đến triển khai thực tế, gồm các bước:

Trước hết, cần ban hành khung pháp lý và định danh rõ ràng cho loại hình trường này. Đây là điều kiện tiên quyết để đảm bảo tính pháp lý trong tổ chức, cấp bằng và đánh giá kết quả học tập một cách thống nhất.

Tiếp theo, xây dựng chương trình tích hợp thực chất, hướng đến mục tiêu kép: Vừa đủ kiến thức văn hóa để học tiếp, vừa đủ kỹ năng nghề để sẵn sàng đi làm. Chương trình cần thiết kế dựa trên cơ sở khoa học giáo dục, mô hình quốc tế và nhu cầu thị trường lao động trong nước.

Thứ ba, đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ là yếu tố sống còn. Trường phải có xưởng thực hành, thiết bị hiện đại, giáo viên đạt chuẩn cả về sư phạm lẫn tay nghề. Cần chính sách học phí hợp lý và học bổng để thu hút học sinh có năng lực.

Một yêu cầu quan trọng khác là truyền thông mạnh mẽ. Mô hình trung học kỹ thuật không phải là lựa chọn “bậc thấp”, mà là hướng đi thông minh, thực tế, như tại nhiều quốc gia có tỷ lệ học sinh theo hướng nghề cao nhờ đào tạo chất lượng và thị trường có nhu cầu lớn.

Cuối cùng, quá trình thí điểm phải đồng bộ, có chọn lọc và từng bước vững chắc. Mỗi địa phương chọn một trường đủ điều kiện, bổ sung thiết bị dạy học văn hóa và thực hành nghề, đầu tư đội ngũ giáo viên chất lượng. Quá trình thí điểm cần khảo sát, đánh giá độc lập để kịp thời điều chỉnh, tiến tới mở rộng và công nhận đây là lựa chọn học tập chính thống, hiệu quả cho học sinh.

Đối với bậc trung học, nên khôi phục mô hình trung học kỹ thuật với tinh thần hiện đại hóa, tích hợp và linh hoạt chính là một trong những điểm đột phá. Trường trung học kỹ thuật không chỉ là giải pháp cho phân luồng sau THCS mà còn là lời giải cho bài toán phát triển nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, kinh tế xanh, năng lượng mới, năng lượng tái tạo…

Nếu được triển khai đúng hướng, mô hình này sẽ tạo ra nguồn lao động có năng suất cao, khả năng thích ứng nhanh và nền tảng học tập suốt đời. Đây không phải là cải cách nhỏ, mà trở thành cơ hội chiến lược để Việt Nam định hình lại cấu trúc giáo dục và phát triển bền vững.

Ngày 28/2/2025, thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế thống nhất ký kết biên bản bàn giao, tiếp nhận một số đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH về Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế theo Đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH bàn giao chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp để Bộ GD&ĐT tiếp nhận và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Minh bạch trong giao dịch

GD&TĐ - Bộ Tài chính cho rằng, nếu duy trì quy định thuế khoán sẽ dẫn đến thất thu nghiêm trọng từ hộ kinh doanh lớn.