Sở GD&ĐT quản lý nhân sự Hội đồng trường phổ thông: Thí điểm trước khi triển khai đại trà

GD&TĐ - Nhiều ý kiến cho rằng, để sở GD&ĐT quản lý nhân sự Hội đồng trường phổ thông hiệu quả thì cần chuẩn bị kỹ về nguồn lực và cơ chế phối hợp rõ ràng.

Nhà giáo Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hà Nội). Ảnh: Khôi Nguyên
Nhà giáo Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hà Nội). Ảnh: Khôi Nguyên

Lợi ích đan xen

Trao đổi về vấn đề này, TS Hà Văn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Tho (Ninh Bình) cho biết, nếu triển khai chủ trương giao sở GD&ĐT các tỉnh, thành quản lý nhân sự của Hội đồng trường phổ thông sẽ có thuận lợi và khó khăn nhất định.

Về mặt thuận lợi, việc này góp phần nâng cao tính minh bạch, đồng bộ trong công tác bổ nhiệm nhân sự, đặc biệt với các vị trí chủ chốt như Chủ tịch Hội đồng trường. Việc sở GD&ĐT trực tiếp xét duyệt giúp đảm bảo đúng quy trình, tiêu chuẩn, tăng cường vai trò quản trị trong trường học. Đây cũng là cơ hội để các trường được định hướng và hỗ trợ chuyên môn sâu hơn từ cấp quản lý.

“Thực tiễn triển khai cũng cho thấy một số khó khăn như quy trình hành chính có thể kéo dài, làm chậm tiến độ tổ chức hoạt động của Hội đồng trường. Việc nhân sự do sở GD&ĐT quyết định dễ dẫn đến thiếu sự linh hoạt, không phù hợp với đặc thù từng trường”, TS Hà Văn Hải phân tích.

Bên cạnh đó, nếu nhân sự Hội đồng trường không gắn bó, am hiểu môi trường trường học, hiệu quả hoạt động sẽ bị hạn chế. TS Hà Văn Hải kiến nghị, sở GD&ĐT nên cho phép nhà trường được chủ động đề xuất nhân sự phù hợp, đồng thời đơn giản hóa thủ tục, tăng cường đối thoại để đảm bảo hiệu quả thực chất, tránh hình thức.

Hơn 20 năm gắn bó trong nghề, nhà giáo Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hồng Hà, Hà Nội) nhấn mạnh, việc Chính phủ ban hành Nghị định 142/2025/NĐ-CP giao sở GD&ĐT quản lý nhân sự của Hội đồng trường phổ thông là bước đi đáng chú ý trong tiến trình đổi mới quản trị nhà trường.

Dưới góc nhìn thực tiễn cơ sở, bà Hồng cho rằng, chủ trương này giúp thống nhất và minh bạch trong công tác nhân sự; đảm bảo các tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, chuyên môn khi lựa chọn nhân sự tham gia Hội đồng trường. Hạn chế tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” nếu nhà trường tự lựa chọn toàn bộ thành viên, đặc biệt ở cấp lãnh đạo.

“Thực thi chủ trương này giúp nâng cao vai trò giám sát, quản lý của cơ quan cấp trên. Sở GD&ĐT sẽ có cái nhìn tổng thể và khách quan hơn, từ đó lựa chọn, luân chuyển, bổ sung thành viên phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nhà trường. Khi nhân sự Hội đồng trường được cấp trên trực tiếp quản lý, vai trò của Hội đồng sẽ được củng cố mạnh mẽ hơn”, bà Vân Hồng bày tỏ.

thi-diem-truoc-khi-trien-khai-dai-tra-2.jpg
Hội đồng giáo dục Trường THPT Mỹ Tho (Ninh Bình). Ảnh: Khôi Nguyên

Cần sự phối hợp nhiều bên

Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương, bà Nguyễn Thị Vân Hồng cũng khẳng định, với sự tham gia của nhiều bên như sở GD&ĐT, nhà trường, xã hội thì Hội đồng trường có điều kiện trở thành thiết chế thực sự điều hành chiến lược, đúng với mô hình quản trị tiên tiến.

Dù vậy, nếu sở GD&ĐT không sát sao, việc lựa chọn nhân sự có thể thiếu phù hợp với đặc thù, văn hóa và nhu cầu cụ thể từng trường phổ thông. Tăng gánh nặng hành chính cho sở GD&ĐT khi họ phải quản lý hàng nghìn Hội đồng trường trên địa bàn (nhất là các tỉnh, thành phố lớn) sẽ tạo thêm áp lực về nhân sự, quy trình, giám sát, dẫn đến nguy cơ chồng chéo và quá tải.

Bà Vân Hồng lưu ý thêm, khi sở GD&ĐT quản lý nhân sự Hội đồng trường dễ phát sinh tâm lý ỷ lại ở cơ sở. Khi không được tự chủ nhiều trong việc lựa chọn nhân sự, một số trường có thể giảm động lực xây dựng Hội đồng trường một cách chủ động, hiệu quả. Cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ để tránh tình trạng “áp đặt” từ cấp trên khiến Hội đồng trường hoạt động kém hiệu quả.

Đồng tình với chủ trương này, nhà giáo Vũ Văn Tiến - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ, quy định này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn vì sở GD&ĐT quản lý chuyên môn nếu được giao quyền quản lý nhân sự thì việc điều hành, quản lý sẽ sát đối tượng và thuận lợi hơn rất nhiều.

Với vai trò quản lý trực tiếp, sở GD&ĐT có thể dễ dàng kiểm tra, giám sát hoạt động của Hội đồng trường theo đúng quy định pháp luật và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ. Hội đồng trường bám sát hơn các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục của địa phương, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Nhà giáo Phạm Thị Dung - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Púng Luông (Púng Luông, Lào Cai) cho rằng, sở GD&ĐT quản lý nhân sự Hội đồng trường sẽ tăng cường tính thống nhất trên toàn tỉnh, nâng cao chất lượng đội ngũ. Khi sở GD&ĐT quản lý sẽ gắn trách nhiệm với hoạt động của Hội đồng trường, điều này tạo ra cơ chế giám sát chéo hiệu quả.

Tuy nhiên, bà Dung nhìn nhận, nếu áp dụng chủ trương này ngoài thực tế cũng phát sinh vấn đề về nguy cơ suy giảm tính tự chủ của các nhà trường nếu nhân sự cần thay đổi gấp phải chờ đợi quy trình từ sở GD&ĐT sẽ gây chậm trễ.

Để việc quản lý hiệu quả, sở GD&ĐT cần có cơ chế phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương và đặc biệt với Ban giám hiệu, cấp ủy các trường phổ thông. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả quy định này cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn lực, xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, phát huy tính chủ động, sáng tạo của Hội đồng trường trong khuôn khổ pháp luật.

Về mặt giải pháp, nhà giáo Nguyễn Thị Vân Hồng cho hay, cần phân cấp rõ ràng, có lộ trình để có thể áp dụng chính sách này. Sở GD&ĐT có quyền phê duyệt nhưng Hội đồng trường vẫn có vai trò đề xuất, tham mưu.

“Cần bồi dưỡng năng lực Hội đồng trường qua các buổi tập huấn định kỳ để họ rõ vai trò, chức năng, cách thức hoạt động thực chất. Thiết lập cơ chế giám sát, phản hồi hai chiều từ nhà trường lên sở GD&ĐT và ngược lại, đảm bảo tính tương tác và phản biện trong lựa chọn nhân sự. Thí điểm tại một số địa phương trước khi triển khai đại trà”, bà Vân Hồng nêu kiến nghị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ