Trí tuệ nhân tạo mở lối đổi mới giáo dục ngôn ngữ toàn cầu

GD&TĐ - Hội thảo quốc tế ICLD 2025 thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng nhà khoa học trong nước và quốc tế với thông tin và xu hướng mới.

TS Willy Adrian Renand (Viện Giáo dục Quốc gia, Đại học Công nghệ Nanyang – Singapore) trình bày tham luận nghiên cứu tại hội thảo ICLD 2025.
TS Willy Adrian Renand (Viện Giáo dục Quốc gia, Đại học Công nghệ Nanyang – Singapore) trình bày tham luận nghiên cứu tại hội thảo ICLD 2025.

71 bài nghiên cứu từ hơn 10 quốc gia

Trong 2 ngày 4 và 5/7, Hội thảo quốc tế “Phát triển ngôn ngữ lần thứ 2 - The 2nd ICLD 2025” (The 2nd International Conference on Language Development) với chủ đề “Transforming Language Education: Wellness, Technology and Beyond” (Chuyển đổi giáo dục ngôn ngữ: Sức khỏe, Công nghệ và những vấn đề khác) diễn ra tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TDTU).

Hội thảo do TDTU phối hợp tổ chức cùng Trường Đại học Silpakorn (Thái Lan), Trường Đại học Công lập Nueva Vizcaya State (Philippines) và Trường Đại học Sư phạm Thượng Hải (Trung Quốc).

toan-canh.jpg
Các nhà khoa học, chuyên gia tham dự ICLD 2025.

Ban tổ chức nhận được 71 bài nghiên cứu (gồm 7 báo cáo của các diễn giả chính và 64 báo cáo của các diễn giả khác), được gửi về từ các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên và học viên cao học trong và ngoài nước.

Đồng thời, hội thảo cũng thu hút đông đảo người tham dự, cả trực tiếp và trực tuyến, đến từ 14 quốc gia trên thế giới, bao gồm: Úc, Trung Quốc, Singapore, Philippines, Thái Lan, Đức, Ba Lan, Indonesia, Armenia, Ukraine, Vương quốc Anh, Yerevan, Canada, Phần Lan và Việt Nam.

Phát biểu tại lễ khai mạc, TS Võ Hoàng Duy - Phó Hiệu trưởng TDTU cho biết: “Hội thảo nhấn mạnh vai trò của trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục ngôn ngữ, đồng thời khẳng định việc ứng dụng AI trong giảng dạy ngôn ngữ phù hợp với xu thế chuyển đổi số, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.”

Các chủ đề chính của hội thảo tập trung vào việc ứng dụng AI để xây dựng các chiến lược giảng dạy sáng tạo, cá nhân hóa môi trường học tập, đáp ứng nhu cầu và năng lực riêng của từng người học.

thay-duy.jpg
TS Võ Hoàng Duy - Phó Hiệu trưởng TDTU phát biểu khai mạc ICLD 2025.

Hội thảo cũng đề cập đến những giải pháp cho các vấn đề đạo đức nảy sinh khi tích hợp AI vào đào tạo. Bên cạnh đó, vấn đề sức khỏe tinh thần và an sinh cho giáo viên, sinh viên trong quá trình dạy và học cũng được nhấn mạnh.

Những kết quả nghiên cứu được trình bày tại hội thảo hứa hẹn đóng góp tích cực vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập ngôn ngữ, phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục hiện nay.

Công nghệ có giúp ích cho khả năng sử dụng ngôn ngữ?

Trong phiên thảo luận toàn thể ngày 4/7, TS Willy Adrian Renand (Đại học Công nghệ Nanyang – Singapore) trình bày tham luận “Công nghệ có thể cải thiện khả năng sử dụng ngôn ngữ không?”.

Tham luận mang đến nhiều thông tin đáng chú ý. Công nghệ hiện là yếu tố phổ biến trong các lớp học ngôn ngữ, từ ứng dụng di động đến thực tế ảo và thực tế tăng cường. Mặc dù công nghệ mang lại lợi ích rõ rệt trong các lĩnh vực như phát âm và tăng cường sử dụng ngôn ngữ, nhưng tác động tổng thể của nó đối với năng lực ngôn ngữ vẫn chưa thực sự rõ ràng.

1.jpg
TS Willy Adrian Renand (Đại học Công nghệ Nanyang – Singapore) trình bày tại hội thảo, phiên toàn thể.

Một số nghiên cứu ghi nhận sự cải thiện đáng kể về từ vựng, kỹ năng viết và nói, nhưng phân tích kỹ lưỡng hơn cho thấy thiết kế nghiên cứu còn hạn chế. Chẳng hạn, các cải tiến trong các tác vụ viết hoặc tương tác nói (có sử dụng Wiki, như được báo cáo trong các phân tích tổng hợp gần đây) thường đến từ sự hợp tác giữa người học hoặc hoạt động tương tác, chứ không hẳn do chính công nghệ mang lại.

Bài thuyết trình này lập luận rằng việc sử dụng công nghệ - bao gồm các công cụ được hỗ trợ bởi AI - cần được dẫn dắt bởi các nguyên tắc cốt lõi trong Dạy tiếng Anh (ELT), như đầu vào và đầu ra có ý nghĩa, sự trôi chảy, mức độ tham gia của người học, hướng dẫn tập trung vào hình thức và cam kết thực hành ngôn ngữ kéo dài. Nếu không có nền tảng từ các nguyên tắc này, công nghệ khó có thể mang lại tiến bộ ngôn ngữ đáng kể hay bền vững.

2.jpg
PGS.TS Lê Văn Canh (Trường Đại học Công nghiệp TPHCM) trình bày tham luận.

PGS.TS Lê Văn Canh (Trường Đại học Công nghiệp TPHCM) lại mang đến hội thảo một cách tiếp cận khác: Đa văn hóa để nâng cao sức khỏe tinh thần, hạnh phúc cho giáo viên - Đối thoại giữa Tâm lý học tích cực và Chánh niệm.

Ông cho rằng, hạnh phúc của giáo viên là vấn đề quan trọng đối với nhà trường và xã hội vì nó liên quan đến hiệu quả giảng dạy và kết quả học tập của học sinh. Chủ đề này ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, dẫn đến sự ra đời của nhiều nghiên cứu thực nghiệm.

Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu hiện nay được thực hiện trong bối cảnh giáo dục phương Tây, chịu ảnh hưởng từ quan điểm tâm lý học tích cực – nhấn mạnh đến các điều kiện và quá trình góp phần vào sự phát triển hoặc vận hành tối ưu của cá nhân, nhóm và tổ chức.

Trong bài nói chuyện của mình, PGS.TS Lê Văn Canh tiếp cận chủ đề hạnh phúc của giáo viên từ một góc nhìn mới: Phật giáo. Ông chia sẻ những quan điểm về các yếu tố cấu thành hạnh phúc, cách nuôi dưỡng và thực hành hạnh phúc dựa trên những hiểu biết sâu sắc của Phật giáo.

thao-luan-chuyen-de.jpg
Bên cạnh phiên toàn thể, hội thảo tổ chức 6 phiên thảo luận song song.

Theo ban tổ chức, ICLD 2025 không chỉ là nơi thúc đẩy và mở rộng mạng lưới học thuật để phát triển chuyên môn, công bố các công trình nghiên cứu khoa học mới, khuyến khích ý tưởng sáng tạo trong giáo dục và nghiên cứu khoa học, mà còn là diễn đàn trao đổi, hợp tác giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý giáo dục trong nước và quốc tế.

Thông qua các phiên thảo luận và hoạt động kết nối học thuật với thực tiễn, hội thảo góp phần gắn kết nhà trường với xã hội và nhu cầu thị trường lao động, đồng thời tạo nền tảng để các ý tưởng nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả vào thực tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ